Đồng bào dân tộc Tày chiếm trên 50% dân số huyện Lục Yên (tỉnh Yên Bái). Người Tày nổi tiếng với các làn điệu hát then, hát cọi, hát khắp và những bộ trang phục truyền thống để lại nhiều dấu ấn sâu đậm cho du khách thập phương. Đây cũng là thế mạnh mà huyện Lục Yên đang tập trung khai thác, từng bước xây dựng sản phẩm du lịch mang tính đặc thù hấp dẫn.
Đông đảo người dân trong vùng tham gia hoạt động thi giã bánh dày tại Ngày hội bản mường xã Mường Lai lần thứ I, năm 2020
Là người trẻ ở xã Minh Xuân nhưng luôn tâm huyết, dành nhiều thời gian sưu tầm, học hỏi và luyện tập các bài hát dân ca truyền thống, chị Mai Thị Hồng Chắn chia sẻ: "Hiện tại, tôi đã lưu giữ được khá nhiều giai điệu của các bài hát như: hát then, hát cọi, hát khảm hải, hát ví, hát phong sư. Tôi thường hát trong dịp đám cưới, các hội diễn và may mắn nhận được nhiều giải thưởng trong khu vực và toàn quốc”.
Để giữ gìn nét văn hóa truyền thống, những làn điệu dân ca, dân vũ, nhiều địa phương của huyện luôn chú trọng xây dựng, hỗ trợ phát triển câu lạc bộ, nhóm, đội văn nghệ dân gian. Điển hình như xã Minh Xuân hiện có 3 câu lạc bộ (CLB) hát khắp, hát cọi, trong 14 thôn thì mỗi thôn đều có một đội văn nghệ riêng. Các diễn viên biểu diễn có độ tuổi khác nhau nhưng cùng chung sở thích, say mê ca hát, yêu thích làn điệu dân ca, dân vũ và truyền dạy cho thế hệ trẻ kế cận.
Được biết đến là địa phương giàu truyền thống văn hóa lịch sử cách mạng, có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch của huyện Lục Yên, xã Mường Lai xác định phát triển du lịch cộng đồng là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn. Do đó, các hoạt động đầu tư vào du lịch trên địa bàn xã thời gian qua có sự chuyển biến đáng kể về chất lượng và số lượng.
Các sự kiện văn hóa du lịch được tổ chức quy mô và chuyên nghiệp, thu hút đông đảo người dân địa phương tham gia. Khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, học tập và du lịch trải nghiệm ngày một nhiều hơn tại các điểm như: Khu di tích cách mạng Cổ Văn, Lễ hội đình Nà Ngàm, liên hồ Từ Hiếu - Roong Đeng - Tặng An.
Được biết trong năm 2020, xã đã tổ chức thành công "Ngày hội bản Mường” giới thiệu, quảng bá các sản phẩm từ nông nghiệp, giới thiệu những món ăn đặc sản của bà con nơi đây thông qua các hoạt động; phần hội sôi động với nhiều trò chơi dân gian như: đánh quay, đánh yến, kéo co, đẩy gậy... tái hiện đúng bản sắc văn hóa dân tộc Tày. Cùng đó, những làn điệu hát khắp, hát cọi, hát giao duyên được thể hiện bởi các nghệ nhân, đội văn nghệ quần chúng của xã đã thu hút trên 5.000 lượt người dân trong vùng tham gia.
Ông Triệu Văn Huấn - Bí thư Đảng ủy xã Mường Lai chia sẻ: "Thời gian tới, xã tiếp tục thu hút các nguồn lực xã hội hóa đầu tư vào các ngành nghề du lịch, khuyến khích người dân mở mới nhiều loại hình du lịch mang ý tưởng sáng tạo hấp dẫn du khách, nhằm nâng cao giá trị di sản văn hóa địa phương, bảo tồn và phát huy truyền thống bản sắc dân tộc Tày. Bên cạnh đó, mở các lớp truyền dạy dân ca, dân vũ cho bà con, nhất là thế hệ trẻ; đặc biệt, khuyến khích việc sưu tầm, biểu diễn những làn điệu dân ca truyền thống nhằm quảng bá, bảo tồn nét văn hóa người Tày Mường Lai”.
Trong giai đoạn năm 2016 - 2020, huyện Lục Yên thu hút gần 300.000 lượt khách du lịch, trong đó khách du lịch nội địa chiếm 87,5%. Hiện trên địa bàn huyện có 23 cơ sở lưu trú là các khách sạn, nhà nghỉ; 9 cơ sở homestay. Có thể thấy, du lịch đang dần trở thành ngành kinh tế quan trọng của Lục Yên góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm cho trên 500 lao động, tăng thu nhập và cải thiện đời sống nhân dân.
Ông Phùng Trung Hải, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Lục Yên cho biết: Với điều kiện thuận lợi phát triển nhiều loại hình du lịch như du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm khám phá, du lịch cộng đồng homestay. Chủ trương của huyện là tập trung bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc gắn phát triển du lịch sinh thái.
Từ kết quả đạt được, huyện Lục Yên đề ra phương hướng, mục tiêu cụ thể, sát thực trong giai đoạn 2021 - 2025,chú trọng duy trì tổ chức lễ hội truyền thống của các xã, thị trấn như: Chương trình du lịch về miền đất Ngọc, Du lịch Bình nguyên xanh Khai Trung (xã Khai Trung), Lễ hội đền Suối Tiên, đình Làng Mường (xã Tô Mậu), Lễ hội đền Đại Kại (xã Tân Lĩnh), Ngày hội bản Mường (xã Mường Lai)…
Đồng thời, xây dựng mới và tổ chức các lễ hội như: Ngày hội Pay Tái (xã Lâm Thượng), Lễ hội Cắc Kéng (xã Khánh Thiện), Lễ hội đình Bản Phố gắn với chợ quê (xã Mai Sơn) phù hợp, đảm bảo các điều kiện an toàn về phòng, chống dịch, thích ứng hiệu quả với dịch bệnh trong trạng thái bình thường mới; định hướng khai thác tiềm năng, thế mạnh địa phương để phát triển du lịch theo hướng hướng "Xanh, bản sắc, hấp dẫn”, tạo điểm nhấn cho du lịch không chỉ ở cảnh quan sinh thái mà còn lưu giữ những giá trị bản sắc văn hóa độc đáo riêng có của đồng bào Tày Lục Yên.
Bùi Minh