Người dân Thái Nguyên luôn tự hào về những khu di tích Quốc gia mang nhiều giá trị lịch sử của quê hương mình. Tuy nhiên, làm thế nào để bảo tồn và phát huy những di tích ấy (1 khu di tích Quốc gia đặc biệt, gồm 13 điểm di tích; 55 di tích Quốc gia) đang là sự quan tâm của các cấp, ngành chức năng trong tỉnh.
Du khách thăm Khu di tích lịch sử Quốc gia địa điểm lưu niệm các thanh niên xung phong Đại đội 915 - Đội 91 Bắc Thái, ở phường Gia Sàng (TP. Thái Nguyên)
Đầu tư và tôn tạo
Theo con đường nhựa uốn lượn, chúng tôi tìm về Khu di tích rừng Khuôn Mánh (địa điểm thành lập Đội Cứu quốc quân II ngày 15/9/1941) ở xã Tràng Xá (Võ Nhai). Trong cái nắng Thu vàng ruộm, rừng cây hai bên đường lên, xuống của Khu di tích (gồm 136 bậc) xanh tốt, tỏa bóng mát rượi.
Giờ đây, hình ảnh của khu rừng Khuôn Mánh trơ trụi do bị chặt phá đã không còn nữa mà thay vào đó là tầng tầng, lớp lớp cây xanh. Đáng nói, so với 6 năm trước, Khu di tích đã được xây dựng khang trang hơn rất nhiều. Được công nhận Di tích cấp Quốc gia từ năm 1994, Khu di tích rộng 21ha này đã được Nhà nước đầu tư xây dựng một số hạng mục như: Tượng đài, nhà bia ghi danh các chiến sĩ, bậc thang lên xuống… Tổng số tiền xây dựng là trên 9 tỷ đồng.
Cô giáo Phùng Thị Thu Trang, Trường THCS Chu Văn An (TP. Thái Nguyên), cho hay: Ngoài học tập tốt chương trình trên lớp, tôi mong học sinh của mình thêm yêu quê hương qua những chuyến tham quan các khu di tích lịch sử trong tỉnh. Bởi vậy, rất nhiều lần tôi đã lựa chọn rừng Khuôn Mánh là điểm đến để giáo dục truyền thống cho các em. Tôi rất vui khi Khu di tích này đã được đầu tư tôn tạo và bảo vệ.
Ngoài Khu di tích rừng Khuôn Mánh, Khu di tích lịch sử Quốc gia địa điểm lưu niệm 60 thanh niên xung phong Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái hy sinh tại Lưu Xá, phường Gia Sàng (TP. Thái Nguyên), cũng được quan tâm đầu tư nâng cấp, cải tạo với các hạng mục như nhà tưởng niệm, lầu chuông, lầu khánh cùng nhiều công trình phụ trợ khác nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách trong và ngoài tỉnh. Dù hai năm qua, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng Khu di tích vẫn có đông đảo du khách đến tham quan. Chỉ riêng 8 tháng qua, Khu di tích đã đón trên 530 đoàn với hơn 65 nghìn lượt khách tham quan…
Bên cạnh 2 di tích nêu trên, thời gian qua, Thái Nguyên cũng đã tôn tạo, nâng cấp một số di tích như: Địa điểm Trường đảng Nguyễn Ái Quốc, xã Bình Thành (Định Hóa); Địa điểm lịch sử cách mạng xã Tiên Phong, TP. Phổ Yên (tu bổ địa điểm nhà ông Ngô Hải Long và nhà bà Lưu Thị Phận)…
Riêng 6 tháng đầu năm, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã báo cáo, tham mưu UBND tỉnh trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch điều chỉnh mở rộng diện tích khoanh vùng các khu vực bảo vệ Di tích địa điểm Trường đảng Nguyễn Ái Quốc. Cùng với đó là trình UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh mở rộng diện tích khoanh vùng khu vực di tích Quốc gia đối với địa điểm thành lập Đội Cứu quốc quân II ngày 15/4/1941 (rừng Khuôn Mánh). Đồng thời thông báo danh mục lập hồ sơ khoa học để xếp hạng di tích năm 2022 (đã thực hiện hoàn thành 2 hồ sơ trích ngang di tích Quốc gia; 3 hồ sơ di tích cấp tỉnh); ban hành kế hoạch triển khai công tác kiểm kê di tích trên địa bàn…
Từ năm 2016 đến nay, Thái Nguyên đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng từ nhiều nguồn khác nhau để đầu tư, tôn tạo các di tích cấp Quốc gia. Từ đó góp phần không nhỏ trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị di tích trên địa bàn.
Quảng bá và thu hút
Mặc dù đã được đầu tư, tu bổ nhưng một số di tích cấp Quốc gia trên địa bàn tỉnh chưa thu hút được đông đảo du khách đến tham quan. Đơn cử như Khu di tích lịch sử rừng Khuôn Mánh, mỗi năm, thường chỉ có một vài đoàn người đến tham quan vào dịp 22-12 (Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam) hằng năm. Hay như Khu di tích lịch sử Quốc gia 27/7 (thị trấn Hùng Sơn - Đại Từ) cũng chỉ có các đoàn cán bộ của tỉnh hoặc một số du khách đến tham quan, thắp hương tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ vào Ngày Thương binh, Liệt sĩ (27/7) hoặc dịp ngày lễ, Tết hằng năm…
Bởi vậy, cùng với đầu tư, tôn tạo, việc quảng bá hình ảnh, ý nghĩa lịch sử của các khu di tích Quốc gia nhằm thu hút du khách đến tham quan đang được Thái Nguyên đẩy mạnh. Việc quảng bá được thực hiện đa dạng, phong phú, qua các phương tiện thông tin đại chúng; tại các hội chợ thương mại - du lịch trong và ngoài tỉnh...
Ông Nguyễn Ngọc Tuân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cho biết: Trong khuôn khổ Hội chợ Thương mại - Du lịch tỉnh Tuyên Quang năm 2022 vừa tổ chức vào đầu tháng 9, Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch tỉnh đã tham gia 2 gian hàng quảng bá với chủ đề “Du lịch Thái Nguyên - Vùng đất huyền thoại”. Tại gian hàng, các cán bộ của đơn vị đã trực tiếp giới thiệu, cung cấp thông tin về du lịch Thái Nguyên, các tour du lịch nội tỉnh trọn gói với giá ưu đãi hấp dẫn đến du khách, thông qua pano hình ảnh, video clip, ấn phẩm du lịch, standee, hashtag... Trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP gắn với du lịch của tỉnh như: Chè Tân Cương, miến Việt Cường, bánh chưng Bờ Đậu và một số sản phẩm dược liệu khác...
Bên cạnh việc quảng bá, các địa phương trong tỉnh cũng nên phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị di tích, đẩy mạnh hoạt động trải nghiệm, hành trình về nguồn tại các địa danh lịch sử. Đồng thời nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phát huy vai trò của nhân dân trong phát triển du lịch.
Cùng với đó, để bảo tồn, bảo vệ và phát huy giá trị các khu di tích Quốc gia thì Thái Nguyên nên tiếp tục tạo mọi điều kiện để thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế, kinh nghiệm đầu tư phát triển du lịch vào địa phương. Qua đó sẽ kết nối giữa các điểm du lịch sinh thái với các khu di tích Quốc gia… để xây dựng các tour, tuyến du lịch đáp ứng nhu cầu của du khách.
Tùng Lâm