logo
title

Nâng tầm Công viên địa chất Non nước Cao Bằng

Cập nhật ngày: 28/09/2022
Với sự nỗ lực thực hiện các khuyến nghị của chuyên gia Công viên địa chất (CVĐC) Toàn cầu UNESCO, sau 4 năm (24/11/2018 - 9/2022) đi vào hoạt động, CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng đã triển khai hiệu quả công tác bảo vệ, phát huy nâng tầm các giá trị di sản CVĐV, nâng tầm CVĐC Non nước Cao Bằng đến gần hơn với cộng đồng quốc tế.
 
Đoàn chuyên gia mạng lưới Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO khảo sát tái thẩm định cảnh quan làng hương Phja Thắp, xã Phúc Sen (Quảng Hòa), Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng
 
Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân
 
CVĐC Non nước Cao Bằng có kiến tạo địa chất trên 500 triệu năm của vỏ trái đất với hơn 130 di sản địa chất độc đáo, đa dạng diện mạo địa hình, cảnh quan đá vôi phong phú, hệ thống hang động, sông, hồ, thác nước, nhiều loại hóa thạch, trầm tích biển, đá núi lửa, khoáng sản, cảnh quan đá vôi... Nơi đây đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Dao, Mông, Kinh, Sán Chỉ, Lô Lô… quần cư sinh sống từ nghìn năm, hình thành văn hóa bản địa phong phú, đặc sắc.
 
Để bảo vệ và phát huy giá trị di sản CVĐC, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), Ban Quản lý CVĐC Non nước Cao Bằng triển khai các nội dung khuyến nghị của tổ chức UNESCO, mạng lưới CVĐC Toàn cầu UNESCO. Phó Giám đốc Sở VHTTDL, Trưởng Ban Quản lý CVĐC Non nước Cao Bằng Trương Thế Vinh cho biết: CVĐC Non nước Cao Bằng sau khi được UNESCO công nhận là CVĐC toàn cầu, nhiệm vụ quan trọng nhất là bảo vệ và phát huy  các giá trị di sản CVĐC. Ban Quản lý tham mưu Sở VHTTDL, UBND tỉnh xây các chương trình, nội dung tuyên truyền, nâng cao nhận thức nhân dân về bảo vệ và phát huy giá trị CVĐC, phát triển du lịch bền vững, hợp tác quốc tế… với nhiều hoạt động đa dạng, hiệu quả.
 
Sở VHTTDL phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức tuyên truyền, giáo dục kiến thức di sản CVĐC cho hàng nghìn lượt học sinh THCS, THPT; nhà trường tổ chức cho học sinh hoạt động ngoại khóa, đi thực tế 3 tuyến CVĐC, thi tìm hiểu về CVĐC, triển khai mô hình “Câu lạc bộ cùng em khám phá CVĐC”; tổ chức Cuộc thi “Tìm kiếm Đại sứ CVDC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng” cho học sinh 87 trường tham gia. Qua cuộc thi, học sinh thể hiện sự hiểu biết sâu sắc, đam mê tìm hiểu về CVĐC, lan tỏa và tuyên truyền về CVĐC trong cộng đồng. Phối hợp Đoàn Thanh niên các cấp tổ chức lao động tình nguyện dọn dẹp vệ sinh môi trường điểm di sản CVĐC Mắt Thần núi, điểm cầu gối Bazan đèo Mã Phục, bãi san hô cổ Lang Môn, điểm ngắm cảnh lưng rồng Nguyên Bình...
 
Em Nông Thị Hương, học sinh lớp 8A, Trường THSC Cao Bình (Thành phố) bộc bạch: Được tham gia trải nghiệm 3 tuyến trong CVĐC, em tự hào quê hương mình có nhiều giá trị di sản CVĐC tầm cỡ quốc tế. Qua đó, em nhận thấy phải có trách nhiệm tuyên truyền, quảng bá nâng cao nhận thức cho bạn bè, gia đình, tổ dân phố về niềm tự hào và ý thức bảo vệ, gìn giữ di sản CVĐC.
 
Người dân, đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch trong vùng CVĐC được tập huấn, hỗ trợ, tư vấn bảo vệ giá trị di sản địa chất gắn với bảo tồn không gian kiến trúc, làng nghề, ẩm thực, dân ca dân vũ, phát triển du lịch cộng đồng, tạo sinh kế cho người dân. Chị Hoàng Lan, chủ Homestay Lan’Nùng, xã Đàm Thủy (Trùng Khánh) chia sẻ: Khi được tham gia tập huấn tuyên truyền về CVĐC, nghe các chuyên gia UNESCO tư vấn, tôi đã đưa văn hóa dân tộc Nùng từ kiến trúc nhà sàn, ẩm thực, cưỡi ngựa ngắm cảnh sông Quây Sơn để làm dịch vụ homestay, thu hút khách nước ngoài đến trải nghiệm.
 
Bảo vệ và phát huy giá trị di sản địa chất
 
Sở VHTTDL phối hợp với các sở, ban, ngành khảo sát thực địa, thẩm định chuyên ngành 11 dự án khai thác mỏ, vật liệu xây dựng, 14 dự án xây dựng liên quan đến điểm di sản CVĐC. Bảo tồn, nâng cấp, bổ sung một số điểm di sản theo chuyên gia UNESCO tư vấn như: điểm di sản địa chất đá Granit Phja Oắc, mỏ vonfram Bản Ỏ (Nguyên Bình); làng dệt thổ cẩm Luống Nọi, cảnh quan Kéo Yên và cúc đá Lũng Luông (Hà Quảng); mỏ nước thần bản Lũng Sạng, xã Hồng Quang, làng làm giấy bản xóm Dìa Trên, xã Phúc Sen (Quảng Hòa); vườn hạt dẻ Bản Khấy, Thủy điện Thong Gót - Nà Sơn, “Homestay Ngựa của dân tộc Nùng” (Trùng Khánh).
 
Nâng cấp một số điểm di sản CVĐC gồm: Xây dựng các biển chỉ dẫn, bãi đỗ xe, biển thông tin tại các điểm di sản; triển khai Dự án “Nâng cấp các trung tâm thông tin, trưng bày CVĐC; xây dựng điểm chụp ảnh “checkin”, giới thiệu giá trị di sản địa chất tại điểm di sản san hô cổ Lang Môn (Nguyên Bình); cúc đá Lũng Luông (Hà Quảng); Mắt Thần núi, đèo gối Bazan Mã Phục. Đầu tư xây dựng tuyến CVĐC thứ 4 (thành phố Cao Bằng - Thạch An - Quảng Hòa) với 15 điểm di sản và đối tác; xây dựng tuyến thứ 5 huyện Bảo Lâm - Bảo Lạc nối CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng với CVĐC Toàn cầu UNESCO cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang).
 
Theo đồng chí Đàm Đình Đạo, Bí thư Đảng ủy xã Phúc Sen (Quảng Hòa), xã có 3 làng nghề truyền thống, hợp tác xã sản xuất gạch vồ trong vùng di sản CVĐC nên cấp ủy, chính quyền xã thường xuyên quán triệt thực hiện nghiêm khuyến nghị của UNESCO. Qua đó, xã có làng rèn Pác Rằng, hương thơm Phja Thắp, giấy bản Dìa Trên xây dựng điểm du lịch cộng đồng là đối tác của CVĐC Non nước Cao Bằng.
 
“Ban Quản lý CVĐC Non nước Cao Bằng đẩy mạnh truyền thông, quảng bá CVĐC, phát hành thường kỳ bản tin CVĐC, duy trì trang Website CAO BANG GEOPARK song ngữ Tiếng Anh - Việt quảng bá hình ảnh Cao Bằng ra thế giới. Xây dựng mạng lưới đối tác CVĐC và phát triển thương hiệu, sản phẩm CVĐC. Tích cực tham gia các hội thảo, hội nghị, cuộc họp với các quốc gia có CVĐC khu vực châu Á - Thái Bình Dương và quốc tế để học tập, chia sẻ kinh nghiệm quản lý, bảo tồn các di sản địa chất với các CVĐC thành viên. Danh hiệu CVĐC Toàn cầu UNESCO chính là cầu nối để hình ảnh Cao Bằng vươn xa hơn trên trường quốc tế” - Phó Giám đốc Sở VHTTDL, Trưởng Ban Quản lý CVĐC Non nước Cao Bằng Trương Thế Vinh cho biết thêm.
 
Ghi nhận của cộng đồng mạng lưới công viên địa chất toàn cầu UNESCO
 
Sau hơn 4 năm (2018 - 2022) nỗ lực thực hiện khuyến nghị mạng lưới CVĐC Toàn cầu UNESCO, các chuyên gia UNESCO, thành viên mạng lưới CVĐC Toàn cầu đánh giá cao CVĐC Non nước Cao Bằng. Giáo sư Ibrahim Komoo, Phó Chủ tịch, Điều phối viên mạng lưới CVĐC Toàn cầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Phó Chủ tịch mạng lưới CVĐC Toàn cầu UNESCO nhận định: Đến Cao Bằng và qua các hội thảo quốc tế, tôi được biết Ban Quản lý CVĐC Non nước Cao Bằng đã làm tốt công tác tuyên truyền về CVĐC cho học sinh; huy động hàng trăm giáo viên Tiếng Anh địa phương tham gia thuyết minh, tuyên truyền cho khách du lịch trong và ngoài nước. Các cấp, ngành Cao Bằng  quan tâm bảo tồn và phát huy các giá trị di sản để phát triển du lịch.
 
Từ tháng 5 - 8/2022, Đoàn chuyên gia mạng lưới CVĐC Toàn cầu UNESCO đến kiểm tra tái thẩm định 3 tuyến CVĐC Non nước Cao Bằng đã ghi nhận nỗ lực, sáng tạo của chính quyền các cấp, thực hiện trên 84% công việc thuộc khuyến nghị của UNESCO. Đồng thời, đóng góp thêm nhiều ý kiến về bảo vệ, nâng tầm giá trị di sản CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng phát triển hơn.
 
Với nỗ lực thực hiện các khuyến nghị của UNESCO, mạng lưới CVĐC Toàn cầu UNESCO, CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng được chuyên gia UNESCO đánh giá cao, nâng tầm ảnh hưởng với cộng đồng quốc tế. Ông Trương Thế Vinh cho biết: Mới đây, tại sự kiện Hội nghị Quốc tế lần thứ 7 của mạng lưới CVĐC Toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương diễn ra tại CVĐC Toàn cầu UNESCO Satun (Thái Lan), Đoàn đại biểu tỉnh Cao Bằng, Ban Quản lý CVĐC Non nước Cao Bằng đã tham dự cuộc họp Ủy ban cố vấn của mạng lưới CVĐC Toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trình bày hồ sơ trước Ủy ban về việc đăng cai Hội nghị Quốc tế lần thứ 8 của mạng lưới CVĐC toàn cầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Cao Bằng năm 2024, được 100% thành viên Ủy ban bỏ phiếu đồng thuận. Tin vui này thể hiện mạng lưới CVĐC Toàn cầu UNESCO tín nhiệm, đánh giá cao nỗ lực của Cao Bằng thực hiện các khuyến nghị của UNESCO về bảo vệ di sản CVĐC. Đây là cơ hội để quảng bá hình ảnh CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng đến gần hơn với cộng đồng quốc tế.  
 
Hồng Xiêm
Báo Cao Bằng điện tử - baocaobang.vn