Với sự quyết tâm, nỗ lực của các cấp, ngành, chính quyền và người dân, huyện Nguyên Bình (tỉnh Cao Bằng) đang dốc sức gìn giữ, bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống của người dân tộc thiểu số (DTTS). Tất cả đều hướng đến mục tiêu mong muốn trang phục truyền thống của đồng bào nơi đây sẽ “sống lại” và phổ biến hơn trong cuộc sống, nâng cao lòng tự hào, ý thức bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống của các dân tộc trên địa bàn.
Thành viên Xưởng thêu thổ cẩm xóm Nà Chắn, xã Hoa Thám (Nguyên Bình) thêu hoa văn trên trang phục truyền thống dân tộc Dao Tiền
Nguyên Bình có các dân tộc chính: Tày, Nùng, Mông, Dao, Sán Chỉ, Mường… đoàn kết chung sống, trong đó, dân tộc Dao chiếm 54,75% dân số toàn huyện. Mỗi dân tộc đều mang bản sắc văn hóa của loại hình dân ca, dân vũ đặc trưng riêng, làm nên kho tàng văn hóa phong phú, đa dạng, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Đặc biệt, mỗi dân tộc có trang phục truyền thống riêng là một di sản văn hóa truyền thống độc đáo, mang đặc trưng rất dễ nhận biết của vùng dân tộc, chứa đựng những giá trị nghệ thuật, giá trị lịch sử của từng tộc người. Mỗi dân tộc có tạo hình trang trí, sử dụng trang phục truyền thống theo những đặc điểm văn hóa riêng. Nét hoa văn, họa tiết màu sắc của mỗi loại trang phục dân tộc có những nét độc đáo, thể hiện bản sắc riêng, in dấu truyền thống văn hóa và phong tục của dân tộc đó.
Việc bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống DTTS được UBND huyện quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện với nhiều kế hoạch hoạt động thiết thực, như: Ban hành Kế hoạch 46/KH-UBND, ngày 3/5/2022 của UBND huyện về nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa truyền thống trên địa bàn huyện; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường thông tin tuyên truyền, vận động bà con sử dụng trang phục truyền thống trong quá trình phục vụ du khách đến tham quan tại điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn; duy trì và phát huy hiệu quả của Xưởng thêu thổ cẩm xóm Nà Chắn, xã Hoa Thám; tổ chức truyền dạy thêu hoa văn trên váy áo cho thế hệ trẻ; tổ chức và tham gia Hội thi hát dân ca - trình diễn trang phục dân tộc các cấp; các chương trình văn nghệ tại cơ sở hầu hết định hướng sử dụng các trang phục truyền thống phù hợp; tuyên truyền, vận động bà con mặc trang phục truyền thống dân tộc mình trong các ngày lễ, Tết, lễ hội; phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức khảo sát, đánh giá, kiểm kê trang phục truyền thống của dân tộc Dao Đỏ tại xã Vũ Minh; lập hồ sơ khoa học về kỹ thuật in hoa văn sáp ong dân tộc Dao Tiền huyện Nguyên Bình..
Tổ trưởng Xưởng thêu thổ cẩm dân tộc Dao Tiền, xóm Nà Chắn Triệu Thị Ním chia sẻ: Đến nay, xưởng thêu có gần 20 thành viên tham gia và sản xuất trang phục truyền thống dân tộc Dao Tiền. Ngoài việc tạo ra sản phẩm thổ cẩm truyền thống, các thành viên còn là những nghệ nhân tâm huyết luôn sẵn sàng truyền dạy cho thế hệ trẻ học nghề. Từ khi xưởng thêu được thành lập không chỉ gìn giữ, bảo tồn nghề làm trang phục thủ công truyền thống của người Dao mà các thành viên còn là những "hạt nhân" tuyên truyền là người thân trong gia đình sử dụng thường xuyên trang phục truyền thống trong sinh hoạt, đồng thời, giáo dục tình yêu, niềm tự hào cho con cháu đối với trang phục truyền thống của dân tộc mình, từ đó có ý thức tích cực gìn giữ, bảo tồn và phát huy.
Tuy nhiên, trang phục truyền thống của các DTTS trên địa bàn huyện cũng như các di sản văn hóa khác đang có nguy cơ bị mai một. Tại các địa phương, phần lớn đồng bào Tày, Nùng, Mông, Dao… không còn mặc trang phục truyền thống trong đời sống sinh hoạt hằng ngày mà chỉ mặc trong dịp lễ, Tết, lễ hội, đám hiếu, hỷ; nhiều bạn trẻ còn e ngại và không biết mặc các bộ trang phục của dân tộc mình đúng cách…
Có nhiều nguyên nhân khiến trang phục truyền thống không còn phổ biến trong sinh hoat hằng ngày của các DTTS trên địa bàn, như: Do ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường, thời đại 4.0, nền công nghiệp phát triển, vải công nghiệp được bày bán tại các chợ của địa phương và môi trường mạng rất tiện lợi, chất liệu mỏng, nhẹ, giá cả hợp lý, phù hợp để may những bộ trang phục thường ngày phục vụ sinh hoạt, lao động, sản xuất; các bộ trang phục truyền thống của các dân tộc hầu hết được thêu thủ công cầu kỳ, công phu mất nhiều thời gian mới làm ra được bộ trang phục và giá cả cũng tương đối cao nên nhiều người dân không còn ưu tiên lựa chọn sử dụng trang phục truyền thống...
Theo Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Nông Thị Thủy, để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống DTTS trên địa bàn huyện, phòng tiếp tục tham mưu UBND huyện chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị liên quan thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ, trong đó, tập trung thực hiện Kế hoạch số 652/KH-UBND của UBND tỉnh về thực hiện Đề án "Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các DTTS Việt Nam trong giai đoạn hiện nay" trên địa bàn tỉnh. Tổ chức tuyên truyền, quảng bá về bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống DTTS trên các phương tiện thông tin đại chúng, cổ động trực quan, lồng ghép thông qua các clip quảng bá giới thiệu tiềm năng du lịch của địa phương. Định kỳ tổ chức Hội thi hát dân ca - trình diễn trang phục dân tộc huyện; tham gia các Hội thi hát dân ca, trình diễn trang phục dân tộc do tỉnh, khu vực tổ chức. Tổ chức các lớp truyền dạy kỹ năng nghề thêu hoa văn trên trang phục truyền thống. Vận động các tầng lớp nhân dân mặc trang phục truyền thống trong các ngày lễ, Tết, lễ hội, cưới hỏi…; triển khai đến các đối tượng là cán bộ, giáo viên, học sinh mặc trang phục truyền thống dân tộc tối thiểu 1 buổi/tuần tại Trường Dân tộc nội trú huyện. Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống gắn với phát triển du lịch, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm về trang phục truyền thống DTTS huyện tại các điểm du lịch trên địa bàn; rà soát, làm hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú lĩnh vực nghề thủ công truyền thống liên quan đến chế tác trang phục truyền thống của DTTS…, góp phần quan trọng trong việc giữ gìn, phát huy trang phục truyền thống của các DTTS huyện. Từ đó, khơi dậy niềm tự hào và nâng cao nhận thức về nét văn hóa giàu bản sắc trong trang phục truyền thống của các DTTS cho các thế hệ trẻ.
Xuân Lam