Hòa Bình là tỉnh miền núi Tây Bắc có 6 dân tộc anh em gồm: Mường, Kinh, Thái, Tày, Dao và Mông cùng chung sống. Khu vực hồ thủy điện Hòa Bình là địa bàn sinh sống lâu đời của người Mường, nơi có Nhà máy Thủy điện Hòa Bình với quy mô lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á. Đây hiện là điểm đến hấp dẫn bởi những mô hình du lịch cộng đồng mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc.
Đồng bào dân tộc Dao ở huyện Cao Sơn hướng dẫn du khách cách thêu thổ cẩm (ảnh chụp thời điểm dịch Covid-19 chưa bùng phát).
Những “điểm sáng”
Bản Ngòi (xã Ngòi Hoa, huyện Tân Lạc) nằm bên vịnh Ngòi Hoa, nơi được mệnh danh là “vịnh Hạ Long trên núi” với hồ nước có nhiều đảo đá xen lẫn rừng cây. Có lẽ do giao thông đi lại khó khăn, chủ yếu di chuyển bằng đường thủy nên phong cảnh ở đây còn khá nguyên sơ. Đồng bào Mường sinh sống tại bản Ngòi còn lưu giữ khá nguyên vẹn phong tục, tập quán truyền thống. Du khách đến đây luôn cảm nhận được vẻ thanh bình từ những nếp nhà sàn lâu đời, được trò chuyện cùng các cô gái trong những bộ váy Mường giản dị. Tại bản Ngòi, du khách sẽ được trải nghiệm cùng người dân đánh bắt thủy sản trên hồ, chiêm ngưỡng thác nước, hang động mang vẻ đẹp hoang sơ, trong đó nổi bật là động Hoa Tiên đã được xếp hạng Di tích thắng cảnh cấp quốc gia.
Là một xóm nhỏ nằm ven hồ Hòa Bình, xóm Tiện (xã Thung Nai, huyện Cao Phong) có gần 150 hộ sinh sống, trong đó trên 90% dân số là người Mường. Nơi đây sở hữu điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng như: 70% hộ dân hiện còn lưu giữ được nếp nhà sàn truyền thống cùng các sinh hoạt văn hóa mang đậm bản sắc riêng; các điệu dân ca, dân vũ cổ truyền và ẩm thực đặc sắc được người dân gìn giữ, thực hành liên tục... Điều kiện giao thông đến xóm Tiện cũng rất thuận lợi cho du khách với tuyến đường 435 dẫn vào tận xóm đã được nâng cấp cùng tuyến đường thủy kết nối với các bản du lịch cộng đồng và các đảo du lịch trên hồ Hòa Bình. Tại đây, du khách có thể tham gia các hoạt động trải nghiệm như chèo thuyền, câu cá, bơi lội, đi xe đạp, leo núi...
Đó chỉ là hai điểm nhấn trong số gần 150 điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình được đầu tư phát triển trong những năm qua. Đặc biệt, trong số đó có những bản du lịch cộng đồng đã được nhận Giải thưởng ASEAN homestay như bản Lác, bản Văn, bản Hịch, bản Đá Bia...
Chung sức phát triển du lịch cộng đồng
Có thể nói, Hòa Bình là một trong những tỉnh phát triển mô hình du lịch cộng đồng sớm nhất so với các tỉnh miền núi phía Bắc. Ngay từ thập niên 90, mô hình du lịch cộng đồng ở bản Lác (xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu) đã được du khách biết đến, đặc biệt là khách quốc tế. Nhờ lấy văn hóa bản địa làm gốc, du lịch cộng đồng đã phát triển mạnh mẽ ở Hòa Bình và lan tỏa sang các địa phương lân cận, mang lại nguồn sinh kế bền vững cho người dân.
Chị Sùng Y Múa, chủ homestay Y Múa (xã Hang Kia, huyện Mai Châu) chia sẻ: “Trước đây, Hang Kia từng là điểm nóng về ma túy, nhưng nơi đây hiện được nhiều du khách biết đến như là điểm đến yên bình, hấp dẫn. Du lịch cộng đồng đã mang lại cho người dân thu nhập ổn định, giúp chúng tôi biết nâng niu, gìn giữ giá trị văn hóa của dân tộc mình. Chúng tôi cảm thấy tự hào khi được hướng dẫn du khách tìm hiểu phong tục tập quán và trải nghiệm những công việc hằng ngày như vẽ sáp ong, nhuộm chàm, làm giấy dó thủ công...”.
Nói về sự quan tâm, đầu tư của tỉnh Hòa Bình trong việc phát triển mô hình du lịch cộng đồng, ông Lưu Huy Linh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hòa Bình cho biết: Hòa Bình hiện có 9 điểm du lịch cộng đồng được công nhận với gần 160 hộ gia đình tham gia, trong đó có một điểm được công nhận sản phẩm OCOP (Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm") hạng 4 sao. Để mô hình du lịch cộng đồng phát triển tương xứng với tiềm năng, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 446/QĐ-UBND ngày 10-3-2020 phê duyệt Đề án Phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới tỉnh Hòa Bình đến năm 2030. Theo đó, tỉnh phấn đấu đến năm 2030 sẽ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho 290 hộ du lịch cộng đồng, đón trên 1,65 triệu lượt khách tham quan du lịch; tổng thu từ khách du lịch cộng đồng chiếm 19,5% tổng thu từ khách du lịch. Tỉnh cũng sẽ hỗ trợ nhân rộng mô hình du lịch cộng đồng cho các xã khu vực miền núi; hỗ trợ đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông kết nối các điểm du lịch cộng đồng...
Với sự chung sức của cộng đồng các dân tộc và các cấp chính quyền địa phương, tin rằng Hòa Bình sẽ trở thành tỉnh dẫn đầu cả nước về phát triển mô hình du lịch cộng đồng trong tương lai...
Trần Anh