logo
title

Hà Nội: Nhân rộng mô hình du lịch sinh thái, làng nghề

Cập nhật ngày: 16/06/2021
Được biết đến là vùng lúa trọng điểm của thành phố Hà Nội, đất nghề truyền thống đặc sắc, nơi có nhiều danh lam thắng cảnh cùng những vùng “hoa thơm, quả ngọt”... huyện Thanh Oai đang trở thành điểm đến của nhiều du khách muốn được trải nghiệm du lịch nông nghiệp. Nguồn thu từ đây đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, giúp Thanh Oai tự tin nhân rộng mô hình du lịch sinh thái, làng nghề...
 
Du khách lựa chọn sản phẩm nón làng Chuông, xã Phương Trung (huyện Thanh Oai), tháng 3/2021.
 
Cự Đà thuộc xã Cự Khê (huyện Thanh Oai) là một trong những làng cổ với nghề làm tương nổi tiếng. Theo Chủ tịch UBND xã Cự Khê Nguyễn Anh Phương, năm 2004, tương Cự Đà được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp nhãn hiệu tập thể cho làng nghề. Những năm gần đây, Cự Đà còn phát triển nghề truyền thống gắn với du lịch. Du khách đến Cự Đà không chỉ được sống trong không gian làng cổ mà còn được trải nghiệm quy trình làm tương rất thú vị. Trước đây, khi chưa bị tác động bởi dịch Covid-19, hằng năm, làng nghề đón hàng nghìn du khách về tham quan, trải nghiệm làm tương...
 
Tương tự, phát huy lợi thế vùng bãi, những năm gần đây, xã Kim An (huyện Thanh Oai) đẩy mạnh chuyển đổi sang trồng cây ăn quả như: Bưởi Diễn, cam Canh, ổi Đài Loan, táo… Chủ tịch UBND xã Kim An Đoàn Văn Huỳnh cho biết, hiện nay, người dân vùng bãi Kim An đã gắn du lịch nông nghiệp với nghề trồng cây ăn quả. “Dịp cuối năm, người dân khắp nơi về Kim An đặt bưởi cảnh, mua cam Canh, ổi, táo và chụp ảnh lưu niệm, tham quan những vườn cây ăn quả. Mô hình này không chỉ giúp người dân tiêu thụ sản phẩm mà qua người tiêu dùng, vùng cây ăn quả Kim An còn được quảng bá rộng rãi, hiệu quả...”, ông Đoàn Văn Huỳnh chia sẻ.
 
Cùng với làng tương Cự Đà, xã vùng bãi Kim An... nhiều vùng quê của Thanh Oai cũng có tiềm năng, thế mạnh về du lịch. Hiện, toàn huyện có 51 làng nghề, trong đó có nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng. Bên cạnh đó, ngoài vùng trồng lúa tại 2 xã Thanh Cao và Cao Viên có khu đầm sinh thái, ở huyện Thanh Oai còn có xã Cao Dương với khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng 12 con giáp và nhiều vườn cây ăn quả xanh tốt tại 7 xã ven sông Đáy... đang hấp dẫn nhiều du khách tới tham quan và trải nghiệm.
 
Theo Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng, với đặc thù là vùng nông nghiệp ven đô, trên nền tảng đó, Thanh Oai phát triển kinh tế và tập trung xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao hướng tới phát triển đô thị gắn với bảo tồn giá trị truyền thống vật thể, phi vật thể... Giai đoạn tiếp theo, Thanh Oai định hướng phát triển thành vùng nông nghiệp sinh thái ven đô kết hợp tạo điểm du lịch nông nghiệp của thành phố. Ngay trong năm 2021, huyện tập trung thực hiện các dự án đầu tư phát triển du lịch như: Xây dựng du lịch sinh thái tại khu đầm thuộc 2 xã Thanh Cao và Cao Viên; hoàn thiện dịch vụ tham quan, vui chơi, giải trí ven sông Đáy; thực hiện các dự án mở rộng không gian du lịch lễ hội Bình Đà, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa làng cổ Cự Đà...
 
“Để thúc đẩy phát triển du lịch làng nghề, du lịch sinh thái, huyện Thanh Oai chú trọng đầu tư xây dựng thương hiệu cho các làng nghề, phát triển các sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm); đầu tư hạ tầng, xây dựng bến xe, bãi xe, hệ thống giao thông; hoạch định chiến lược phát triển du lịch, tạo các tuyến du lịch theo chủ đề gắn với đặc thù vùng miền... Đây là những tiền đề để Thanh Oai hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững, hiệu quả; đồng thời, qua đó, góp phần tạo việc làm, thu nhập, nâng cao chất lượng đời sống cho người dân trên địa bàn”, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng thông tin thêm.
 
Đỗ Minh
Báo Hà Nội mới