Trong thời đại số, các ứng dụng công nghệ như hệ thống thông tin địa lý GIS (Geographic Information System), mã quét QR, hoặc xây dựng các video clip, ảnh 360 độ, thuyết minh tự động... giúp đưa di sản đến gần hơn với công chúng.
Chỉ bằng một thiết bị nhỏ gọn là điện thoại di động có kết nối internet, mọi thông tin thú vị và quan trọng về các điểm tham quan, du lịch sẽ nhanh chóng được truyền tải tới du khách. Điều đó không đồng nghĩa với việc công nghệ sẽ thay thế hoạt động trải nghiệm thực tế tại di sản mà công nghệ số trở thành trợ thủ đắc lực giúp khách tham quan cảm nhận các giá trị của điểm đến một cách trọn vẹn hơn. Số hóa điểm đến đang trở thành nhu cầu phổ biến và được ưa chuộng trong mục tiêu phát triển du lịch thông minh.
Khách du lịch trẻ hào hứng trải nghiệm ứng dụng mã quét QR tại di tích Văn Miếu Bắc Ninh
Dựa vào thông tin, hình ảnh trên các nền tảng số mà nhiều khách thập phương biết đến những điểm du lịch, di tích của Bắc Ninh. Tham quan di tích Văn Miếu Bắc Ninh vào ngày cuối tuần, một bạn trẻ đến từ thành phố Hà Nội cho biết, trước đây bạn chỉ biết có Văn Miếu Quốc Tử Giám nhưng một lần lướt mạng facebook biết rằng ở Bắc Ninh cũng có di tích thờ Khổng Tử và các bậc đại khoa nên đã rủ bạn cùng sang tham quan, tìm hiểu. Mặc dù không đặt lịch trước với thuyết minh viên nhưng khi đến di tích, nhờ thông tin từ mã quét QR, các bạn vừa được thoải mái trải nghiệm vừa dễ dàng tiếp cận đầy đủ thông tin quan trọng về giá trị di tích cũng như các bảo vật, hiện vật đang lưu giữ tại đây.
Không bỏ lỡ cơ hội gia nhập “cuộc chơi” số hóa, năm 2018, Bắc Ninh đầu tư gần 440 triệu đồng để triển khai ứng dụng GIS, tạo công cụ tra cứu thông tin du lịch trên địa bàn tỉnh, hỗ trợ việc tìm kiếm thông tin của khách du lịch. Ứng dựng GIS được thiết kế và xây dựng hoàn chỉnh bộ cơ sở dữ liệu về du lịch bao gồm các lớp dữ liệu nền và các lớp dữ liệu chuyên đề du lịch của Bắc Ninh; dữ liệu về các địa điểm tham quan du lịch, tuyến du lịch; dữ liệu về các dịch vụ lưu trú, dịch vụ ăn uống. Hiện nay, ứng dụng này đang được tích hợp, bổ sung thông tin vào cổng du lịch thông minh…
Năm 2019, tỉnh tiếp tục đầu tư gần 700 triệu đồng xây dựng Cổng thông tin du lịch thông minh tỉnh Bắc Ninh. Cổng được triển khai ứng dụng trên các thiết bị truy cập mạng internet bằng hai ngôn ngữ Việt, Anh và tích hợp trên nền tảng các mạng xã hội. Cổng có đầy đủ các tính năng hữu ích cho du khách, đơn vị kinh doanh du lịch và cơ quan quản lý Nhà nước. Người dùng có thể truy cập tại địa chỉ https://bacninhtourism.vn hoặc có thể tải App “Bac Ninh tourism” về cài đặt sử dụng dành cho thiết bị di động, máy tính bảng, tương thích với hệ điều hành Android và IOS.
Báo cáo kinh nghiệm chuyển đổi số của Sở Thông tin và Truyền thông cho thấy, với một thiết bị công nghệ cầm tay có kết nối internet, du khách dễ dàng trải nghiệm kho video về du lịch, các điểm đến, đặc biệt là ứng dụng tư vấn thông tin du lịch dựa vào tính năng tự động xác định địa điểm qua định vị, tư vấn lịch trình, chỉ đường, gợi ý các địa điểm ăn uống, khách sạn, nhà hàng, sự kiện nổi bật, dịch vụ ngân hàng, y tế, phương tiện di chuyển... Việc đưa Cổng du lịch thông minh vào hoạt động chính thức, bước đầu cho thấy hiệu quả tương tác của du khách để tìm kiếm thông tin về du lịch Bắc Ninh được dễ dàng và chính xác hơn, góp phần đa dạng hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch của tỉnh.
Với quan điểm khai thác tối đa các lợi thế về giá trị di sản văn hóa, bản sắc văn hóa và con người Bắc Ninh-Kinh Bắc để tạo ra các sản phẩm du lịch đặc trưng, có chất lượng cao, gia tăng tính hấp dẫn và tính bền vững của sản phẩm du lịch, đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu kinh tế, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội của Bắc Ninh. Một trong những định hướng phát triển du lịch Bắc Ninh trong những năm tiếp theo là số hóa các điểm đến và sản phẩm du lịch; xây dựng bản đồ du lịch số và hệ thống thuyết minh tự động (Audio Guide) qua thiết bị di động thông minh và đặt tại các điểm du lịch, điểm di tích tập trung đông khách du lịch tham quan. Trước mắt sẽ thực hiện thí điểm áp dụng phần mềm hỗ trợ thuyết minh tự động tại 4 di tích quốc gia đặc biệt, lăng và đền thờ Kinh Dương Vương, đình Đình Bảng, làng Diềm...
Đáng chú ý trong thời gian tới, Bắc Ninh sẽ tiếp tục phát triển mở rộng các kênh tiếp thị du lịch số như xây dựng ấn phẩm xúc tiến du lịch điện tử phù hợp với nhu cầu của khách tại thị trường du lịch trọng điểm; nâng cấp và vận hành trang thông tin điện tử du lịch, đảo đảm cung cấp thông tin đầy đủ, hấp dẫn về các điểm đến, các sản phẩm và dịch vụ du lịch; tích hợp ứng dụng hỗ trợ du khách việc đặt và thanh toán dịch vụ du lịch trực tuyến theo nhu cầu cá nhân; tiếp nhận phản hồi và xử lý phản hồi của khách du lịch; triển khai du lịch thông minh, ứng dụng công nghệ mô phỏng thực tế ảo tại các điểm du lịch, kết nối website du lịch Bắc Ninh với các website du lịch trên cả nước và với kênh mạng xã hội: Zalo, Facebook, Twitter, Youtube, Instagram... để nâng cao hiệu quả quảng bá du lịch.
V.Thanh