Với mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng với các sản phẩm du lịch chất lượng cao, bản sắc, hấp dẫn, có thương hiệu gắn với bảo vệ môi trường tự nhiên, bản sắc văn hoá dân tộc đưa Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) trở thành huyện du lịch, là điểm đến “Bản sắc, an toàn, thân thiện”, những năm qua huyện đã quan tâm tranh thủ các nguồn đầu tư vào địa bàn xây dựng cơ sở hạ tầng kết nối các điểm du lịch, triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển du lịch, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch của địa phương.
Ảnh minh họa
Trong năm hai năm trở lại đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đã tác động trực tiếp đến ngành du lịch, số lượng khách du lịch đến địa bàn huyện năm 2021 đã giảm trên 50% so với năm 2020, đặc biệt là lượng khách quốc tế. Nhu cầu du lịch trong nước giảm mạnh do thực hiện yêu cầu giãn cách xã hội, mặt khác, do tâm lý lo ngại dịch bệnh và sự sụt giảm thu nhập của người dân. Điều này đã ảnh hưởng đến các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch cũng như sự phát triển du lịch trên địa bàn huyện Mù Cang Chải.
Tuy nhiên, ngay từ cuối năm 2021, khi dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát, huyện Mù Cang Chải đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch phục hồi và phát triển du lịch theo hướng “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”; tăng cường các hoạt động tuyên truyền, quảng bá du lịch thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số và mạng xã hội. Đồng thời tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động kích cầu phát triển du lịch gắn với khám phá Di tích quốc gia đặc biệt Danh lam thắng cảnh Ruộng bậc thang; Festival dù lượn; Chợ phiên vùng cao, hoạt động trải nghiệm; các trò chơi dân gian, các hoạt động giải trí, văn hóa, văn nghệ đặc sắc, các địa điểm du lịch hấp dẫn, sản phẩm du lịch đặc sắc phong phú để thu hút khách du lịch đến tham quan trải nghiệm. Với việc triển khai các hoạt động kích cầu phát triển du lịch đồng bộ, trong 6 tháng đầu năm 2022, Mù Cang Chải đã đón 94.585 lượt khách; doanh thu 63,2 tỷ đồng.
Trong thời gian tới, để phục hồi và phát triển du lịch, huyện tiếp tục chỉ đạo, tổ chức các hoạt động du lịch Mùa vàng năm 2022: Tết Độc lập 2/9, Lễ hội khám phá di tích quốc gia đặc biệt danh lam thắng cảnh Ruộng bậc thang huyện Mù Cang Chải diễn ra vào tháng 9, 10 và Lễ hội Hoa Tớ dầy (tháng 11 âm lịch) gồm các hoạt động tiêu biểu như: Chương trình nghệ thuật khai mạc, hoạt động biểu diễn đường phố; Festival Dù lượn “Bay trên mùa vàng”; Chợ phiên Mù Cang Chải; tổ chức các hội thi chọi dê, thi vẽ hoa văn trên vải bằng sáp ong, thi giã bánh dày, tổ chức lễ mừng cơm mới, thi gặt lúa nhanh, cày bừa giỏi và tổ chức các tour du lịch tham quan, trải nghiệm. Thi đấu các môn thể thao dân tộc, các trò chơi dân; tổ chức các chương trình văn nghệ bản sắc vào các tối thứ 7 hàng tuần....
Đồng thời triển khai các biện pháp kích cầu du lịch, trong đó triển khai phương án mở cửa du lịch phù hợp với tình hình thực tế của địa phương đảm bảo an toàn, hiệu quả, thực hiện các chương trình kích cầu du lịch, “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Tăng cường giới thiệu, quảng bá điểm đến, sản phẩm, trải nghiệm du lịch đa dạng, hấp dẫn của huyện trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên trên Trang thông tin điện tử của huyện, trang Fanpage; Facebook, báo, đài Trung ương và địa phương. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các Đề án, chương trình, chính sách về phát triển du lịch trong năm 2022 trong đó chú trọng triển khai thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TU ngày 24/02/2021 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 10/2021/NQ-HĐND ngày 19/4/2021 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025; Đề án “xây dựng huyện Mù Cang Chải thành huyện du lịch giai đoạn 2022 - 2025” trong năm 2022.
Xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng của huyện như: Phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng nâng cao chất lượng gắn với tìm hiểu văn hóa dân tộc bản sắc, hỗ trợ các gia đình làm dịch vụ du lịch nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (Homestay), nâng cao chất lượng phục vụ, cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu của khách du lịch như: Phát triển sản phẩm nông nghiệp thương hiệu các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP như chè, mật ong (Púng Luông), sơn tra Háng Gàng - Lao Chải, Nậm Có, rượu thóc La Pán Tẩn, Gà đen, Lợn bản địa, Mận Hậu - Kim Nọi, các sản phẩm nông nghiệp rau, củ quả…. Xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng. Trong năm 2022 đưa vào vận hành, khai thác khu nghỉ dưỡng ruộng bậc thang La Pán Tẩn. Đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực nhằm chuyển đổi lao động nông thôn; mở các lớp truyền dạy nghề trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể trên địa bàn huyện.
Cùng với đó, tăng cường liên kết, hợp tác trong phục hồi du lịch, trong đó có sự liên kết giữa các cơ quan, ban ngành trong huyện, trong tỉnh; giữa các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ du lịch; giữa huyện Mù Cang Chải với các địa phương khác, phát huy hiệu quả liên kết vùng, miền.
Đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong ngành du lịch, tạo thuận tiện cao nhất có thể để kích thích nhu cầu đi du lịch của du khách, trang bị Wifi miễn phí tại các khu vực Trung tâm thị trấn, Võng lúa - Sáng Nhù, Mồ Dề, Đồi Mâm Xôi - La Pán Tẩn; giảm thiểu các thủ tục, yêu cầu không cần thiết; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng các gian hàng trên mạng nhằm quảng bá, thu hút khách du lịch.
Nguyễn Hiên