Đến tham quan một địa danh nào đó, hầu như ai cũng muốn mua sản phẩm lưu niệm đẹp, nhỏ gọn, giá cả phải chăng gắn với địa danh đó để làm kỷ niệm hay quà tặng cho bạn bè, người thân. Quà tặng lưu niệm tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa rất lớn; góp phần quảng bá văn hóa của địa phương. Tuy nhiên, sản phẩm lưu niệm của du lịch trên địa bàn tỉnh Điện Biên vẫn còn nghèo về số lượng, chủng loại, chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách. Việc phát triển sản phẩm lưu niệm gắn với quảng bá du lịch trên địa bàn tỉnh cần được quan tâm đúng mức.
Khách du lịch mua hàng lưu niệm tại khu vực tượng Đài Chiến thắng Điện Biên Phủ
Dạo một vòng quanh các điểm di tích lịch sử trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ những ngày đầu năm 2022, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên lượng khách du lịch đến Điện Biên giảm hẳn. Cũng vì thế, hầu hết gian hàng bán đồ lưu niệm tại các điểm di tích đóng cửa. Tại khu Hầm Đờ Cát, 3 gian hàng lưu niệm đều đóng cửa; điểm tham quan Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ có 4 gian hàng lưu niệm thì 2 gian đóng cửa. Chị Nguyễn Thị Hằng, một du khách đến từ Sơn La đang mua quà lưu niệm chia sẻ: Các mặt hàng được bày bán ngoài một số sản phẩm là đặc sản chung của khu vực Tây Bắc thì chủ yếu là quần áo, khăn thổ cẩm, mũ, của đồng bào dân tộc; những bộ quần áo trẻ em có in hình hầm Đờ Cát và chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Một số ít các sản phẩm lưu niệm mang đặc trưng của Điện Biên như: Mô hình Tượng đài Chiến thắng, bức phù điêu kéo pháo, đĩa in chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tôi đang chọn cho mình món quà lưu niệm mang đặc trưng của Điện Biên.
TX. Mường Lay, là một trong những đơn vị có điều kiện tự nhiên tương đối thuận lợi để phát triển du lịch. Hàng năm có Lễ hội Đua thuyền đuôi én tổ chức vào ngày 1/1 dương lịch. Tuy nhiên, việc phát triển các mặt hàng lưu niệm gắn với quảng bá du lịch địa phương chưa được thực hiện một cách bài bản. Ông Quàng Văn Sinh, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin TX. Mường Lay cho biết: Hiện nay trên địa bàn TX. Mường Lay ngoài xây dựng được một số sản phẩm đặc trưng của địa phương như: Bánh Khẩu xén, cá tép dầu sấy Na Lay, thì có một nghệ nhân làm đàn tính tẩu của dân tộc Thái, chủ yếu bán trong dịp Lễ hội đua thuyền đuôi Én. Tuy nhiên, mới chỉ dừng lại ở việc tự sản xuất theo hộ gia đình, số lượng chưa nhiều, chưa có tính hàng hóa. Việc phát triển các sản phẩm lưu niệm gắn với quảng bá du lịch trên địa bàn chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Sản phẩm lưu niệm bày bán tại các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh nhìn qua có thể thấy đa dạng về mẫu mã chủng loại, nhưng chủ yếu là những sản phẩm được đặt làm từ nơi khác, sau đó in logo đặc trưng của du lịch Điện Biên (hình ảnh Hầm Đờ Cát, chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp…) một số sản phẩm được nhập từ các tỉnh miền xuôi, nước ngoài… Các sản phẩm lưu niệm được chế tác, hoàn thiện trên địa bàn tỉnh, mang đặc trưng của địa phương, vùng miền trong tỉnh chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Về cơ bản chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách.
Để sản phẩm lưu niệm thật sự góp phần vào quảng bá du lịch của địa phương, tới đây, ngành chức năng, cấp ủy, chính quyền các cấp cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, làng nghề, nghệ nhân sản xuất sản phẩm lưu niệm mang đặc trưng của địa phương, dân tộc, có sử dụng hình ảnh mang tính đặc trưng của du lịch Điện Biên. Có kế hoạch, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất sản phẩm lưu niệm; tăng cường quảng bá, khẳng định giá trị văn hóa, lịch sử độc đáo của các sản phẩm, góp phần quảng bá hình ảnh du lịch Điện Biên đến du khách trong và ngoài nước.
Bài, ảnh: Anh Nguyễn