logo
title

Tuyên Quang: Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào thu hút khách từ tiềm năng văn hóa, lịch sử

Cập nhật ngày: 24/05/2021
Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào - “Thủ đô Khu giải phóng”, “Thủ đô kháng chiến”, là nơi gắn liền với những năm tháng Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc, đưa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 cùng cuộc kháng chiến chống Pháp (1945-1954) giành thắng lợi vẻ vang. Ngày nay, những di tích này đã trở thành điểm đến hấp dẫn du khách khi đến với Tuyên Quang.
 
Du khách nghe thuyết minh về quá trình Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc tại lán Nà Nưa (ảnh chụp khi chưa có dịch Covid-19).
 
Nơi ghi dấu những mốc son chói lọi
 
Nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Tuyên Quang, Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào nằm trên địa bàn 12 xã trong Khu ATK (An toàn khu), thuộc hai huyện Sơn Dương và Yên Sơn. Đây từng là địa bàn chiến lược quan trọng, là nơi ở, làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo cấp cao cùng nhiều cơ quan Trung ương; là “Thủ đô Khu giải phóng” trong cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 và là “Thủ đô kháng chiến” trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược.
 
Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào gồm các địa danh nổi tiếng như đình Hồng Thái, lán Nà Nưa, đình Tân Trào, cây đa Tân Trào, cụm di tích ATK Kim Quan... Đây là những “địa chỉ đỏ” về giáo dục truyền thống không thể bỏ qua của du khách khi đến với Tuyên Quang.
 
Nhờ vị trí chiến lược quan trọng cùng những điều kiện thuận lợi, trong thời kỳ Tổng khởi nghĩa giành chính quyền Tháng Tám năm 1945, Tân Trào được Trung ương Đảng và Bác Hồ chọn là “Thủ đô Khu giải phóng” - nơi diễn ra những sự kiện có ý nghĩa quyết định với vận mệnh của dân tộc: Khai mạc Quốc dân Đại hội (ngày 16, 17-8-1945) tại đình Tân Trào, thể hiện quyết tâm hưởng ứng chủ trương Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên cả nước; thành lập Ủy ban Giải phóng dân tộc do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch... Từ đây, lệnh tổng khởi nghĩa được phát đi. Các địa phương trong cả nước lần lượt giành chính quyền. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 giành thắng lợi vẻ vang, mở ra trang sử mới cho dân tộc với sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
 
Sau Cách mạng Tháng Tám không lâu, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Trong giai đoạn 1947-1954, Tân Trào lại trở thành “Thủ đô kháng chiến”, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ cùng các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương đặt trụ sở làm việc và lãnh đạo toàn dân kháng chiến, giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Với những thắng lợi vẻ vang đó, Tân Trào là nơi ghi dấu những mốc son chói lọi của dân tộc, trong đó không thể không nhắc tới vai trò quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
 
Khai thác lợi thế sẵn có
 
Với những giá trị lịch sử quan trọng như vậy, Tuyên Quang xác định rõ việc xây dựng Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào trở thành một sản phẩm du lịch đặc biệt. Ông Đỗ Trung Kiên, Trưởng Ban quản lý các khu du lịch tỉnh Tuyên Quang cho biết: “Công tác phát triển du lịch tại Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào gắn với các tour trải nghiệm và du lịch cộng đồng được tỉnh rất quan tâm. Nhiều năm qua, mô hình du lịch cộng đồng tại Làng văn hóa Tân Lập (xã Tân Trào, huyện Sơn Dương) đã phát huy tiềm năng sẵn có, thu hút đông đảo du khách. Mới đây, chúng tôi đã phối hợp với địa phương cùng một số đơn vị lữ hành xây dựng sản phẩm: Đi mảng (bè) nghe hát Then trên hồ Nà Nưa. Đây là sản phẩm mới, do chính người dân sinh sống xung quanh khu vực lòng hồ tham gia phục vụ khách với mong muốn quảng bá những nét văn hóa đặc trưng của vùng đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tuyên Quang”.
 
Là đơn vị tiên phong trong việc xây dựng sản phẩm, Giám đốc Công ty FiveStar Travel Lương Duy Doanh chia sẻ: “Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào có rất nhiều tiềm năng để phát triển loại hình du lịch văn hóa - lịch sử gắn với du lịch cộng đồng, sinh thái. Những sản phẩm này một mặt giúp địa phương khai thác tiềm năng du lịch, đa dạng hóa sản phẩm phục vụ khách, mặt khác nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của hệ thống di tích cách mạng trên địa bàn”.
 
Ông Hoàng Việt Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang cho biết, theo Quy hoạch tổng thể bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thời gian tới, Tuyên Quang sẽ tập trung nguồn lực để hoàn thành xây dựng Khu tưởng niệm các vị tiền bối cách mạng, bảo tàng; xây dựng phương án trưng bày và phim tư liệu tái hiện lịch sử “Thủ đô Khu giải phóng”, “Thủ đô kháng chiến”; xây dựng khu đón tiếp khách, khu dịch vụ, lưu trú, bãi đỗ xe... để đến năm 2030, nơi đây sẽ trở thành Khu du lịch quốc gia, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
 
Bảo Khánh
Báo Hà Nội mới