Trong tháng 12/2021, nếu tỷ lệ công dân được tiêm vaccine phòng COVID-19 đạt 80% và bảo đảm các điều kiện phòng, chống dịch, TP. Đà Nẵng sẽ mở lại các dịch vụ, du lịch tại chỗ cho người dân Thành phố.
Cầu Vàng ở Bà Nà Hills (Đà Nẵng). Ảnh: TITC
Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch TP. Đà Nẵng, cung cấp thông tin cho biết đơn vị đang hoàn thiện phương án, lộ trình về việc mở cửa trở lại các hoạt động du lịch, dịch vụ.
Theo đó, trong tháng 12/2021, nếu tỷ lệ công dân Thành phố được tiêm vaccine phòng COVID-19 đạt 80%, Thành phố sẽ mở lại các dịch vụ, du lịch cho người Đà Nẵng du lịch trong thành phố, với điều kiện, các cơ sở du lịch, dịch vụ phải đáp ứng đủ điều kiện cơ bản phòng, chống dịch; yêu cầu người lao động của các cơ sở cũng như khách đến phải đạt tiêm đủ 2 mũi, quét mã QR, thẻ xanh…
Từ tháng 1/2022, thành phố sẽ mở cửa cho khách nội địa với tất cả dịch vụ dành cho khách lẻ và tại các điểm vui chơi, sẽ có một số tour combo dành cho khách đi theo nhóm nhỏ. Đến quý II/2022, sẽ thực hiện thí điểm đón khách quốc tế nếu Chính phủ cho phép và TP. Phú Quốc thí điểm đón khách quốc tế thành công.
Bà Trương Thị Hồng Hạnh nhìn nhận có 4 thách thức đặt ra khi mở cửa trở lại hoạt động du lịch, dịch vụ trong bối cảnh hiện nay.
“Nguồn khách hiện nay và năm 2022 xác định sẽ không nhiều. Theo thống kê, đối với khách nội địa, hiện số công dân từ 18 tuổi trở lên được tiêm 2 mũi vaccine mới chỉ có 7,3% tương ứng với 7,1 triệu người, trong đó hầu hết là người lớn tuổi, tuyến đầu, người lao động, công nhân sản xuất. Hai nhóm đối tượng này chưa có nhu cầu đi du lịch. Thứ hai, về thị trường khách quốc tế, các nước cũng chưa có chính sách mở cửa cho đi du lịch trở lại”, bà Hạnh nói.
Ngoài ra, các doanh nghiệp hiện nay cũng rất cân nhắc về thời điểm mở cửa trở lại, khi nào lượng khách đủ để bù vào chi phí thì mới có thể thực hiện. Điều kiện phòng, chống dịch; quy định thẻ xanh, quy định cách ly của các tỉnh, thành, quốc gia cũng chưa có sự thống nhất…
“Sở Du lịch đang xây dựng kế hoạch, phương án cụ thể dựa trên cân nhắc quá trình tiếp diễn của dịch bệnh và theo dõi các mô hình thí điểm đón khách quốc tế của các nước như Thái Lan, Malaysia, Indonesia; chúng tôi sẽ xây dựng phương án riêng cho thị trường nội địa và quốc tế”, bà Hạnh cho biết.
Theo ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP. Đà Nẵng, đến nay, hơn 11.000 lao động thuộc Hiệp hội Du lịch Thành phố đã được tiêm vaccine mũi 1 và đang có lộ trình tiêm mũi 2. Trong gói chính sách hỗ trợ 26.000 tỷ đồng, hơn 3.000 lao động trong ngành đã được giải ngân.
Bên cạnh đó, Thành phố cũng đang triển khai chính sách riêng về vay vốn cho người lao động, đây là những điểm rất đáng mừng, là điểm sáng trong cả nước về hỗ trợ người lao động trong ngành du lịch.
“Với những điều kiện hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp thuộc Hiệp hội đã sẵn sàng lộ trình bảo đảm các điều kiện phòng, chống dịch; hình thành các kịch bản phục vụ tại chỗ cho người dân Đà Nẵng, tiếp sau đó là mở rộng ra các tỉnh thành lân cận và khi Thành phố mở lại các đường bay thương mại.
Sắp tới đây, Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch sẽ công bố chương trình khách trong nước sử dụng hộ chiếu vaccine, nếu lãnh đạo Thành phố có chủ trương thì Đà Nẵng sẽ được ưu tiên khôi phục trở lại các đường bay thương mại, sau Hà Nội và TPHCM. Đến khi đó, các doanh nghiệp cam kết sẽ thực hiện các quy định phòng, chống dịch, tuân thủ các điều kiện của Bộ Y tế để bảo đảm an toàn tuyệt đối”, ông Cao Trí Dũng chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, khẳng định Thành phố đang tích cực xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể cho việc mở cửa lại các hoạt động du lịch, dịch vụ nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch từng bước phục hồi. Để giữ chân người lao động ngành du lịch, Thành phố đã có chính sách hỗ trợ cho người lao động làm trong ngành du lịch, ưu tiên vay vốn, ưu tiên tiêm vaccine cho nhân viên khách sạn, nhà hàng, du lịch để họ có đủ điều kiện làm việc ngay khi ngành mở cửa trở lại. Đặc biệt, Thành phố cũng đã có đề xuất với Chính phủ về việc liên kết với một số địa phương thực hiện chương trình “bong bóng du lịch”.
Minh Trang