Sự kết hợp hài hòa giữa sản xuất nông, lâm nghiệp gắn với du lịch không chỉ đem đến cho du khách cơ hội thư giãn, giải trí, gần gũi với thiên nhiên, mà còn góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và tăng thu nhập cho người dân nông thôn. Vì lẽ đó, tỉnh Bắc Kạn đang định hướng phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn để mở ra hướng phát triển mới...
Mô hình sản xuất nông nghiệp và các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số là nguồn tài nguyên du lịch hấp dẫn
Thực tế cho thấy, du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch cộng đồng đem lại cơ hội thư giãn, giải trí, gần gũi với thiên nhiên, trải nghiệm cuộc sống nông thôn; giúp gắn kết giữa giữ gìn bản sắc văn hóa vùng miền và sản xuất nông nghiệp. Các hoạt động du lịch sẽ góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, góp phần tích cực vào phong trào xây dựng nông thôn mới.
Tiềm năng nông nghiệp từ những cánh đồng lúa, vườn cây ăn quả, làng nghề truyền thống… trải dài khắp các địa phương của Bắc Kạn chính là cơ sở, tiền đề thúc đẩy du lịch. Ở chiều ngược lại, phát triển du lịch dựa trên tài nguyên nông nghiệp cũng làm gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, góp phần ổn định đời sống nông dân, qua đó bảo tồn, phát huy các giá trị tự nhiên, giá trị văn hóa truyền thống.
Đơn cử như với huyện Ba Bể, khu vực trọng điểm du lịch của tỉnh với lợi thế Vườn Quốc gia Ba Bể, trong đó hồ Ba Bể có hệ sinh thái đa dạng với nhiều loài động vật, thực vật quý hiếm đã và đang thu hút nhiều khách du lịch trong nước, quốc tế. Khách du lịch có thể trải nghiệm hoạt động đánh bắt cá, chế biến tép chua ở thôn Bản Cám, xã Nam Mẫu. Ngoài ra, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp có thể kết hợp để du khách tham quan, mua sắm các sản phẩm đặc trưng như: Mô hình trồng hồng không hạt tại xã Quảng Khê; mô hình trồng chè ở xã Chu Hương, Mỹ Phương; mô hình trồng bí xanh thơm ở xã Địa Linh, Yến Dương…
Hay dọc theo tuyến đường từ thành phố Bắc Kạn vào huyện Chợ Đồn, du khách có thể tham quan, trải nghiệm mô hình trồng cam, quýt tại xã Quang Thuận, xã Dương Phong; mô hình trồng ổi, trồng chè của thôn Phiêng An, xã Quang Thuận (Bạch Thông); mô hình sản xuất gạo Bao thai, gạo Japonica tại xã Đồng Thắng, xã Phương Viên, hay mô hình trồng và sản xuất chè Shan tuyết tại xã Bằng Phúc (Chợ Đồn) cũng là điểm đến hấp dẫn du khách trên tuyến tham quan khu ATK Chợ Đồn.
Sự kết hợp giữa nông nghiệp với du lịch cũng là cơ hội quảng bá, tạo đầu ra tại chỗ cho sản phẩm nông nghiệp và tạo thêm sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, thân thiện với môi trường... Vì vậy, sản xuất nông nghiệp sạch kết hợp với du lịch là hướng đi bền vững đang được tỉnh Bắc Kạn lựa chọn để tập trung đầu tư phát triển với mục tiêu giai đoạn 2020 - 2025 là: Đẩy mạnh việc hình thành các mô hình, hợp tác xã sản xuất, chế biến nông, lâm nghiệp gắn với các hoạt động du lịch, tăng cường khai thác hình thức du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và du lịch trải nghiệm gắn với sản xuất nông, lâm nghiệp.
Có nhiều tiềm năng, thế mạnh, nhưng khai thác du lịch từ lĩnh vực nông, lâm nghiệp của tỉnh vẫn còn ở dạng tiềm năng. Nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch tại các khu vực nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu do chưa được đào tạo cũng như hướng dẫn nghiệp vụ. Đại đa số đội ngũ lao động tại khu vực nông thôn chủ yếu là nông dân gắn bó với ruộng, vườn... nên tư duy phát triển du lịch nông nghiệp còn hạn chế. Bên cạnh đó, hoạt động du lịch cộng đồng chủ yếu mang tính tự phát, việc khai thác du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng chủ yếu là gắn với Khu du lịch Ba Bể. Điểm tham quan, du lịch ở các địa phương còn khá sơ khai, hạ tầng để phục vụ du lịch chưa được đầu tư theo quy mô để đón khách du lịch…
Theo đó, lượng khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng, lưu trú và mua sắm các sản phẩm đặc sản từ nông nghiệp, sản phẩm thủ công tại các thôn, bản rất ít do chưa hình thành được điểm du lịch nông thôn. Nguồn thu từ dịch vụ du lịch nông thôn chưa đáng kể; sự kết hợp giữa sản xuất nông nghiệp và phát triển du lịch chưa được chỉ đạo, định hướng phát triển một cách bài bản. Căn cứ vào tình hình và qua khảo sát thực tế của ngành chức năng, ngày 28/12/2020, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2387/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Xây dựng mô hình điểm về du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021 - 2025” tại thôn Phiêng An, xã Quang Thuận (Bạch Thông) và thôn Chúa Lải, xã Thanh Vận (Chợ Mới). Đây là việc làm hết sức cần thiết để hình thành mô hình phát triển du lịch nông thôn, đồng thời trên cơ sở kết quả đạt được sẽ tiếp tục nghiên cứu, nhân rộng tại các địa phương khác có tiềm năng.
Cùng với tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, phối hợp của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội huyện Bạch Thông, Chợ Mới, các giải pháp chính được đưa ra nhằm thực hiện có hiệu quả là: Ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng nhằm thu hút khách du lịch, kéo dài thời gian lưu trú, tăng mức chi tiêu và khả năng quay trở lại của khách du lịch. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, bảo đảm tính đồng thuận, nhất trí cao trong nhân dân về xây dựng nông thôn mới gắn với du lịch; tuyên truyền về lợi ích của người dân, chú trọng phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; lấy lợi ích của cộng đồng và văn hóa đặc trưng từng vùng làm nền tảng và thế mạnh để tạo sự khác biệt, thương hiệu riêng cho du lịch nông thôn ở địa phương.
Đồng thời, chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với đào tạo nghề cho lao động nông thôn thông qua việc tổ chức tập huấn, bồi dưỡng về ngoại ngữ, kỹ năng, kiến thức, thái độ phục vụ khách du lịch cho người dân địa phương; nâng cao năng lực quản lý cho đội ngũ cán bộ xã, thôn. Khuyến khích đa dạng hóa nguồn vốn bằng việc lồng ghép, thu hút đầu tư, xã hội hóa từ vốn của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất tự huy động, vốn vay từ các tổ chức tín dụng, các quỹ đầu tư. Tăng cường công tác xúc tiến, kết nối với các công ty lữ hành thiết kế các tour, tuyến nhằm thu hút du khách để khai thác tiềm năng và lợi thế phát triển du lịch ở nông thôn.../.
Hoàng Vũ