logo
title

Khánh Hoà: Chờ đón khai hội Tháp Bà

Cập nhật ngày: 28/04/2021
Còn chưa đầy một tuần nữa là đến ngày diễn ra lễ hội Tháp Bà Ponagar năm 2021, mọi công tác chuẩn bị đã được ban tổ chức và Trung tâm Bảo tồn Di tích tỉnh Khánh Hoà tiến hành để bảo đảm kỳ lễ hội trang nghiêm, an toàn.
Bảo đảm công tác phòng dịch
 
Lễ hội Tháp Bà Ponagar năm nay diễn ra từ ngày 1 đến 4-5 (tức từ ngày 20 đến 23-3 âm lịch). Do tình hình dịch Covid-19 nên quy mô và cách thức tổ chức lễ hội năm nay có một số thay đổi so với thông lệ.
 

Du khách xem bảng thông báo chương trình lễ hội Tháp Bà Ponagar năm 2021.
 
Theo đó, lễ hội Tháp Bà Ponagar vẫn bảo đảm phần lễ để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của người dân; còn phần hội sẽ được lược bỏ, cắt giảm quy mô nhằm thực hiện yêu cầu phòng, chống dịch. Ban tổ chức lễ hội đã tiếp nhận danh sách đăng ký số lượng người về dự lễ của hơn 100 đoàn hành hương ở trong và ngoài tỉnh. Những người tham gia vào các đoàn hành hương phải thực hiện khai báo y tế theo quy định. Số lượng mỗi lượt vào tháp chính lễ Mẫu không quá 15 người và thời gian hành lễ còn 7 phút/đoàn. Lễ hội đón khách từ 6 giờ đến 22 giờ mỗi ngày.
 
Ngoài ra, ban tổ chức không bố trí cho các đoàn tổ chức ăn uống hay ngủ lại qua đêm trong khuôn viên khu di tích Tháp Bà Ponagar. Lễ hội năm nay cũng không tổ chức lễ rước kiệu, lễ thả hoa đăng trên sông Cái như trước đây, nhưng hoạt động biểu diễn múa bóng dâng bông mừng lễ Mẫu vẫn được bố trí sân khấu để các đoàn thực hiện. Số lượng người tham gia múa bóng trên sân khấu cũng không quá 20 người.
 
Để người dân và khách thập phương biết về những thay đổi trong lễ hội năm nay, Sở Văn hóa và Thể thao Khánh Hoà đã gửi văn bản cho các địa phương ở tỉnh Ninh Thuận có đồng bào Chăm sinh sống để thông báo cho người dân. Các đoàn hành hương khi đăng ký với ban tổ chức cũng được phổ biến những quy định mới này.
 
Theo ông Trần Đình Dũng - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích tỉnh, sau một năm lễ hội Tháp Bà Ponagar không được diễn ra vì dịch Covid-19, đến kỳ lễ hội này, người dân rất háo hức. Tuy nhiên, ban tổ chức sẽ giám sát chặt chẽ hơn do vẫn phải thực hiện các yêu cầu phòng, chống dịch. Đơn vị đã niêm yết bảng thông báo chương trình lễ hội, thời gian các đoàn hành hương vào lễ Mẫu; chuẩn bị gần 20 bàn để dung dịch khử khuẩn tại nhiều vị trí trong khuôn viên di tích. Mỗi người dân tham gia lễ hội đều phải chấp hành yêu cầu bắt buộc đo thân nhiệt, đeo khẩu trang trong suốt thời gian ở di tích. Sau 22 giờ mỗi ngày, đơn vị sẽ thực hiện việc phun tiêu độc khử trùng toàn bộ không gian di tích Tháp Bà Ponagar. Hệ thống loa phát thanh trong khu di tích thường xuyên phát các thông báo nhắc nhở mọi người thực hiện theo đúng quy định phòng dịch. Tất cả những điều đó nhằm bảo đảm tổ chức lễ hội an toàn.
 
Giữ nét đẹp lễ hội
 
Lễ hội Tháp Bà Ponagar đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Hàng năm, đến dịp lễ hội, người dân và khách hành hương lại náo nức về tham dự. Theo ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Khánh Hoà, dự kiến số lượng người tham gia lễ hội Tháp Bà Ponagar năm nay sẽ không đông như những năm trước. Bên cạnh thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19, mọi khâu chuẩn bị cho lễ hội vẫn rất chặt chẽ, chu đáo. Lễ khai mạc sẽ diễn ra vào sáng 2-5 (tức ngày 21-3 âm lịch); ngoài ra, còn tổ chức các nghi thức truyền thống như: Lễ thay y Mẫu; lễ cầu quốc thái dân an; lễ cúng Ngọ; lễ dâng hương Mẫu; lễ tế cổ truyền; lễ khai diên và lễ tôn vương. Cùng với đó là các hoạt động dâng hương, múa bóng lễ Mẫu của các đoàn hành hương. Đối với đồng bào Chăm, ban tổ chức cũng dựng những gian nhà bạt tiền chế để người dân có những vị trí cúng bái theo phong tục truyền thống.
 
Lễ hội Tháp Bà Ponagar là dịp để người dân bày tỏ niềm tin, lòng biết ơn của mình đối với Mẹ xứ sở. Đây cũng là dịp để mỗi người nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. Lễ hội Tháp Bà Ponagar được xem là hoạt động chính nằm trong chuỗi các sự kiện văn hóa, nghệ thuật với chủ đề Huyền thoại Mẹ xứ sở Thiên Y A Na. Thông qua đó, góp phần giới thiệu nét đẹp tín ngưỡng thờ Mẫu trong dân gian ở Khánh Hòa đến mọi người. Đây cũng là dịp nhằm chung tay kích cầu hoạt động du lịch của địa phương.
 
Giang Đình
Báo Khánh Hoà