logo
title

Mênh mang sóng nước Bình Than-Nguyệt Bàn (Bắc Ninh)

Cập nhật ngày: 07/08/2021
Về Lục Đầu giang - nơi sáu dòng sông hội tụ, có bến Bình Than, bãi Nguyệt Bàn thuộc xã Cao Đức, Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, du khách sẽ được chìm đắm trong cảnh sắc thiên nhiên giao hòa giữa đất trời-mây nước và tận hưởng không gian trầm tĩnh, bình lặng, thanh thản trút bỏ những ưu tư căng thẳng của cuộc mưu sinh thường ngày. Đặc biệt, ở vùng sông nước mênh mang ngàn đời này đã bao lần quân dân Đại Việt xưa kia vỡ òa trong niềm hân hoan chiến thắng...
Âm vang sóng nước
 
Địa danh Bình Than đã tạc vào lịch sử và còn khắc ghi trong trí nhớ của nhiều người dân đất Việt. Hơn 700 năm về trước, Bình Than là nơi diễn ra hội nghị các vương hầu, quý tộc và tướng lĩnh cao cấp của triều Trần để bàn kế sách đánh giặc, thống nhất ý chí quyết tâm kháng chiến cứu nước.
 
Cũng tại bến Bình Than này còn có hai câu chuyện đã đi vào huyền sử, cho thấy trí tuệ, bản lĩnh và khí phách của những kẻ sĩ nhà Trần. Đó là chuyện về Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư được vua miễn tội và mời tham dự hội nghị. Kể rằng, Vua Trần Nhân Tông đã cởi hoàng bào khoác lên vai vị tướng vốn đang là kẻ tội đồ, để phong làm phó tướng cho Hưng Đạo Vương, đặc trách thủy quân. Câu chuyện thứ 2 về võ tướng trẻ tuổi Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản bóp nát quả cam vì không được dự bàn hội nghị! Như vậy, Bình Than ghi dấu sự đồng lòng của vua tôi nhà Trần cùng quyết tâm của quân dân Đại Việt quét sạch vó ngựa Nguyên Mông.
 
Giới sử gia sau này đánh giá, chính tinh thần “vua tôi đồng tâm”, “anh em hòa thuận”, “cả nước góp sức”, “nới sức dân làm kế sâu gốc bền rễ” đã trở thành cẩm nang giữ nước, là những cơ sở lý luận được chứng minh qua thực tiễn đấu tranh gian khổ chống xâm lược không chỉ của riêng triều Trần mà của mọi giai đoạn lịch sử để Tổ quốc Việt Nam “muôn thuở vững âu vàng”. Tất nhiên, bài học lịch sử đó vẫn nguyên tính thời sự đến hôm nay.
 

Người dân Đức Long (Quế Võ) với lễ hội rước nước trên sông. Ảnh: Tư liệu
 
Tương truyền, Nguyệt Bàn xưa là bãi nổi giữa sông, xung quanh chỉ có những cánh đồng hoang ngập nước với lau sậy ngút ngàn. Chính địa điểm tuyệt đối yên tĩnh bí mật này là nơi thuyền ngự dừng lại để các vương hầu, tướng lĩnh nhà Trần họp bàn, vạch ra đường hướng chiến lược cho cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên-Mông hung bạo khi đó. Cuộc bàn bạc diễn ra cả ngày lẫn đêm, vua quan vừa đi dạo ngắm trăng vừa bàn thảo. Có lẽ cái tên Nguyệt Bàn xuất phát từ cuộc bàn bạc vào những đêm trăng muộn mùa Đông khi ấy.
 
Trải thời gian, cho dù phù sa bồi đắp, các thế hệ cháu con vùng Than có ra sức khai khẩn đất hoang, mở mang làng xã nhưng cái tên Bình Than-Nguyệt Bàn vẫn không thể mất cùng vầng hào khí Đông A tỏa sáng bất diệt trên quê hương Bắc Ninh vốn giàu truyền thống văn hiến và thượng võ.
 
Bây giờ, Nguyệt Bàn là một bãi nổi giữa sông, cách biệt hoàn toàn với khu dân cư, thuộc đất của xã Cao Đức (Gia Bình), có đền Tam Phủ uy nghiêm tọa lạc- một trong 14 điểm du lịch của tỉnh. Bao quanh ngôi đền linh thiêng là sông nước, bờ bãi hoa màu mênh mang, ngút ngát. Để đến được đền Tam Phủ, du khách từ Hà Nội có thể đi hướng Quốc lộ 18, qua trạm thu phí rồi rẽ xuống hoặc xuôi theo bờ đê hữu Đuống khoảng 50 km tới đền thờ Cao Lỗ Vương rồi từ đây đi đò qua sông.
 
Phù sa tụ hội...
 
Bình Than-Nguyệt Bàn gắn liền Lục Đầu giang hội tụ nhiều tiềm năng về kinh tế, giao thông đường thủy. Người xưa bảo rằng, Lục Đầu giang - “lục thuỷ triều quy”, là chứng tích cho mối kỳ duyên mà tạo hoá đã khéo sắp đặt. Một cửa ngõ giao thương trọng yếu, điểm hẹn của bốn dòng sông mang chữ “Đức” gồm: Nhật Đức - sông Thương, Minh Đức - sông Lục Nam, Nguyệt Đức - sông Cầu và Thiên Đức - sông Đuống. Bốn dòng sông gặp gỡ, gom lại để cho hai dòng Kinh Thầy và Thái Bình miệt mài ngụp lặn trong cõi phù sa đưa nước về với biển. Đó là biểu tượng hợp lưu của “Tứ Đức” trong vũ trụ, nơi nhân tâm trong thiên hạ được thu về một mối để tụ hội và ban phát thái bình.
 
Một chiều chớm hè, tôi chọn cách đi đò từ đền Cao Lỗ Vương sang bãi Nguyệt Bàn để có cơ hội hòa mình vào thiên nhiên và cảm nhận hơi thở của dòng Thiên Đức huyền thoại. Dòng Đuống cứ lững lờ, êm đềm trôi vậy thôi nhưng cuộn chảy trong mình biết bao câu chuyện bi hùng. Nhớ lại các sự kiện lịch sử và cảm khái những trang sử hào hùng của cha ông, tôi thả hồn tưởng tượng cảnh chiến thuyền của vương hầu tướng lĩnh nhà Trần năm xưa tụ họp về khúc sông này hùng tráng ra sao…
 
Thuyền cập bến, tạm gác lại những suy tư, tưởng tượng, tôi bước lên bến bãi ngẩn ngơ ngắm cảnh sông nước Lục Đầu giang lấp lánh như dát vàng trong sắc hoàng hôn. Phóng tầm mắt mở rộng sắc diện của bức tranh Bình Than-Nguyệt Bàn như ngợp giữa màu xanh mướt mát của hoa màu bến bãi; có sắc nâu trầm rêu phong cổ kính của đình đền; có rực rỡ cờ lọng, chiêng trống của những lễ hội trên sông; có làng mạc, xóm thôn, đồng ruộng; có tấp nập ngược xuôi của tàu thuyền, xe cộ...
 
Đứng giữa không gian đất nước, mây trời vùng Bình Than-Nguyệt Bàn còn nguyên vẻ hoang sơ, tôi chợt nhớ có lần trò chuyện cùng anh Nguyễn Xuân Côn, Trưởng phòng Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, người tâm huyết với du lịch Bắc Ninh từng rất phấn khích với ý tưởng thiết kế, sáng tạo sản phẩm du lịch và kết nối các điểm đến tại vùng sông nước Lục Đầu giang này để xây dựng thành tour du lịch dài ngày níu chân du khách. Tại sao lại không quy hoạch và gắn kết chứ!? Nào du lịch tâm linh ở đền Tam Phủ, đền Cao Lỗ Vương (Cao Đức, Gia Bình), đền chùa Phả Lại (Đức Long, Quế Võ) rồi Côn Sơn, Kiếp Bạc (Hải Dương); nào du lịch sinh thái sông nước, nghỉ dưỡng; nào du lịch làng nghề, làng Việt cổ; nếu được đầu tư còn có thể phát triển cả loại hình du lịch lễ hội, mua sắm, giải trí, thư giãn cuối tuần...
 
Tin là trong tương lai không xa, các nhà đầu tư, hoạch định du lịch sẽ không bỏ qua một vùng sông nước mênh mang đẹp hoang sơ, đầy trầm tích lịch sử với sứ mệnh gắn kết những miền đất, miền văn hóa và quy tụ nhân tâm nơi này...
 
Thanh Lâm
Báo Bắc Ninh