logo
title

Gắn kết nón lá Huế với du lịch cộng đồng

Cập nhật ngày: 11/11/2022
Nón lá Huế bắt đầu xuất hiện khá dày ở các chương trình du lịch cộng đồng.
 
Nhiều người vẫn giữ nghề nón lá truyền thống
 
Bất ngờ với trải nghiệm nón lá
 
Không khó khi bắt gặp hình ảnh khách du lịch sử dụng nón chống nắng khi tham gia trải nghiệm làng nghề, tham quan di tích... Phụ nữ xem nón lá như phụ kiện để tạo sự duyên dáng khi check-in tuyến đi bộ ven bờ sông Hương, trên cầu Gỗ Lim... Gần đây nhất, nón lá Huế trở thành sản phẩm trải nghiệm ngắm cảnh Cố đô trên xe buýt 2 tầng mui thoáng cho du khách trong và ngoài nước.
 
Từ quảng bá rộng rãi trong cộng đồng, nhiều du khách “tây” có, “ta” có, về tận các làng nghề để “mục sở thị” các công đoạn của nghề làm nón. Du khách bất ngờ, thích thú khi được người thợ nón lưu ảnh, tên của mình trên nón bài thơ và được đem về làm kỷ niệm. Hiện nay, khá nhiều làng nghề nón lá (như Vân Thê, Phú Cam…) và các cơ sở làm nón nghệ thuật trở thành điểm đến tham quan, trải nghiệm trong các tour du lịch, tạo ấn tượng khó quên đối với du khách trong hành trình khám phá Huế.
 
Hiện nay, ngoài nón 3 lớp, nón bài thơ, nón lá kè, các nghệ nhân Huế đã cho ra đời thêm nón lá bàng, nón lá sen, nón Trúc chỉ, tinh tế và đẹp mắt... Từ những chiếc lá bàng rừng tưởng chừng bỏ đi nhưng với bàn tay tài hoa, vợ chồng ông Võ Ngọc Hùng ở phường Kim Long, đã tạo ra những chiếc nón xương lá bàng mới lạ, độc đáo.
 
Còn ở làng Đốc Sơ, thuộc phường An Hòa (Huế) nón sen là ý tưởng của một chàng trai xứ Huế - Nguyễn Thanh Thảo. Sản phẩm nón lá sen đạt giải A cuộc thi “Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo” Thừa Thiên Huế năm 2017. Sản phẩm này không những được người dân TP. Huế đón nhận mà còn vươn ra ngoài biên giới quốc gia đến với du khách của nhiều nước trên thế giới. Cứ mỗi mùa lễ hội, đặc biệt vào dịp Festival Huế và Festival Nghề truyền thống Huế, nón sen làm ra không kịp để bán.
 
Còn đó những thách thức
 
Nón lá Huế là sản phẩm thủ công mỹ nghệ đầu tiên được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý vào tháng 8/2010. Tuy nhiên, nghề làm nón lá ở Huế và những người làm nghề nón đang đứng trước những thách thức, thu nhập thấp và không ổn định nên chỉ còn những người đứng tuổi đeo đuổi vì muốn giữ lại nghề. Giá trị ngày công lao động thấp, trung bình từ 30.000 -50.000đ/ngày. Rất nhiều người đã từ bỏ nghề làm nón.
 
Khảo sát ở làng Mỹ Lam (Phú Vang), trước đây có trên 300 hộ chằm nón, nhưng nay chưa đến 20 chị và phần lớn là người già, neo đơn, tàn tật. Làng nón Phú Hồ (Phú Vang) cũng rơi vào cảnh tương tự khi có thời điểm có đến 800 hộ chằm nón nhưng giờ còn khoảng dưới 15 hộ... Dẫn chứng những con số để thấy, thị trường tiêu thụ nón bài thơ ngay tại tỉnh vẫn chưa ổn định nên làm nhiều cũng khó tiêu thụ. Ngay ở chợ Đông Ba, ngôi chợ đầu mối lớn về buôn bán nón Huế, tỷ lệ nón Huế chỉ chiếm 10 - 40%, còn phần lớn nón lá nhập từ Quảng Bình và Bình Định.
 
Mới đây tại hội thảo “Thực trạng và giải pháp phát triển bền vững nón lá Huế”, nhiều ý kiến cho rằng, cần quy hoạch, phát triển các làng nghề truyền thống làm nón lá, khai thác không gian, cảnh quan văn hóa, hình thành các điểm tham quan, du lịch. Hình thành trung tâm trưng bày, thao diễn nghề làm nón lá gắn với trung tâm trưng bày, trình diễn và may đo áo dài Huế, tạo thành chuỗi sản phẩm văn hóa, du lịch đặc sắc phục vụ khách du lịch. Ngoài ra, cần có các giải pháp hỗ trợ nguồn vốn, khuyến khích tiểu thủ công, xúc tiến thương mại, quảng bá, truyền thông từ nhiều góc độ, quan tâm đào tạo nghề, quan tâm tiếp thị và tìm kiếm đầu ra.
 
Hội Nón lá & những hy vọng
 
Hiện nay, sản xuất và kinh doanh nón lá chỉ là những hộ nhỏ lẻ, để tăng sức mạnh về thị trường và tìm đầu ra, nên chăng cần tập hợp các hộ kinh doanh sản xuất nhỏ thành các tổ hợp hoặc hợp tác xã, tăng cường mở rộng thị trường tiêu thụ không chỉ trong nước mà còn vươn ra thị trường nước ngoài.
 
Bà Phạm Thị Lan, Phó Chủ tịch Hội Nón lá cho rằng, cần quy hoạch lại các quầy nón trong chợ để thu hút khách du lịch đến tham quan, mua sắm. Có các cuộc họp trao đổi giữa người kinh doanh và người sản xuất để kịp thời điều chỉnh mẫu mã theo thị hiếu khách hàng. Chị em tiểu thương nên có ý thức việc quảng bá nón lá Huế, nghề truyền thống, không nên bán các loại nón xuất xứ từ tỉnh, thành khác dưới cái tên nón lá Huế.
 
Huế đã có Hội Nón lá và điều cần làm vào lúc này là hội cần làm đầu mối giúp các hội viên liên kết, phối hợp với các khách sạn, đơn vị lữ hành và điểm du lịch để giới thiệu và bán sản phẩm nón lá làm quà lưu niệm; nghiên cứu các kinh nghiệm kinh doanh để tư vấn các hội viên hình thức hợp tác  đối với các đơn vị du lịch. Cần liên kết (ký thỏa thuận hợp tác) với Ban quản lý các chợ trên địa bàn TP. Huế, nhất là chợ Đông Ba, để vận động các tiểu thương kinh doanh hàng nón ưu tiên mua/nhận hàng từ các hội viên của hội. Đồng thời, cam kết đảm bảo chất lượng tốt, giá cả ổn định đối với các sản phẩm nón của Hội, ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch đề xuất.
 
Du lịch phát triển mạnh ở Huế, nón lá trở thành mặt hàng lưu niệm mang nét văn hóa đặc sắc của Huế được du khách ưa chuộng. Dẫu nghề làm nón lá đang dần mai một nhưng vẫn còn những người thợ tài hoa âm thầm gắn bó với nghề. Họ mong có làn gió mới từ phát triển du lịch cộng đồng để nón Huế vươn xa...
 
Bài, ảnh: Thu Huế
Báo Thừa Thiên Huế Online - baothuathienhue.vn