logo
title

Du lịch Bến Tre cần những đột phá mới

Cập nhật ngày: 09/11/2021
Qua 4 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị, Chương trình hành động số 22-CTr/TU của Tỉnh ủy về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ngành du lịch Bến Tre đã có những bước chuyển mới. Tác động của đại dịch Covid-19 đã đặt ngành du lịch xứ Dừa trước những thử thách mới, phải thay đổi để hồi phục và phát triển.
Những bước chuyển mới
 
Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là những quan điểm chỉ đạo, mục tiêu phát triển du lịch đã được triển khai quán triệt, phổ biến kịp thời. Sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở và sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp du lịch, người dân địa phương đã góp phần cho du lịch Bến Tre phát triển trong thời gian qua. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch được quan tâm tổ chức thường xuyên nên chất lượng dịch vụ và thái độ giao tiếp, phục vụ khách được cải thiện theo hướng “ứng xử văn minh, thân thiện, trách nhiệm, tôn trọng khách hàng” đã tạo được ấn tượng tốt đối với du khách trong và ngoài nước.
 
Nhằm tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư, các thành phần kinh tế, cộng đồng dân cư tham gia phát triển du lịch, đồng thời hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng và tác động do dịch Covid-19 gây ra, bên cạnh việc triển khai, hướng dẫn thực hiện các cơ chế, chính sách từ Trung ương, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh. Nhất là Nghị quyết số 12/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Bến Tre về chính sách hỗ trợ kinh phí khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh đã góp phần khuyến khích tạo động lực để doanh nghiệp du lịch tiếp tục duy trì phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ khách du lịch.
 
4 năm qua, hoạt động hợp tác, liên kết phát triển du lịch giữa tỉnh với các tỉnh, thành phố tiếp tục phát huy hiệu quả và có nhiều dấu ấn mới, nhất là thúc đẩy liên kết với du lịch TP. Hồ Chí Minh và khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ để sớm hoàn thành đưa vào hoạt động.
 
Các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch quan tâm đầu tư nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới cơ sở kinh doanh; từng bước hình thành nhiều loại hình, sản phẩm du lịch, dịch vụ du lịch mang nét riêng có của vùng sông nước miệt vườn xứ Dừa Bến Tre. Toàn tỉnh hiện có 19 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành. Trong đó, có 8 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 11 doanh nghiệp lữ hành nội địa; 89 cơ sở lưu trú với trên 1.500 phòng có sức chứa khoảng 3.000 khách; trên 130 cơ sở ăn uống với khoảng 35 ngàn chỗ ngồi (trong đó có 6 cơ sở ăn uống đạt chuẩn phục vụ khách du lịch); 39 khu, điểm du lịch, điểm đến tham quan du lịch. Ngoài ra còn có có 2 cơ sở mua sắm, 1 cơ sở vui chơi giải trí và 1 cơ sở chăm sóc sức khỏe đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, 10 trạm dừng chân đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.
 
Thích ứng an toàn
 
Trong 2 năm (2020 - 2021), du lịch gặp nhiều khó khăn. Phần lớn cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh phải tạm đóng cửa. Lượng khách và tổng thu từ hoạt động du lịch giảm mạnh do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Vì vậy, tốc độ tăng trưởng bình quân về tổng thu từ khách du lịch (2018 - 2021) giảm gần 30%.
 
Trải nghiệm du lịch nông thôn
 
Trở lại Bến Tre cùng đoàn công tác xúc tiến du lịch của TP. Hồ Chí Minh, ông Võ Anh Tài - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group) chia sẻ: “Sản phẩm du lịch Bến Tre vốn dĩ đã thân thuộc với du khách TP. Hồ Chí Minh và khách quốc tế nhưng trong thời điểm này, chúng ta đẩy mạnh phát triển du khách nội địa. Chúng tôi nghĩ rằng những sản phẩm về sinh thái, sông nước, nghỉ dưỡng, lịch sử cách mạng, xu hướng du lịch nghỉ dưỡng, sức khỏe hiện nay đang là xu hướng du lịch đang được du khách quan tâm”.
 
Trong những năm qua, cộng đồng du lịch Bến Tre thật sự đã có được những bước chuyển lớn để tạo nét riêng cho thương hiệu “du lịch xứ Dừa”, thoát khỏi câu chuyện trùng lắp sản phẩm với những địa phương lân cận. Nhiều tour, tuyến mới mang lại trải nghiệm mới cho du khách, cùng với đó là nỗ lực đưa chất liệu dừa vào sản phẩm đã tạo nên điểm nhấn cho du lịch tỉnh nhà. Người làm du lịch Bến Tre đã nhận ra rằng, những yếu tố thuộc về tự nhiên, cảnh quan thì có thể tương đồng trong khu vực nhưng giá trị cốt lõi của văn hóa đất và người Bến Tre thì không đâu có được.
 
Với chính những gì đang có là môi trường sinh thái trong lành, tự nhiên, ẩm thực xứ Dừa độc đáo, các cơ sở, doanh nghiệp làm du lịch xứ Dừa kịp thời nắm bắt xu hướng du lịch mới. Anh Quách Duy Thịnh - chủ homestay Maison du Pays de BenTre (xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm) cho biết: “Từ sau làn sóng Covid-19 lần thứ hai, chúng tôi đã nhận thấy tính chất làm việc từ xa sẽ nhanh chóng trở thành xu hướng mới. Những du khách thường xuyên làm việc từ xa có thể chọn mô hình homestay của chúng tôi và trải nghiệm những dịch vụ tốt nhất trong quá trình lưu trú và làm việc”.
 
Ngành du lịch tiếp tục đầu tư cho công tác bồi dưỡng kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước về du lịch; đội ngũ cán bộ, quản lý, người lao động tại các doanh nghiệp cơ sở kinh doanh du lịch và cộng đồng dân cư, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch của tỉnh theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại và hiệu quả trong thời gian tới. Đồng thời, việc gặp gỡ, đối thoại, bàn tròn cà phê doanh nghiệp du lịch sẽ góp phần tạo điều kiện gặp gỡ giữa lãnh đạo tỉnh với doanh nghiệp du lịch trên địa bàn, kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
 
Ngành du lịch Bến Tre trong bối cảnh mới đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 trong công tác quản lý nhà nước cũng như công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch. Việc hoàn thiện và sớm đưa vào sử dụng bản đồ du lịch, các ứng dụng, website du lịch của Bến Tre trên nền tảng số trong thời gian tới mà ngành chức năng cùng đơn vị kỹ thuật đang xúc tiến hoàn thành sẽ góp phần tạo nên một bước ngoặt mới cho du lịch tỉnh./.
 
Thanh Đồng
Báo Đồng Khởi