logo
title

Huyện Lai Vung (Đồng Tháp): Phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể gắn với phát triển du lịch và quảng bá hình ảnh

Cập nhật ngày: 12/08/2022
Nhằm cụ thể hóa việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia nghề thủ công truyền thống giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh, UBND huyện Lai Vung (tỉnh Đồng Tháp) xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia Nghề đóng xuồng, ghe xã Long Hậu. Theo UBND huyện Lai Vung, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia Nghề đóng xuồng, ghe xã Long Hậu được phát huy khá tốt gắn với phát triển du lịch huyện Lai Vung năm 2022 cũng là sản phẩm du lịch độc đáo, góp phần tạo dựng hình ảnh địa phương trong những năm qua.
 
Huyện Lai Vung tổ chức Hội thi Đờn ca tài tử và Hát dân ca lần thứ XX - năm 2022 thu hút nhiều tập thể, cá nhân tham gia
 
Tuy nhiên, do xu hướng phát triển khách quan về hạ tầng giao thông cũng như phương tiện đi lại, nên nghề đóng xuồng, ghe lớn phục vụ việc vận chuyển và đánh bắt thủy sản (sử dụng vật liệu gỗ) ngày bị thu hẹp dần. Từ đó, người dân chuyển sang nghề thủ công mỹ nghệ làm xuồng, ghe thu nhỏ phục vụ làm quà cho khách tham quan và trang trí cảnh quan các cơ sở kinh doanh, công viên, gia đình... hoạt động này đang có chiều hướng phát triển, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia Nghề đóng xuồng, ghe xã Long Hậu, thúc đẩy phát triển du lịch và tăng thu nhập đáng kể cho một số hộ dân. Huyện Lai Vung đã xây dựng kế hoạch hình thành Nhà trưng bày, giới thiệu làng nghề xuồng, ghe xã Long Hậu nhằm tiếp tục lưu giữ và tôn vinh giá trị văn hóa phi vật thể Quốc gia nghề đóng xuồng, ghe này.
 
Trước đó, tỉnh Đồng Tháp đã xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia Nghề thủ công truyền thống: “Nghề đóng xuồng, ghe” xã Long Hậu, huyện Lai Vung; “Nghề dệt chiếu” ở 2 xã Định Yên, Định An (huyện Lấp Vò). Mục đích của kế hoạch nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản Nghề thủ công truyền thống góp phần tạo việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và sức sáng tạo của Nhân dân gắn với phát triển du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội trên địa bàn tỉnh. Đồng thời quảng bá, nâng cao hình ảnh của tỉnh Đồng Tháp cũng như nâng cao nhận thức, vai trò trách nhiệm của hệ thống chính trị, cộng đồng về nhiệm vụ bảo vệ và phát huy giá trị của di sản Nghề thủ công truyền thống, đặc biệt đối với thế hệ trẻ.
 
Liên quan đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia Đờn ca tài tử, Hò Đồng Tháp giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn huyện Lai Vung, ông Nguyễn Hữu Hiền - Phó Chủ tịch UBND huyện Lai Vung cho biết, tính đến nay, toàn huyện có tổng số 24 Câu lạc bộ Đờn ca tài tử (CLB ĐCTT) các cấp. Trong đó, cấp huyện có 2, cấp xã có 12 và ấp (khóm) có 10 CLB ĐCTT. Hàng năm, ngành chuyên môn của huyện Lai Vung đều tổ chức các hoạt động thường xuyên và giao lưu theo cụm để làm cơ sở các CLB ĐCTT triển khai thực hiện. Huyện Lai Vung cũng khuyến khích các CLB ĐCTT tổ chức giao lưu với CLB ĐCTT ngoài huyện.
 
Đặc biệt, huyện Lai Vung đã tổ chức thành công Hội thi Đờn ca tài tử và hát Dân ca lần thứ XX - 2022 (giải truyền thống tổ chức 2 năm/lần). Hội thi có 12/12 xã, thị trấn tham gia với 87 nghệ nhân tham gia tranh tài xoay quanh nội dung của 20 bài bản tổ (nam, hạ, bắc, oán, vọng cổ, hát dân ca...). Kết quả, Ban tổ chức đã trao nhiều giải thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc. Thông qua hội thi đã thể hiện được khá tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể Quốc gia của loại hình Đờn ca tài tử và Hò Đồng Tháp, nhất là phát hiện được nhiều nghệ nhân, tài tử trẻ tham gia và có nhiều sáng tác lời mới cho 20 bài bản tổ của nhạc tài tử Nam bộ, bài ca vọng cổ và Hò Đồng Tháp.
 
Giai đoạn 2021 - 2023, tỉnh tập trung củng cố, nâng cao chất lượng, bổ sung Hò Đồng Tháp vào hoạt động của các CLB ĐCTT hiện có. Phấn đấu có từ 40 - 50% các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh thành lập CLB ĐCTT và Hò Đồng Tháp. Xây dựng thí điểm 2 CLB ĐCTT và Hò Đồng Tháp cấp huyện tại 2 địa phương có phong trào mạnh là huyện Lai Vung và TP Sa Đéc. Đồng thời tổ chức quảng bá, phổ biến Đờn ca tài tử và Hò Đồng Tháp đến với cộng đồng ở nhiều thành phần, lứa tuổi. Duy trì tổ chức “Liên hoan Đờn ca tài tử, Hát dân ca và Hò Đồng Tháp” cấp tỉnh mỗi năm 1 lần và cấp huyện định kỳ 2 năm 1 lần.
 
Dũng Chinh
Báo Đồng Tháp Online - baodongthap.vn