logo
title

Hà Nội: Đổi mới để lan tỏa giá trị di sản

Cập nhật ngày: 29/11/2021
Dịch Covid-19 tác động tới mọi ngành nghề, lĩnh vực của đời sống, trong đó có các hoạt động quảng bá văn hóa, kích cầu du lịch di sản. Để kịp thời thích nghi với tình hình mới, nhiều bảo tàng, di tích ở Thủ đô đã đẩy nhanh quá trình phục hồi bằng việc tích cực xây dựng những sản phẩm văn hóa mới, phù hợp với nhu cầu của công chúng, từng bước nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn, lan tỏa và phát huy giá trị di sản.
 
Thử nghiệm chương trình trải nghiệm di sản từ công nghệ 3D Mapping tại Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám
 
Đổi mới phương thức tiếp cận công chúng
 
Chỉ mới mở cửa trở lại vào các ngày cuối tuần trong nửa tháng qua, song Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã ghi nhận lượng khách tham quan rất khả quan (khoảng 500 lượt người/tuần). Lý giải cho điều này, bên cạnh lợi thế về thương hiệu, một điểm nổi bật là bảo tàng luôn có cách làm mới các sản phẩm văn hóa đặc thù, để đáp ứng nhu cầu công chúng.
 
Theo Trưởng phòng Truyền thông - Giáo dục (Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam) An Thu Trà, trong bối cảnh dịch bệnh, bảo tàng xác định đối tượng khách tiềm năng là các nhóm nhỏ, nên tập trung xây dựng nhiều sản phẩm tham quan, trải nghiệm, như: Làm nông, bắt cá, thực hành nghề truyền thống… “Ngoài ra, thay vì chờ khách tham quan tìm đến, bảo tàng tích cực kết nối, đưa hoạt động tới các trường học, vừa tăng tính mới lạ trong hoạt động trải nghiệm, vừa để quảng bá, lan tỏa các giá trị di sản”, bà An Thu Trà cho hay.
 
Cũng với tinh thần không thụ động ngồi chờ, trong thời gian chưa mở cửa đón khách, Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã tập trung phục dựng Phương Đình tại hồ Văn; xây dựng nội dung trưng bày về Quốc Tử Giám với lịch sử hình thành, phát triển đi kèm những minh họa sinh động về việc dạy và học tại trường đại học đầu tiên của đất nước; khai thác thế mạnh công nghệ để kể câu chuyện về đạo học Việt Nam.
 
Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu cho biết, trung tâm đang ấp ủ ý tưởng đề xuất triển khai phố đi bộ quanh khu vực di tích vào dịp cuối tuần, hình thành không gian văn hóa, có hệ sinh thái gồm rất nhiều hoạt động tôn vinh, quảng bá di sản. Sản phẩm văn hóa ứng dụng công nghệ trình chiếu cũng là một bước để làm tăng tính hấp dẫn cho việc trải nghiệm không gian di sản về đêm, bổ trợ hiệu quả cho các hoạt động tại không gian đi bộ. 
 
Tránh chạy theo phong trào
 
Do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, đòi hỏi các bảo tàng, di tích phải có những chuyển động phù hợp với tình hình mới, tránh thụ động, “đóng băng” hoạt động, ảnh hưởng tới hiệu quả bảo tồn, phát huy giá trị về lâu dài. Trên thực tế, nhiều điểm đến di sản đã tích cực đổi mới phương thức tiếp cận, hình thành những sản phẩm văn hóa mới; đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm đặc thù, đề cao trải nghiệm cảm xúc... Có thể kể đến, di tích Nhà tù Hỏa Lò với các tour du lịch về đêm; Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam có tour tham quan trực tuyến 3D; Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam triển khai tour tham quan 360 độ…
 
Đánh giá về những chuyển động này tại các bảo tàng, di tích ở Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam Lê Thị Minh Lý cho rằng, mỗi sản phẩm văn hóa cần phải có ý tưởng, sáng tạo thật sự, mang bản sắc riêng có, tránh chạy theo phong trào, dẫn đến những sản phẩm na ná nhau. Cùng với đó, công nghệ hay giải pháp gì cũng phải nhất quán sứ mệnh của bảo tàng, di tích là cảm xúc, là trực quan sinh động. Do vậy, cần chú trọng đào tạo, bồi dưỡng lực lượng để cho ra đời những sản phẩm có chiều sâu, bảo đảm mục tiêu quảng bá, tôn vinh di sản.
 
Đồng tình với quan điểm trên, theo Phó Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội Lê Thanh Thảo, dòng sản phẩm chủ lực của các điểm đến di sản vẫn phải là những tour tham quan thực tế với cảm nhận, trải nghiệm trực tiếp, công nghệ chỉ là giải pháp để đa dạng hóa, tăng sức hấp dẫn cho sản phẩm văn hóa. “Các điểm đến cần chủ động thông tin, trao đổi, quảng bá về những sản phẩm mới, giúp các đơn vị lữ hành dễ dàng tiếp cận, xây dựng tour tuyến phù hợp, chất lượng…”, bà Lê Thanh Thảo nói.
 
Về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Phạm Đình Phong cho biết, chuyển đổi số đang là hướng đi được nhiều bảo tàng, di tích tiếp cận, vấn đề là thực thi như thế nào cho phù hợp, tránh tình trạng vội vã, hời hợt, vừa lãng phí, vừa kém hiệu quả.
 
“Cục Di sản văn hóa đã tham mưu với lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành văn bản yêu cầu các sở, hệ thống bảo tàng, di tích làm tốt việc xây dựng cơ sở dữ liệu về di sản; nghiên cứu, học tập kinh nghiệm từ các đơn vị đã làm thành công để rút ra bài học, cách thức áp dụng phù hợp với đơn vị mình. Đồng thời đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông trực tuyến nhằm lan tỏa thương hiệu và đặc biệt phải chú trọng vấn đề đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới cho đội ngũ cán bộ, nhân viên”, ông Phạm Đình Phong nhấn mạnh.
 
Nguyễn Thanh
Báo Hànộimới