Lang Chánh - vùng đất có nhiều địa danh nổi tiếng gắn liền với cuộc khởi nghĩa của người Anh hùng dân tộc Lê Lợi, như: Núi Chí Linh - nơi nghĩa quân Lam Sơn năm xưa đã “nằm gai nếm mật”; suối Huối - nơi tướng, quân “hòa nước sông chén rượu ngọt ngào”; bản Năng Cát - thác Ma Hao với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ... Tất cả đang tạo nên lợi thế “vàng” để ngành “công nghiệp không khói” của huyện phát triển, đặc biệt là loại hình du lịch cộng đồng.
Thác Ma Hao, xã Trí Nang - điểm đến hấp dẫn du khách thập phương.
Bản Năng Cát là vùng đất còn nguyên sơ, với rừng nguyên sinh, động, thực vật phong phú và nhiều giá trị lịch sử, văn hóa của đồng bào Thái đen. Đến nơi đây, du khách sẽ được đắm mình trong bức tranh đa sắc màu của miền “sơn cước”, hiện hữu trong những nếp nhà sàn nằm lưng chừng núi với không gian kiến trúc độc đáo, cao rộng, thoáng đãng; được thưởng thức các sản vật đặc trưng như cơm lam, thịt lam, thịt lợn cỏ nướng, chẻo cá và các loại rau rừng, rượu siêu men lá; được tham dự các lễ hội truyền thống như lễ hội Chá Mùn; các trò chơi dân gian, nghi lễ truyền thống, như: tung còn, nhảy sạp, chọi cù, múa xòe quạt, khua luống, cồng chiêng... Đặc biệt, bản Năng Cát còn được thiên nhiên ban tặng dòng thác Ma Hao hoang sơ, hùng vĩ. Bắt nguồn từ đỉnh núi Pù Rinh có độ cao hơn 1.200 mét, cắt dọc vạt rừng xanh, ngọn thác thoai thoải uốn lượn, mài mòn từng phiến đá chênh vênh, dòng nước từ đỉnh núi cao đổ xuống tạo thành thác tung bọt trắng xóa, rồi chảy thành con suối hiền hòa làm say đắm lòng người. Thác Ma Hao không chỉ hoang sơ, hùng vĩ mà còn gắn với lịch sử hào hùng chống giặc ngoại xâm, bởi đây là nơi người Anh hùng áo vải Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn nương náu, củng cố lực lượng để đánh đuổi giặc Minh xâm lược. Vào mùa hè, du khách có thể thả mình trong dòng nước trong veo, mát lạnh, lắng nghe bản hợp xướng của suối reo, thác đổ và tiếng gió vi vút của đại ngàn. Vào buổi tối, du khách lại cùng nhau quây quần bên đống lửa, nghe tiếng sáo vang vọng núi rừng, tiếng khặp thái, hát đối đáp của những cặp đôi nam nữ trao duyên trong ánh lửa bập bùng và âm điệu trầm hùng của dàn chiêng cổ, khua luống truyền thống từ ngàn đời.
Với tiềm năng và lợi thế đó, chủ trương quy hoạch và phát triển du lịch cộng đồng tại xã Trí Nang đã được ngành chức năng và huyện Lang Chánh triển khai thực hiện. Năm 2016, tuyến du lịch cộng đồng bản Năng Cát - thác Ma Hao chính thức được công bố. Đây là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự phát triển du lịch cộng đồng ở Lang Chánh nói riêng và trong tỉnh nói chung. Theo đó, để loại hình du lịch này không ngừng phát triển, ngoài việc tăng cường tuyên truyền, quảng bá du lịch, thời gian qua, huyện Lang Chánh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách đầu tư và kêu gọi đầu tư để xây dựng hạ tầng kỹ thuật như đường giao thông, điện, nước sinh hoạt...; đồng thời khuyến khích, hỗ trợ các hộ kinh doanh lưu trú du lịch thông qua việc tập huấn, hỗ trợ kiến thức du lịch cộng đồng; kinh phí xây dựng các công trình phụ trợ; tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đặc biệt, mới đây, UBND huyện đã tổ chức công bố quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu du lịch sinh thái bản Năng Cát - thác Ma Hao. Việc quy hoạch được xây dựng trên cơ sở bảo vệ nguồn sinh thủy, cảnh quan, môi trường phù hợp và hài hòa với không gian kiến trúc của các khu vực bản làng hiện hữu, bảo tồn lối sống và kiến trúc truyền thống... Đây là một trong những tiền đề quan trọng để đưa khu du lịch sinh thái bản Năng Cát - thác Ma Hao trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.
Được biết, ngoài phát triển khu du lịch sinh thái bản Năng Cát - thác Ma Hao, những năm gần đây, huyện Lang Chánh đã tích cực kêu gọi đầu tư khai thác các điểm du lịch khác trên địa bàn như thác Hón Lối, xã Giao Thiện; thác Mây, xã Trí Nang; thác Chiềng Nang, xã Giao An... Đồng thời, gắn phát triển du lịch cộng đồng với bảo tồn, giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống. Đến nay, nhiều di tích, di sản văn hóa phi vật thể đã được bảo tồn, phục dựng, như: trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa chùa Mèo; di tích lịch sử cách mạng nhà thờ Lê Lợi, bản Năng Cát, xã Trí Nang; đền thờ ông Lê Phúc Hoạch, làng Chiềng Khạt, xã Đồng Lương; các trò chơi, trò diễn dân gian như, kéo co, đẩy gậy, mo Mường, cồng chiêng, khua luống, khèn bè, múa hát Chá Mùn, hát Khặp Thái, hát Xường, nhảy sạp, múa Pồn Pôông, múa xòe...
Có thể thấy, sự ra đời của một sản phẩm du lịch cộng đồng mới không chỉ gắn với định hướng phát triển của toàn ngành du lịch; mà còn là cơ hội để cải thiện sinh kế cho đồng bào, giúp giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc. Tuy nhiên, theo đại diện lãnh đạo huyện Lang Chánh, để du lịch cộng đồng phát triển bền vững, kết nối các tuyến, điểm du lịch trong tỉnh, tạo ra chuỗi sản phẩm du lịch có giá trị cao; ngoài sự đồng thuận của người dân, sự ưu đãi của thiên nhiên, cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, ngành chức năng, nhất là những người làm du lịch.
Bài và ảnh: Phong Sắc