Nếu trái đất cần sự đa dạng sinh học thì nhân loại rất cần sự đa dạng văn hóa. Bằng sức sáng tạo vô cùng, vô tận, được bồi luyện trong môi trường tự nhiên thuận lợi với tâm hồn phong phú, đa dạng, các thế hệ người dân Bắc Ninh-Kinh Bắc nối tiếp sáng tạo, trao truyền và nuôi dưỡng cho nhân loại một dòng mạch dân ca ngọt ngào, đặc sắc mà càng đi sâu tìm hiểu càng cảm thấy mến phục. Đó là Dân ca Quan họ Bắc Ninh đã được tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 30/9/2009.
Trải qua thời gian với biết bao biến thiên thời cuộc và những thăng trầm lịch sử, vẻ đẹp lấp lánh, những tinh hoa, bản sắc độc đáo của di sản Dân ca Quan họ Bắc Ninh luôn được cộng đồng sáng tạo, bồi đắp, không ngừng sàng lọc “gạn đục khơi trong” và phát triển trong dòng chảy bất tận của đời sống. Sau 13 năm được UNESCO xướng tên vinh danh, không gian và các hình thức diễn xướng Quan họ cổ truyền vẫn được bảo tồn song song với hình thức biểu diễn trên sân khấu. Quan trọng hơn cả là ý thức cộng đồng về giá trị di sản ngày càng sâu sắc. Tình người Quan họ luôn được mọi người nhắc đến ở không gian rộng lớn với lòng mến mộ, trân quý.
Hiện nay, sinh hoạt văn hóa Quan họ không chỉ sôi nổi ở 44 làng Quan họ gốc mà còn phát triển lan tỏa ở 369 làng Quan họ thực hành với hơn 10 nghìn người tham gia, trong đó có 150 làng Quan họ thực hành đã được UBND tỉnh ra quyết định thành lập vào năm 2019. Khắp xóm làng, khu phố miền Quan họ, đâu đâu cũng có những đội, nhóm, CLB Quan họ từ bình dân đến chuyên nghiệp. Số lượng người thực hành Quan họ không ngừng tăng lên, vượt qua ranh giới địa lý Bắc Ninh với hơn 140 câu lạc bộ, hội người yêu dân ca Quan họ ở trong và ngoài nước được hình thành. Quan họ trở thành một đặc sản thuần Việt đãi khách quốc tế khi họ đến Việt Nam và là món ăn tinh thần quen thuộc của người Việt khắp 5 châu.
Để Quan họ có được sức sống, sự phát triển thăng hoa ấy, Bắc Ninh bền bỉ với nhiều chính sách, kế hoạch cũng như các chương trình hành động thiết thực, quan tâm đầu tư toàn diện và đúng hướng. Điểm nhấn nổi bật là việc triển khai thực hiện các Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân ca Quan họ Bắc Ninh giai đoạn 2010-2012”, Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa Dân ca Quan họ Bắc Ninh giai đoạn 2013-2020”; Quy chế xét tặng và chế độ đãi ngộ nghệ nhân; chế độ hỗ trợ nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công và nhân viên phục vụ Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh... Cùng với đó, hàng trăm tỷ đồng được đầu tư xây dựng các thiết chế đặc thù như Nhà hát, Nhà chứa Quan họ, chòi hát đồi Lim nhằm hình thành không gian thực hành, diễn xướng cho các liền anh, liền chị Quan họ…
Công tác tuyên truyền, quảng bá di sản Dân ca Quan họ cũng được Bắc Ninh thực hiện bài bản, có chiến lược và tầm nhìn dựa trên tư duy, cách tiếp cận mới trong phát triển văn hóa. Từ năm 2010, tỉnh định kỳ tổ chức nhiều Festvial “Về miền Quan họ” và các chương trình giao lưu, trao đổi văn hóa với các đoàn nghệ thuật quốc tế như Trung Quốc, Hàn Quốc, Lào, 14 nước Tây Âu và một số quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Hàng năm, tỉnh tổ chức đưa các đoàn nghệ nhân, nghệ sĩ đi biểu diễn, giới thiệu, quảng bá Dân ca Quan họ Bắc Ninh cho cộng đồng người Việt ở nước ngoài và khán giả quốc tế... Qua đó, vừa chủ động hội nhập quốc tế, tăng cường thực hiện đường lối công tác đối ngoại nhân dân của Đảng, Nhà nước trong tình hình mới, vừa quảng bá hình ảnh văn hóa, con người Bắc Ninh ra thế giới.
Hoạt động sưu tầm, chỉnh lý, bảo tồn và nghiên cứu khoa học về Dân ca Quan họ cũng được thực hiện bài bản với hàng trăm bài ca Quan họ được ký âm; hoàn thiện phim tư liệu về 4 hình thức diễn xướng Quan họ truyền thống; hàng chục công trình nghiên cứu chuyên sâu về Quan họ ra đời; nhiều đầu sách về văn hóa Quan họ đã được xuất bản và tái bản; phát hành hàng chục nghìn bản đĩa DVD chương trình “Về miền Quan họ”… Nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian Nguyễn Hùng Vĩ từng đánh giá: “Nếu đem so với các loại dân ca khác, Quan họ được quảng bá với một thời lượng lớn ở trên phương tiện thông tin đại chúng, với rất nhiều tài liệu nghiên cứu, sách vở mà các dân ca khác phải ghen tỵ”.
Đặc biệt, Bắc Ninh là một trong những địa phương đi đầu và hiện là duy nhất của cả nước có cơ chế quan tâm đãi ngộ đối với các chủ thể trực tiếp nắm giữ, thực hành truyền dạy và lan tỏa giá trị di sản. Từ 2010 đến nay, tỉnh đã có 3 lần tổ chức xét tặng và tôn vinh nghệ nhân lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Năm 2013, ban hành và thực hiện cơ chế hỗ trợ “lương” hàng tháng đối với Nghệ nhân Dân ca Quan họ. Năm 2019, tỉnh tiếp tục có thêm cơ chế hỗ trợ kinh phí hoạt động đối với 44 làng Quan họ gốc (mức hỗ trợ 30 triệu đồng/làng/năm) và 150 làng Quan họ thực hành (mức hỗ trợ 20 triệu đồng/làng/năm)...
Thực tế, sức sống và sự hấp dẫn của di sản không phụ thuộc vào cấp độ quy mô hay danh hiệu quốc gia, quốc tế mà phụ thuộc vào nhận thức, trách nhiệm, thái độ và cách ứng xử của con người trong xã hội đương đại. Như trường hợp của di sản Dân ca Quan họ, không phải đợi đến khi UNESCO vinh danh thì Quan họ mới có được sự quan tâm mà chúng ta đã bảo lưu, phát triển trước khi nó được công nhận đồng thời còn ý thức rất rõ những thách thức trong việc bảo tồn và phát triển... Đó cũng là kinh nghiệm về tầm nhìn của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương khi nhận thức đúng về di sản văn hóa là một nguồn lực của sự phát triển bền vững để từ đó nêu cao trách nhiệm trong hành trình nuôi dưỡng, bảo vệ tài sản vô giá mà cha ông đã dày công sáng tạo và trao truyền.
V.Thanh