logo
title

Bắc Ninh: Đánh thức tiềm năng các điểm du lịch cấp tỉnh

Cập nhật ngày: 12/07/2021
Bắc Ninh có 14 điểm du lịch cấp tỉnh, trong đó hầu hết là các di tích lịch sử văn hóa giàu giá trị và đặc sắc. Đây là những thế mạnh cần có sự đầu tư thỏa đáng để phát triển, hoạt động du lịch, góp phần nâng cao tỷ lệ đóng góp vào cơ cấu kinh tế chung, xứng với tiềm năng, thế mạnh về du lịch văn hóa của tỉnh.
14 điểm du lịch của tỉnh gồm: Chùa Phật Tích (Tiên Du); đền Đô, đình chùa Đồng Kỵ, khu Lưu niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ (thị xã Từ Sơn); chùa Dâu, chùa Bút Tháp, lăng Kinh Dương Vương (Thuận Thành); đền Lê Văn Thịnh, lăng Cao Lỗ Vương, đền Tam Phủ (Gia Bình); Văn Miếu Bắc Ninh, cụm di tích làng Diềm, đền Bà Chúa Kho (thành phố Bắc Ninh) và khu di tích đền thờ Lý Thường Kiệt (Yên Phong).
 
Việc khai thác phục vụ khách du lịch tại 14 điểm này chủ yếu là hoạt động du lịch tâm linh phục vụ khách trong tỉnh, các địa phương lân cận, tập trung vào dịp lễ và mùa Xuân. Một số điểm di tích có giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc nổi bật như chùa Dâu, chùa Bút Tháp, chùa Phật Tích phục vụ khách du lịch quốc tế, khách du lịch nội địa là học sinh, sinh viên, các nhà nghiên cứu về tham quan, nghiên cứu tìm hiểu văn hóa.
 
Với các điểm di tích lịch sử như đền thờ Lý Thường Kiệt, khu lưu niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, đền thờ các vị vua thời Lý, Văn miếu Bắc Ninh… khách tham quan thường là cán bộ, công chức, học sinh, sinh viên đến với mục đích giáo dục truyền thống cách mạng, khoa bảng, hiếu học, trọng hiền tài... Riêng tại làng Diềm với sự kết nối với các điểm du lịch khác như làng Đình Tổ, làng gốm Phù Lãng bước đầu phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng, giới thiệu cho du khách những giá trị văn hóa đặc sắc của Di sản văn hóa Quan họ, nghề làm gốm, làm tương truyền thống.
 
 
Điểm du lịch đền thờ Cao Lỗ Vương (Gia Bình)
 
Tổng hợp của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2019, lượng khách du lịch đến 14 điểm tập trung đông nhất là di tích đền Bà Chúa Kho với 800.000 lượt khách/năm. Tiếp đó là các di tích cấp quốc gia đặc biệt, có giá trị lịch sử, văn hóa nổi bật như đền Đô, chùa Phật Tích, chùa Bút Tháp, chùa Dâu, lăng Kinh Dương Vương với số lượng trên dưới 100.000 lượt khách/năm. Các di tích còn lại có số lượng từ 20.000 tới 60.000 lượt khách/năm. Từ đầu năm 2020 đến nay do ảnh hưởng của dịch COVID nên hoạt động đón tiếp khách tại các điểm du lịch của tỉnh cũng suy giảm, trầm lặng.
 
Đánh giá của ngành du lịch tỉnh, sau khi được công nhận là điểm du lịch cấp tỉnh thì không gian, cảnh quan, công tác tổ chức đón tiếp khách cũng có bước khởi sắc, dần đi vào nền nếp. Về phía các địa phương, có sự quan tâm quản lý, phối hợp trong hoạt động du lịch. Mặc dù vậy, sản phẩm du lịch tại 14 điểm hiện nay khá ít, nghèo nàn và đơn điệu, không có nhiều trải nghiệm hấp dẫn dành cho du khách, bởi vậy thời gian lưu lại điểm tham quan khá ngắn 80% từ 1 đến 2 giờ. Cơ sở hạ tầng du lịch tại các điểm du lịch còn thiếu, chưa đồng bộ và đạt tiêu chuẩn. Các dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích, có hướng tới phát triển du lịch nhưng thường chỉ quan tâm các nội dung lõi, chưa có cái nhìn tổng thế, hệ thống để có thể vừa bảo tồn di sản văn hóa vừa thúc đẩy việc phát triển du lịch một cách bền vững.
 
Sản phẩm du lịch chưa rõ, phần lớn chỉ đang dựa vào giá trị sẵn có của các điểm di tích lịch sử văn hóa, lễ hội và Dân ca Quan họ Bắc Ninh. Chủ yếu vẫn mang sắc thái sản phẩm văn hóa, chưa có sự nghiên cứu, đầu tư phát triển sản phẩm du lịch đặc thù chất lượng cao, nên chưa có điểm nhấn thu hút và giữ khách. Trong khi đó, chất lượng nguồn nhân lực du lịch thấp, có tới 50% lao động chưa qua đào tạo. Đặc biệt đội ngũ hướng dẫn viên du lịch hiện đang thiếu và yếu về chuyên môn nghiệp vụ. Rất ít điểm di tích lịch sử văn hóa có hướng dẫn viên hoặc thuyết minh viên chuyên nghiệp làm việc tại điểm. Công tác đào tạo, nâng cao chất lượng phục vụ như phong cách đón tiếp, hướng dẫn viên, dịch vụ thông tin, hàng lưu niệm tại các điểm du lịch chưa được chú trọng... Sự quan tâm của người dân địa phương đối với hoạt động xây dựng hình ảnh và làm du lịch còn rất mức độ. Đặc biệt trong hoạt động tuyên truyền, quảng bá đang thiếu một chiến lược truyền thông bài bản trên cơ sở nghiên cứu, phân tích đánh giá các thị trường khách du lịch lớn trong và ngoài nước...
 
Việc chỉ ra những bất cập, hạn chế và tìm ra nguyên nhân không khó nhưng vấn đề làm sao giải quyết những khó khăn, thách thức trong điều kiện thực tế, đồng thời xây dựng mục tiêu, giải pháp thực hiện và cách thức tổ chức lại là câu chuyện không đơn giản. Có ý kiến cho rằng, muốn phát triển du lịch dựa vào vốn di sản văn hóa không thể nóng vội, cần có thời gian nghiên cứu liên ngành, chuyên sâu từng bước một nếu không sẽ bị trả giá đắt trong tương lai. Cho nên, công tác bảo tồn di sản vẫn phải đặt lên hàng đầu. Song song với đó là quy hoạch, xây dựng chiến lược tổng thể lâu dài để khai thác, phát huy giá trị các di sản, điểm du lịch một cách bền vững. Một yếu tố đặc biệt quan trọng là phải có nhà đầu tư đủ tầm, đủ năng lực, trí tuệ để nghiên cứu sáng tạo, tìm ra giải pháp phù hợp nhằm đánh thức tiềm năng di sản văn hóa Bắc Ninh-Kinh Bắc. 
 
V.Thanh
Báo Bắc Ninh