Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng theo hướng chuyên nghiệp, có trọng tâm, trọng điểm; xây dựng thương hiệu du lịch Gia Bình là du lịch sinh thái, tâm linh, trong đó tập trung vào hai lĩnh vực thế mạnh là di tích lịch sử và không gian làng quê. Đây là mục tiêu được huyện Gia Bình (tỉnh Bắc Ninh) xác định trong Đề án phát triển du lịch sinh thái, tâm linh giai đoạn 2020-3030.
Khu di tích Lệ Chi Viên thuộc xã Đại Lai, Gia Bình
So với các khu vực lân cận trong bối cảnh tốc độ đô thị hoá đang diễn ra mạnh mẽ thì những ngôi làng cổ thuần Việt, các di tích lịch sử giàu giá trị, các làng nghề truyền thống và không gian cảnh quan sông núi thơ mộng của Gia Bình là một lợi thế to lớn để huyện khai thác, phát triển du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, hình thành các khu, điểm vui chơi, giải trí quy mô.
Hệ thống di tích lịch sử văn hóa của Gia Bình phong phú về số lượng, đa dạng về loại hình với nhiều danh lam cổ tự tiêu biểu như: Đền thờ Lê Văn Thịnh, chùa Thiên Thư, đình Bảo Tháp, đền thờ Doãn Công-Đào Nương; chùa Tĩnh Lự, khu di tích Lệ Chi Viên; chùa Đại Bi-nơi lưu niệm sâu sắc về Trạng nguyên, Thiền sư Huyền Quang là Tổ thứ ba của Thiền phái Trúc Lâm; cụm di tích thuộc xã Cao Đức, Vạn Ninh nơi có lăng mộ và các đình, đền thờ Cao Lỗ Vương; đền Tam Phủ - bãi Nguyệt Bàn thuộc Lục Đầu Giang là nơi diễn ra Hội nghị Bình Than lịch sử do các vương hầu quý tộc nhà Trần bàn kế sách đánh giặc Nguyên-Mông thế kỷ XIII…
Những di tích này không chỉ gắn với các danh nhân văn hóa mà còn chứa đựng giá trị to lớn về mỹ thuật, kiến trúc, thể hiện khát vọng đời sống tâm linh của con người, mang ý nghĩa giáo dục hướng tới chân thiện mỹ. Cùng với đó là các địa danh, chiến tích ghi dấu lịch sử cách mạng trong các cuộc kháng chiến như Tượng đài chiến thắng Cầu Đào, bia chiến thắng Cầu Khoai, cột cờ Hương Triện…
Hơn nữa, Gia Bình còn được thiên nhiên ưu ái, ban tặng nhiều danh lam, thắng cảnh đẹp, điển hình là dãy núi Thiên Thai (xã Đông Cứu) trải dọc theo dòng Thiên Đức đỏ nặng phù sa, sơn thủy hữu tình, từ lâu đời đã được các vua chúa, vương hầu, quý tộc cho xây dựng các ngôi chùa là đại danh lam nổi tiếng.
Đặc biệt, nhiều làng nghề thủ công truyền thống nổi tiếng của Gia Bình như: Gò đúc đồng Đại Bái, tre trúc Xuân Lai, nón lá thôn Môn Quảng (Lãng Ngâm), nuôi tằm dệt lụa thôn Ngăm Lương (Lãng Ngâm)... với phong phú sản phẩm mang tính nghệ thuật độc đáo, đậm hồn dân tộc, được mọi miền ưa chuộng và có thương hiệu trên thị trường quốc tế là một lợi thế lớn để Gia Bình phát triển các sản phẩm quà tặng, đồ lưu niệm du lịch...
Qua khảo sát, đánh giá thực trạng hoạt động du lịch Gia Bình của cơ quan chuyên môn: Toàn huyện đang có 35 cơ sở lưu trú, 42 cơ sở dịch vụ ăn uống và chưa có doanh nghiệp lữ hành. Nhìn chung số lượng và chất lượng dịch vụ của các cơ sở lưu trú, nhà hàng, khu vui chơi giải trí mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu của người dân địa phương, chưa bảo đảm các điều kiện để phục vụ phát triển du lịch.
Mặc dù tiềm năng dồi dào nhưng hiện Gia Bình vẫn chưa thu hút được các dự án đủ tầm để tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn, có tính đặc trưng riêng; chất lượng dịch vụ thấp, chưa đạt yêu cầu đặt ra; hoạt động du lịch mờ nhạt, lẻ tẻ, mang tính mùa vụ. Hơn nữa, tính liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa Gia Bình với các địa phương lân cận còn nhiều hạn chế. Huyện cũng chưa có hoạt động tuyên truyền, xúc tiến quảng bá du lịch một cách bài bản, vì thế chưa thu hút được sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước. Vấn đề huy động vốn, kêu gọi, thu hút đầu tư vào các dự án du lịch để hình thành các sản phẩm đặc sắc và có sức cạnh tranh với khu vực lân cận là thách thức lớn nhất của du lịch Gia Bình hiện nay.
Mới đây, Đề án phát triển du lịch sinh thái tâm linh huyện Gia Bình giai đoạn 2020-2030 được phê duyệt đã tạo cơ sở pháp lý để thu hút các nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực du lịch của huyện. Đây cũng là nền móng quan trọng cho phát triển lĩnh vực dịch vụ đồng thời kích thích, hỗ trợ các ngành kinh tế khác phát triển trong thời gian sắp tới. Mục tiêu cụ thể, đến năm 2030, Gia Bình phấn đấu thu hút khoảng 200-300 nghìn lượt khách trong nước, 300-500 lượt khách quốc tế mỗi năm, nâng tỷ trọng ngành thương mại-dịch vụ đạt 45%, tạo việc làm cho khoảng 1000 người, trong đó có 500 lao động trực tiếp và trên 60% lao động trong lĩnh vực dịch vụ du lịch được qua đào tạo.
Ông Nguyễn Hồng Phúc, Trưởng Phòng Văn hóa-Thông tin huyện cho biết: Đề án đặt ra nhiều giải pháp về quy hoạch, đầu tư, xúc tiến quảng bá, mở mang phát triển các loại hình kinh doanh dịch vụ, bảo tồn di sản văn hóa, bảo vệ môi trường, đào tạo nguồn nhân lực và nâng cao năng lực quản lý nhà nước... Trước mắt, huyện sẽ đẩy nhanh triển khai các nhiệm vụ như: Lập và phê duyệt xong các đồ án quy hoạch chi tiết các khu/điểm du lịch trên địa bàn; xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển làng nghề gắn với di tích lịch sử; bảo tồn, tôn tạo các di tích và phát triển một số lễ hội truyền thống tiêu biểu; đẩy nhanh hoàn thiện các dự án đầu tư xây dựng khu di tích Cao Lỗ Vương, cảnh quan đền Tam Phủ, bãi Nguyệt Bàn, khu di tích Lệ Chi Viên, đền Lê Văn Thịnh; tu bổ, tôn tạo đình Bảo Tháp, chùa Đại Bi... Huyện cũng phối hợp tích cực với các ban, ngành tỉnh để hoàn thiện các bến thuyền dọc sông Đuống; nâng cấp hạ tầng kỹ thuật kết nối giữa các điểm du lịch trọng điểm trong huyện và kêu gọi, thu hút nhà đầu tư xây dựng điểm trải nghiệm mô hình nông nghiệp-trang trại, vui chơi giải trí...
Việt Thanh