Liên kết và xúc tiến quảng bá là một trong những giải pháp được tập trung để thúc đẩy sự phát triển du lịch. Tại Cần Thơ, hoạt động này luôn được quan tâm với nhiều giải pháp lan tỏa hình ảnh và thương hiệu du lịch thành phố.
Cần Thơ cùng Cụm hợp tác du lịch phía Tây ĐBSCL quảng bá tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa: Trung tâm Phát triển Du lịch Cần Thơ
Ông Nguyễn Hoàng Ơn, Giám đốc Trung tâm Phát triển Du lịch TP Cần Thơ, cho biết: “Hoạt động xúc tiến quảng bá và liên kết du lịch luôn được chú trọng trong nhiều năm qua. Chúng tôi không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả và tính chuyên nghiệp trong công tác này, từng bước xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch Cần Thơ kết nối với các tỉnh, thành bạn và du khách quốc tế”. Theo đó, hoạt động xúc tiến, quảng bá luôn được xây dựng kế hoạch, định hướng mỗi năm và tập trung cho những thị trường trọng điểm theo từng giai đoạn phù hợp.
Các chương trình, kế hoạch này đều bám sát các nội dung của Nghị quyết về phát triển du lịch của Trung ương và TP Cần Thơ; chương trình, chiến lược phát triển du lịch gắn với xúc tiến, quảng bá và thực hiện đồng bộ các giải pháp về phát triển du lịch của thành phố. Từ đó, các hoạt động xúc tiến, quảng bá đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch tiếp cận nhiều đối tượng khách hàng, đối tác; liên kết, hợp tác, mở rộng thị trường; giới thiệu sản phẩm, dịch vụ đến du khách trong nước và quốc tế.
Với chủ đề “Cần Thơ - Ðô thị miền sông nước”, du lịch Cần Thơ kết nối và tổ chức nhiều hoạt động, hội nghị, hội thảo quảng bá tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, Ðà Nẵng… Theo đó, các sản phẩm du lịch, đặc sản địa phương, như: dâu hạ châu, cam mật, măng cụt, rượu mận, bánh tét lá cẩm, các sản phẩm từ làng nghề đan đát Thới Lai, Cái Răng… đều được mang theo để quảng bá đến các địa phương. Ông Nguyễn Hoàng Ơn, Giám đốc Trung tâm Phát triển Du lịch TP Cần Thơ, thông tin: “Trong năm 2022 chúng tôi tập trung thị trường nội địa, đồng thời cũng chuẩn bị kết nối trở lại thị trường quốc tế. Sắp tới, chúng tôi có một số hoạt động quảng bá nổi bật, như tổ chức chuyến xúc tiến quảng bá tại Hà Nội vào tháng 10, tham gia Ngày hội Văn hóa - Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer Nam Bộ lần thứ VIII và Lễ hội Ok Om Bok - Ðua ghe ngo Sóc Trăng lần thứ V, khu vực ÐBSCL vào tháng 11. Bên cạnh đó, Cần Thơ cũng có chuyến quảng bá tại Lễ hội biển tại vào tháng 11 theo lời mời ngoại giao của Campuchia”.
Theo đó, các thị trường nội địa Cần Thơ xác định tập trung là: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Ðà Nẵng, Hải Phòng… Ðây cũng là những thị trường có đường bay trực tiếp hoặc trung tâm du lịch của vùng. Cần Thơ được xem là trung tâm vận chuyển của ÐBSCL qua kết nối đường hàng không. Hiện thành phố cũng được Bộ Giao thông vận tải và Cục Hàng không Việt Nam quan tâm xây dựng Ðề án tăng cường khai thác các chuyến bay đi/đến Cảng Hàng không Quốc tế Cần Thơ. Hiện Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ có kết nối với các đường bay nội địa từ Cần Thơ đến: Hà Nội, Phú Quốc, Côn Ðảo, Thanh Hóa, Nghệ An, Lâm Ðồng, Hải Phòng, Ðà Nẵng.
Ðối với thị trường quốc tế, Cần Thơ hiện xác định trọng điểm các thị trường khách Thái Lan, Nhật Bản, Campuchia, Úc, Pháp, Mỹ… Hiện nay đang chuẩn bị mở lại các đường bay quốc tế từ Cần Thơ đến Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc, Ðài Loan; đồng thời tăng cường khai thác các chuyến bay nội địa, quốc tế đến Cảng Hàng không Quốc tế Cần Thơ. Trên cơ sở này, ngành Du lịch Cần Thơ cũng có những định hướng về thị trường khách quốc tế trọng điểm trong năm 2023 và các năm tiếp theo là Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Ðức…
Một trong những nét nổi bật trong hoạt động xúc tiến, quảng bá của du lịch Cần Thơ là liên kết quảng bá và phát triển du lịch với các tỉnh, thành. Theo đó, Cần Thơ ký kết, hợp tác về du lịch với hơn 20 tỉnh, thành, như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Ðà Nẵng, Phú Yên, Thanh Hóa, Nghệ An, Hải Phòng, Quảng Ninh… Từ đó góp phần tạo nhiều thuận lợi trong công tác xúc tiến quảng bá của địa phương. Qua các liên kết hợp tác về du lịch, Cần Thơ và các địa phương có thể hỗ trợ qua lại về thông tin, các hoạt động xúc tiến quảng bá cũng như trao đổi, kết nối về thị trường nguồn khách.
Du lịch Cần Thơ còn phát triển đa dạng hình thức và nội dung kết nối quảng bá. Tiêu biểu là theo cụm, khu vực như: hợp tác phát triển du lịch TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ÐBSCL, hợp tác du lịch giữa cụm phía Tây ÐBSCL, hợp tác du lịch theo cụm tứ giác giữa Cần Thơ, Kiên Giang, An Giang và Cà Mau…Trên cơ sở này, các địa phương có thể tham gia gian hàng chung quảng bá tại các sự kiện du lịch quốc gia, quốc tế. Ngoài ra, Cần Thơ cũng phối hợp, kết nối với Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Hiệp hội Du lịch ÐBSCL, Hiệp hội Du lịch Cần Thơ để tham gia các hoạt động xúc tiến quảng bá ở thị trường miền Bắc, miền Trung, Tây Nguyên và quốc tế.
Ngành Du lịch Cần Thơ cũng đang tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin. Vì đây được xem là giải pháp phù hợp, thích ứng với tình hình hiện tại để đẩy mạnh quảng bá, tiếp cận đa dạng thị trường, thúc đẩy phát triển du lịch địa phương. Hiện ngành Du lịch thành phố đang xây dựng chức năng thuyết minh tự động trên nền tảng app mobile, sách điện tử giới thiệu về ẩm thực, di tích văn hóa lịch sử, các trải nghiệm hình ảnh 3D (VR360) ở các điểm du lịch. Cần Thơ cũng có liên kết với 53 cổng thông tin về du lịch của các tỉnh, thành trên cả nước. Qua đó hỗ trợ thông tin về các điểm đến, sản phẩm du lịch, dịch vụ du lịch giữa các địa phương.
Các hoạt động liên kết và xúc tiến, quảng bá du lịch Cần Thơ đang được tăng cường và đổi mới với những hình thức đa dạng qua nhiều kênh, phương thức nhằm tiếp cận du khách nhanh nhất, cũng như định hướng các thị trường tiềm năng hiệu quả.
Ái Lam