logo
title

Quảng Nam: Vai trò quản lý trong vận hành du lịch cộng đồng

Cập nhật ngày: 02/03/2021
Ở loại hình du lịch cộng đồng (DLCĐ) trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có thể nhận thấy giữa các điểm đến đã xây dựng được ban quản lý, thành lập hợp tác xã (hoặc tổ hợp tác), có sự khác biệt lớn về cách vận hành, sản phẩm, lượng khách so với các điểm đến còn mang tính tự phát.
 
Hầu hết điểm du lịch cộng đồng ở vùng cao Quảng Nam đã hình thành được hợp tác xã, tổ hợp tác để chia sẻ hài hòa lợi ích, tạo sự đồng bộ trong việc phát triển du lịch. Ảnh: Q.T
 
Tạo sự quy củ cho điểm đến
 
Trong danh mục 19 điểm DLCĐ được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận thì có 14 điểm đến thành lập được ban quản lý, thành lập hợp tác xã (hoặc tổ hợp tác). Trong số này, không bất ngờ khi cả 4/4 điểm đến nằm ở đô thị cổ Hội An gồm làng gốm Thanh Hà, làng rau Trà Quế, rừng dừa Bảy Mẫu Cẩm Thanh, làng du lịch Cẩm Kim đều sớm hình thành được ban quản lý. Dựa vào ban quản lý, việc vận hành đón khách tham quan, thảo luận cải tạo sản phẩm du lịch, điều phối lợi ích từ hoạt động du lịch cho cộng đồng cư dân trong điểm đến trở nên hài hòa, hợp lý.
 
Theo ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VHTTDL Quảng Nam, tất cả điểm đến DLCĐ ở Hội An đều đã được xây dựng, quản lý tương đối bài bản bởi chủ thể là người dân đã có rất nhiều kinh nghiệm làm du lịch. Do đó, vừa qua sở cũng đã quyết định và nhận được sự thống nhất từ phía Hội An là không đưa điểm DLCĐ nào của Hội An vào đề án hỗ trợ phát triển một số điểm DLCĐ trên địa bàn tỉnh đến năm 2025.
 
Hai điểm đến có nhiều nét mới trong thời gian qua là làng cổ Lộc Yên (Tiên Phước) và làng DLCĐ Cẩm Phú (Điện Bàn) với sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, doanh nghiệp đã tổ chức ra mắt hợp tác xã vào năm 2020 để khuyến khích xã viên thúc đẩy song song cả hai lĩnh vực nông nghiệp sạch và du lịch.
 
Ông Nguyễn Phong Lợi - Giám đốc HTX nông nghiệp làng Cẩm Phú (Điện Phong, Điện Bàn) chia sẻ, dẫu biết ngành du lịch đang trong thời kỳ hết sức khó khăn do dịch Covid-19 tác động nhưng điểm DLCĐ Cẩm Phú vẫn chủ động sẵn sàng các điều kiện đón khách. Thực tế từ đầu năm 2021 thỉnh thoảng vẫn có một vài đoàn khách ghé về Cẩm Phú trải nghiệm, học tập.
 
Một tín hiệu tích cực khác là 5/6 điểm DLCĐ nằm ở các huyện vùng cao trên địa bàn tỉnh cũng đã thành lập được ban quản lý hoặc chí ít là tổ hợp tác để duy trì quyết tâm lan tỏa hoạt động DLCĐ đến khu vực giàu tài nguyên du lịch này.
 
Theo bà Trần Thị Kim Oanh - Điều phối viên Tổ chức Cứu trợ/Phát triển quốc tế (FIDR), ở làng du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu (Nam Giang) sản phẩm đồng bào trong làng sản xuất sẽ được tập trung về nhà trưng bày chung để du khách yên tâm chọn lựa, từ đó phân phối doanh thu cho mỗi hộ tùy theo số sản phẩm bán được. Ngoài ra, mỗi người dân trong làng tham gia làm du lịch sẽ được điều phối đảm nhận mỗi phần việc riêng để tạo thành chuỗi sản phẩm cũng như san sẻ lợi ích tạo sự đoàn kết trong cộng đồng.
 
Người dân không thể tự làm DLCĐ
 
Đến thời điểm này, còn 5 điểm DLCĐ chưa tổ chức được ban quản lý gồm làng sinh thái Hương Trà (Tam Kỳ); làng DLCĐ Mỹ Sơn, làng DLCĐ Trà Nhiêu (Duy Xuyên), làng DLCĐ xã đảo Tam Hải (Núi Thành) và làng du lịch thôn Pơr’ning (Tây Giang). Trong số này, theo thông tin từ Sở VHTTDL, xã đảo Tam Hải đang nhận được sự quan tâm lớn của các doanh nghiệp du lịch nhưng vẫn chưa thể tạo ra bước đột phá do thiếu một “nhạc trưởng” định hình các sản phẩm. Do đó, dù có nhiều danh thắng, tài nguyên du lịch hấp dẫn nhưng điểm đến này vẫn chưa thể tạo dựng được thương hiệu, ngoài ra còn phải đối mặt vấn nạn ô nhiễm rác thải.
 
Với hai ngôi làng DLCĐ ở huyện Duy Xuyên, dù có lợi thế lớn khi nằm gần các di sản nhưng do cách tiếp cận chưa hợp lý từ ban đầu đồng thời cộng đồng thiếu nhiệt huyết dần dần khiến hoạt động du lịch tại đây bế tắc.
 
Theo đại diện homestay Bảy Liễu (làng DLCĐ Mỹ Sơn), việc đón khách của đơn vị chủ yếu tự phát. Do đó các năm trước điểm homestay này thường chỉ có chuyên gia nước ngoài thuê phòng ở lâu dài phục vụ nghiên cứu ở Khu đền tháp Mỹ Sơn, còn lại du khách lưu trú rất ít ỏi bởi cơ sở không tạo dựng được liên kết nào.    
 
Tại buổi làm việc của UBND tỉnh về đề án hỗ trợ phát triển một số điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 hồi cuối năm ngoái, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng: “Du lịch cộng đồng sẽ gặp thất bại nếu để người dân tự làm bởi nó sẽ dẫn đến mâu thuẫn, xung đột lợi ích, cạnh tranh giữa những người làm và với cả những người không làm. Do đó cần khuyến khích, hỗ trợ thành lập tổ chức quy tụ người có khát khao hình thành những tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp địa phương để có cơ chế điều phối, quy chế hưởng lợi rõ ràng nhằm điều tiết cộng đồng làm du lịch hiệu quả”.
 
Quốc Tuấn
Báo Quảng Nam