logo
title

Khánh Hòa: Phát huy giá trị đình làng ở xứ Trầm

Cập nhật ngày: 19/08/2021
Cây đa, bến nước, sân đình là những hình ảnh mang tính biểu trưng của làng quê Việt. Theo biến chuyển của thời gian, những cây đa, bến nước đã dần thưa vắng, chỉ có mái đình vẫn có đó, không chỉ ở mỗi làng quê mà còn cả nhiều khu phố.
 
Đình Văn Định thuộc xã Ninh Đông, thị xã Ninh Hòa
 
Di sản quý  của cha ông
 
Ở Khánh Hòa, rất nhiều đình làng. Tại TP. Nha Trang, TP. Cam Ranh và thị xã Ninh Hòa nhiều tổ dân phố vẫn còn sự hiện diện của những ngôi đình. Toàn tỉnh hiện có khoảng 250 ngôi đình với quy mô khác nhau. Trong đó, có hơn 150 ngôi đình đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh và 1 ngôi đình (đình Phú Cang, huyện Vạn Ninh) được xếp hạng di tích cấp quốc gia. Ở những ngôi đình đã được xếp hạng di tích, hiện vẫn còn lưu giữ hơn 600 sắc phong do các đời vua triều Nguyễn ban.
 
Những ngôi đình ở xứ Trầm thường có kiến trúc đơn giản, nhẹ nhàng, không có nhiều những chạm trổ tinh xảo, quy mô không to lớn, uy nghi. Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Ngô Văn Ban, đình ở Khánh Hòa thường được xây dựng ở trung tâm khu dân cư, hay ở đầu làng và nằm gần các tuyến đường chính. Mặt tiền của đình được chọn hướng rất kỹ để mong sự an lành, thịnh vượng của dân làng. Thuở người dân mới vào vùng đất mới, những ngôi đình thường là những mái tranh, vách đất. Dần dần, đời sống người dân phát triển hơn thì đình được xây dựng lại bằng những vật liệu kiên cố hơn. Chức năng chính của những ngôi đình ngày nay chủ yếu phục vụ nhu cầu thờ tự, tâm linh của người dân trong vùng. Hàng năm hoặc cách năm, các đình đều có tổ chức lễ cúng đình vào mùa xuân, mùa thu. Tùy theo điều kiện của từng nơi mà lễ cúng đình lớn hay nhỏ, nhưng tựu trung đó là những ngày vui của người dân trong vùng.
 
Cần được giới thiệu nhiều hơn
 
Giá trị văn hóa, tinh thần của những ngôi đình đối với người dân là rất lớn. Vậy nên việc giới thiệu được những giá trị đó đến thế hệ trẻ, với bạn bè quốc tế, khách du lịch nước ngoài… là điều cần làm. Nên chăng, ngành Văn hóa phối hợp với ngành Giáo dục và các địa phương trong tỉnh lựa chọn những ngôi đình mang tính chất tiêu biểu và có điều kiện cơ sở hạ tầng thuận lợi để làm điểm đến tham quan, ngoại khóa cho học sinh. Điều đó có thể nằm trong phạm vi giờ học tìm hiểu thực tế về văn hóa, lịch sử địa phương. Học sinh được đưa đến trải nghiệm thực tế về các ngôi đình, được nghe trực tiếp những lời kể của chính các hào lão sẽ có những ấn tượng tốt về mái đình làng, cũng như những giá trị tinh thần, vật chất của các ngôi đình mang lại.
 
Trước đây, trong tour du lịch đồng quê của một số công ty lữ hành ở Nha Trang đã từng đưa khách du lịch đến tham quan một số ngôi đình như: Đình Lư Cấm, đình Ngọc Hội, đình Phú Vinh… Tuy nhiên, trong quá trình khai thác, do thiếu những quy định phối hợp cụ thể nên dần dần hoạt động này không còn diễn ra. Nhưng qua đó, đã để lại bài học cho chúng ta khi đưa các di tích đình làng vào phục vụ hoạt động du lịch. Ở đó, các ban quản lý đình làng cần quan tâm về việc đón tiếp du khách được chu đáo. Còn phía các công ty du lịch, cần quan tâm, chi trả kinh phí xứng đáng cho phía đình làng. Có như thế chúng ta mới khai thác được giá trị đình làng trong đời sống hôm nay. Đây cũng chính là cách để giới thiệu những giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc truyền thống của địa phương đến du khách trong và ngoài nước.
 
“Tiềm năng du lịch văn hóa nói chung và du lịch tham quan đình làng nói riêng ở Khánh Hòa là rất lớn. Nhưng đáng tiếc là chúng ta còn lãng phí nguồn tài nguyên này. Đã đến lúc, chúng ta cần có sự nhìn nhận và bắt tay thực hiện vấn đề này”, ông Nguyễn Văn Thích – Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian Khánh Hòa chia sẻ.
 
Giang Đình
Báo Khánh Hòa