Nằm ở phía Ðông Bắc của Tổ quốc, vẻ đẹp nguyên sơ của núi rừng Cao Bằng lưu giữ nhiều giá trị địa chất độc đáo. Trải nghiệm tuyến phía Bắc "Hành trình về nguồn cội" trong vùng Công viên địa chất Non nước Cao Bằng, du khách sẽ được tìm hiểu nhiều cảnh quan và dấu tích còn lại của vùng đất địa đầu Tổ quốc, nơi lưu giữ những giá trị lịch sử cách mạng Việt Nam và nhiều giá trị văn hóa, cảnh quan tuyệt đẹp.
Du khách chụp ảnh lưu niệm tại Vườn đá Hoàng Tung (Hòa An)
Mở đầu trong tuyến phía Bắc "Hành trình về nguồn cội" của Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, du khách có thể đến đền Vua Lê. Nằm ở xã Hoàng Tung (Hòa An), Đền Vua Lê cách trung tâm thành phố Cao Bằng khoảng 12 km. Đền thờ vua Lê Thái Tổ (tức Lê Lợi Cao Hoàng đế), đền nằm trong quần thể di tích thành Na Lữ. Trong thành có 4 gò đất nổi lên được đặt tên là Long, Ly, Quy, Phượng. Đền Vua Lê dựng trên gò Long (gò rồng). Theo truyền thuyết và những tư liệu lịch sử, thành Na Lữ do Cao Biền (Tiết Độ sứ thời nhà Đường) xây dựng. Sau này, nơi đây lại là "kinh đô" của nước Trường Sinh do Nùng Tồn Phúc (cha của Nùng Trí Cao) tự xưng là Chiêu Thánh Hoàng đế; là cung điện của 3 đời nhà Mạc. Đến năm 1682 (năm Chính Hòa thứ 3 đời vua Lê Hy Tông), quan trấn thủ Cao Bằng là Lê Văn Hải đã tâu xin vua cho sửa chữa thành Na Lữ làm đền thờ vua Lê Thái Tổ, lấy áo bào và thanh kiếm thờ ở chỗ ngai vàng.
Trong nhiều di sản địa chất mà Công viên địa chất Non nước Cao Bằng đang sở hữu có những di sản kép, vừa là di sản địa chất vừa là di sản di tích lịch sử cách mạng Việt Nam, đó là hang Ngườm Slưa, Ngườm Bốc (Hòa An) là 2 hang đá vôi lớn. Lịch sử cổ đại cũng như cận đại của hai hang Ngườm Slưa, Ngườm Bốc đều mang dấu ấn che chở cho hoạt động sống của con người khi cả hai giá trị địa chất và lịch sử cách mạng đều đang được bảo tồn và phát huy. Đây cũng là những điểm du lịch cần đến trong hành trình khám phá Cao Bằng.
Hang Ngườm Slưa phát triển trong khối đá vôi hình thành trong điều kiện biển nông và ấm, cách đây khoảng 270 - 360 triệu năm. Khu vực cửa hang còn lưu giữ dấu vết hai bậc thềm sông, minh chứng cho hoạt động nâng của khu vực này trong giai đoạn tân kiến tạo. Theo truyền thuyết của người Tày, Ngườm Slưa là hang đá mà chàng Pú Luông đánh nhau với hổ để bảo vệ cuộc sống bình yên của gia đình. Ngườm Slưa là nơi in Báo Cờ Đỏ (1932-1933), cơ sở hoạt động cách mạng từ năm 1932-1936. Năm 1995, Ngườm Slưa được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia.
Hang Ngườm Bốc (Hang khô) là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử về hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ cuối tháng 3 - 8/1942, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh chuyển từ Pác Bó về căn cứ địa ở Lam Sơn để chỉ đạo cách mạng. Ngườm Bốc cũng là nơi Xưởng quân giới Lê Tổ ở và làm việc trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Các nhà khảo cổ học còn tìm thấy ở Ngườm Bốc nhiều di chỉ cho thấy đây từng là nơi cư trú của người tiền sử sơ kỳ đá mới, tương đương với Văn hóa Hòa Bình sớm, cách ngày nay khoảng 10.000 năm. Trong truyền thuyết nổi tiếng Pú Luông - Slao Cải của người Tày, Ngườm Bốc là nơi cư trú đầu tiên của hai nhân vật này ở đất Cao Bằng. Về mặt địa chất, hang Ngườm Bốc phát triển trong đá vôi hình thành trong điều kiện biển nông và ấm cách đây khoảng 360 - 270 triệu năm (kỷ Carbon-Permi). Ở cửa hang còn thấy rõ dấu vết của thềm và dòng chảy cổ, chứng tỏ đã bị nâng lên trong giai đoạn tân kiến tạo. Năm 2004, hang Ngườm Bốc được công nhận là di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia.
Công viên địa chất Non nước Cao Bằng là một vùng đất hiếm có, nơi chúng ta có thể tìm hiểu lịch sử trên 500 triệu năm của trái đất qua các dấu tích còn sót lại. Các hóa thạch, trầm tích biển, đá núi lửa, khoáng sản, đặc biệt là những cảnh quan đá vôi là những minh chứng tuyệt vời cho sự tiến hóa và thay đổi của trái đất.
Vườn đá Hoàng Tung (Hòa An), nơi dấu tích của một vùng biển đã biến mất không chỉ tồn tại trong các hóa thạch, dấu tích của đáy biển kết hợp với hoạt động núi lửa ngầm còn để lại rõ nét. Những chỏm đá vôi nhọn cao trên 20 m, rộng trên 10 m. Phủ lên trên là màu nâu đỏ của trầm tích lục nguyên và phun trào trẻ hơn của hệ tầng Sông Hiến. Ở đây có những khối đá vôi được rửa lũa, ăn mòn một cách đặc biệt. Vườn đá Hoàng Tung phản ánh một giai đoạn trong lịch sử phát triển địa chất lâu dài của khu vực, không chỉ có giá trị cảnh quan mà còn có giá trị về mặt khoa học. Tách giãn lục địa tạo rift nội lục xảy ra trong kỷ Trias, cách đây khoảng 250 triệu năm, làm xuất hiện nhiều núi lửa ngầm dưới biển và lắng đọng trầm tích, hình thành nên các đá lục nguyên - núi lửa phủ lên trên đá vôi cổ hơn. Các đá trầm tích - núi lửa này là cơ sở để các nhà khoa học khẳng định về sự tồn tại của rift nội lục kể trên. Các quá trình phong hóa, hòa tan, rửa lũa, xâm thực, bóc mòn... trong điều kiện lục địa cách ngày nay khoảng 5 triệu năm đã bóc đi một phần tầng đá phía trên trong khi nước ngấm từ trên mặt đất xuống dưới theo các khe nứt trong đá vôi bị dập vỡ mạnh tạo nên những cột đá như ngày nay. Những nét độc đáo kể trên không chỉ có giá trị về cảnh quan mà còn rất có ý nghĩa khoa học, cho chúng ta một cái nhìn sâu sắc về một vùng đất có lịch sử hàng trăm triệu năm.
Tiếp cuộc hành trình, đến xóm Lũng Luông, xã Lũng Nặm (Hà Quảng). Nhìn những dãy núi trập trùng ở đây ít ai có thể hình dung ra rằng cách đây khoảng 400 triệu năm, khu vực này từng là đáy biển. Tại đây hiện còn nhiều di sản địa chất với những điểm hóa thạch cụm sinh như tay cuộn, trùng thoi, cúc đá… Cúc đá là tên một nhóm sinh vật biển thân mềm đã bị tuyệt chủng, những loài cúc đá cổ nhất xuất hiện trong Kỷ Đê vôn, cách ngày nay khoảng 400 triệu năm. Trong khoa học địa chất, hóa thạch cúc đá rất có giá trị định tuổi các tầng, lớp đá chứa chúng vì những giống, loài cúc đá cụ thể thường chỉ sống trong những khoảng thời gian nhất định.
Một điểm không thể bỏ qua trong cuộc hành trình trải nghiệm tuyến phía Bắc đó là Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó (Hà Quảng). Tại đây, du khách được chiêm ngưỡng một vùng núi non với nhiều địa danh nổi tiếng như suối Lê-Nin, hang Cốc Bó… Đây là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn làm căn cứ địa lãnh đạo cách mạng (giai đoạn 1941-1945) sau hơn 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước. Trải qua 81 năm, nơi đây vẫn luôn lưu giữ nguyên vẹn những chứng tích về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Người.
Đến tham quan, trải nghiệm nơi đây, du khách không chỉ có cơ hội tìm hiểu một giai đoạn quan trọng trong cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cách mạng Việt Nam mà còn được chiêm ngưỡng bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp. Suối Lê-Nin trong vắt như một dải lụa uốn lượn dưới chân núi Các Mác hùng vĩ. Dòng suối hiền hòa xanh màu ngọc bích tuôn chảy từ đầu nguồn Pác Bó. Trong những ngày sống và làm việc tại đây, dấu chân Bác đã in khắp chốn. Du khách ấn tượng với hang Cốc Bó, nơi tấm phản gỗ Bác nằm nghỉ, còn đó với bếp lửa sưởi ấm hang lạnh hay bàn đá nơi Bác ngồi làm việc, tảng đá Bác ngồi câu cá... Ngoài các điểm di tích ngoài trời, du khách có thể dâng hương tại Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh; tham quan nhà trưng bày để hiểu rõ hơn về phong trào cách mạng của Cao Bằng, cũng như quá trình lãnh đạo cách mạng của Bác sau khi trở về nước thông qua lời thuyết minh của hướng dẫn viên tại khu di tích.
Với trải nghiệm tuyến phía Bắc "Hành trình về nguồn cội", du khách đến với Cao Bằng sẽ được khám phá toàn cảnh những đặc trưng cơ bản về công viên địa chất và trải nghiệm văn hóa bản địa. Bên cạnh cảnh quan hữu tình, du khách còn được đến với làng nghề truyền thống, thưởng thức những món ăn nổi tiếng của người Tày, Nùng… Cuộc sống dân dã, thanh bình hòa quyện trong khung cảnh trời mây chắc chắn sẽ khiến cho du khách muốn sống chậm lại để được tận hưởng những giây phút quý giá của vùng Non nước Cao Bằng.
Diệu Hoa