Ngành Du lịch thành phố Hồ Chí Minh đang đối mặt với nhiều khó khăn do dịch Covid-19 gây ra. Nhưng với sự năng động, nhạy bén, ngành Du lịch thành phố đã xây dựng những kế hoạch ứng phó cụ thể, từ đó giúp các doanh nghiệp lữ hành sớm phục hồi, phát triển ổn định.
Đợt dịch Covid-19 đang diễn ra phức tạp bắt đầu bùng phát ngay trước mùa cao điểm du lịch Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 khiến hàng loạt chương trình kích cầu du lịch của doanh nghiệp du lịch tại thành phố Hồ Chí Minh phải tạm hoãn. Điển hình như Giải chạy Marathon quốc tế thành phố Hồ Chí Minh Techcombank, dự kiến diễn ra vào ngày 28-2, với sự tham gia của hàng chục nghìn người. Đây là sự kiện thể thao lớn ngay dịp đầu năm mới, góp phần quảng bá du lịch thành phố Hồ Chí Minh khi các đường chạy được thiết kế đi qua các điểm du lịch nổi tiếng của thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, với tiêu chí đặt sức khỏe và sự an toàn của cộng đồng lên hàng đầu, nên dự kiến giải chạy sẽ lùi thời gian tổ chức đến ngày 11-4-2021.
Thời gian qua, sau hàng loạt các biện pháp ứng phó quyết liệt, kịp thời của các cấp, ngành tại thành phố Hồ Chí Minh, dịch Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát. Trong đó, ổ dịch lớn nhất tại sân bay Tân Sơn Nhất đã được khống chế. Trước tình hình này, nhiều doanh nghiệp lữ hành đã nhanh chóng lên kế hoạch trở lại kinh doanh. Ông Nguyễn Ngọc Hoài Nguyên, Tổng Giám đốc Bến Thành Tourist cho biết: “Công ty đang chuẩn bị cho kế hoạch quay lại thị trường bằng việc triển khai tour theo từng nhóm nhỏ, tổ chức các dòng tour cao cấp nhưng giá tốt". Còn bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc Tiếp thị truyền thông lữ hành Fiditour - Vietluxtour nói: “Chúng tôi bán các sản phẩm cho nhu cầu cá nhân, nhóm gia đình riêng, sẵn sàng cho mùa du lịch hè”.
Trong mảng kinh doanh lưu trú, nhiều doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng khá nặng nề, khi công suất phòng suốt dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu vừa qua chỉ đạt dưới 10%. Để có giải pháp trước mắt giúp đỡ các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lưu trú vượt qua khó khăn, Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh kết hợp Sở Y tế đã đưa nhiều điểm lưu trú làm điểm cách ly phòng ngừa Covid-19 có trả phí. Việc này vừa giúp doanh nghiệp có doanh thu, vừa góp phần phòng chống dịch Covid-19. Đến nay, đã có 29 cơ sở lưu trú được chọn là điểm cách ly (tương ứng với 2.053 phòng). Anh Nguyễn Minh Luân, Trợ lý Tổng quản lý khách sạn Norfolk thông tin: “Khách sạn hiện có 104 phòng. Dịp Tết vừa qua, chúng tôi tiếp nhận 17 khách cách ly phòng Covid-19, chủ yếu là chuyên gia nhập cảnh vào Việt Nam, góp phần giúp khách sạn lấp được 60% phòng trống. Việc tạm thời chuyển hướng phục vụ đối tượng khách nêu trên giúp chúng tôi duy trì hoạt động và không phải sa thải nhân viên".
Để có giải pháp lâu dài cho doanh nghiệp du lịch phát triển, bà Nguyễn Thị Khánh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch thành phố Hồ Chí Minh cho hay, Hiệp hội đã có công văn gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch, UBND thành phố Hồ Chí Minh, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Cụ thể, đề xuất miễn hoặc giảm 50% thuế VAT cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ nhà hàng, cơ sở lưu trú, vận chuyển, lữ hành, khu du lịch đến hết năm 2021; kiến nghị được miễn tiền thuê đất trong năm 2021 và 2022; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch tiếp cận gói vay ưu đãi lãi suất 0%; kéo dài thời gian trả nợ ngân hàng đến hạn; giảm giá điện đối với các cơ sở kinh doanh nhà hàng, khách sạn trong năm 2021...
Còn bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Về ngắn hạn, Sở Du lịch đã hướng dẫn các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, cơ sở lưu trú du lịch, cơ sở ăn uống, mua sắm, các điểm tham quan, khu vui chơi giải trí triển khai bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 để sẵn sàng đón khách trở lại an toàn khi điều kiện cho phép. Về dài hạn, Sở đã ban hành 3 kịch bản phát triển ngành Du lịch thành phố, tương ứng với 3 cấp độ dịch Covid-19. Đây là căn cứ quan trọng giúp các doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch phát triển của mình để ổn định và phát triển".
Tuệ Diễm