logo
title

Quảng Ninh: Hướng phát triển du lịch cho xã Đại Dực - Tiên Yên

Cập nhật ngày: 16/07/2021
Trong những năm gần đây, các địa phương như huyện Tiên Yên và huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh đều đề cao việc phát triển du lịch. Thế nhưng khi các huyện phát triển độc lập như hiện nay thì du lịch chỉ mang tính nhỏ lẻ, hiệu quả không cao. Vì vậy, để phát triển du lịch tốt hơn, 2 địa phương cần có sự liên kết giữa huyện và các xã.
 
Đồi Tình trải dài giữa xã Đại Dực (Tiên Yên) và xã Húc Động (Bình Liêu) có cảnh vật rất lãng mạn
 
Trong Đề án tổng thể phát triển hạ tầng giao thông, khai thác, phát huy tiềm năng lợi thế du lịch gắn với chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, góp phần giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống nhân dân tại các địa phương Bình Liêu, Tiên Yên giai đoạn 2021-2025 của UBND tỉnh Quảng Ninh (Dự thảo lần 2) có đề cập đến việc liên kết phát triển du lịch giữa các huyện Tiên Yên, Bình Liêu. Bởi hai địa phương này có nhiều điểm phát triển giống nhau, tuy thế mỗi nơi lại có thế mạnh riêng.
 
Bình Liêu và Tiên Yên là hai địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số cư trú của tỉnh Quảng Ninh. Cả hai huyện đều có nền văn hóa giàu bản sắc, có nhiều nét tương đồng, vừa là giá trị tinh thần to lớn của cộng đồng dân cư, vừa là nguồn lực nội sinh mạnh mẽ để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Với những tiềm năng, thế mạnh riêng của từng địa phương về vị trí địa lý, văn hóa, con người, khi được gắn kết chặt chẽ hai huyện sẽ có điều kiện bổ trợ cho nhau để cùng phát triển trong một tổng thể thống nhất. Từ đó biến tiềm năng, lợi thế của mỗi huyện thành tiềm năng, lợi thế chung của cả hai huyện, khai thác được tối đa nguồn lực nội sinh để tạo bứt phá, trở thành điển hình cho sự gắn kết phát triển của tỉnh Quảng Ninh.
 
Xã Đại Dực (Tiên Yên) giáp với xã Húc Động (Bình Liêu) nên rất thuận lợi khi có sự liên kết phát triển du lịch giữa hai huyện. Ở hai xã đã có đường giao thông nhưng nhỏ. Xã Húc Động có thác Khe Vằn, còn có phong trào bóng đá nữ Sán Chỉ với 6 đội bóng ở 6 thôn nổi tiếng khắp cả nước. Đại Dực có nhiều tiềm năng du lịch nhưng không phát triển được rất cần phải có sự liên kết liên xã, liên huyện. Đại Dực và Húc Động có chung quả đồi Tình - ngọn đồi đã xe duyên giúp bao đôi trai gái nên vợ nên chồng. Trên đồi Tình có thác nước, nhiều bãi cỏ xen kẽ những bụi hoa sim rất thơ mộng.
 
Hàng năm, xã Đại Dực có lễ hội văn hóa dân tộc Sán Chỉ. Tại đây, nhiều giá trị truyền thống được phát huy như: Nghi lễ cầu mùa, hát giao duyên, thi gói bánh cốc mò, bánh chưng dài, xôi ngũ sắc... Đại Dực có khu vực ruộng bậc thang ở thôn Khe Ngàn và thôn Khe Lặc. Vào dịp tháng 10, khi lúa chín vàng, màu vàng của lúa giống như tấm thảm khổng lồ nổi bật với màu xanh trùng điệp của những rừng thông xanh. Đại Dực có hàng nghìn ha rừng thông, tập trung ở hầu hết các thôn. Đại Dực còn có suối nước nóng nằm ở thôn Khe Lặc chưa đi vào khai thác. Nước suối có nhiệt độ luôn duy trì từ 42-45 độ C, nước khoáng thuộc loại Bicacbonat - Natri rất tốt cho sức khỏe.
 
Trong Đề án tổng thể phát triển hạ tầng giao thông, khai thác, phát huy tiềm năng lợi thế du lịch gắn với chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, góp phần giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống nhân dân tại các địa phương Bình Liêu, Tiên Yên giai đoạn 2021-2025 của UBND tỉnh (Dự thảo lần 2) có đề cập đến việc hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông nội huyện, liên huyện. Khi Đề án này được thực hiện thì Đại Dực sẽ có nhiều tuyến đường được cải tạo mở rộng, không chỉ để phát triển du lịch mà còn nâng cao đời sống của nhân dân.
 
Việc kết nối các con đường cũng giúp cho xã Đại Dực phát triển kinh tế tốt hơn. Đồng thời, giúp Tiên Yên phát huy hiệu quả các điểm du lịch như phố đi bộ (thị trấn Tiên Yên), thác Pạc Sủi (xã Yên Than), bãi biển Lòng Vàng và rừng ngập mặn Đồng Rui (xã Đồng Rui). Từ đó níu chân du khách khi đến các địa phương này du lịch.
 
Công Thành
 
Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh