Thừa Thiên Huế có lợi thế đặc biệt về tài nguyên văn hóa, lịch sử, cảnh quan, môi trường cũng như nguồn nhân lực để phát triển du lịch. Chính vì vậy, du lịch được xem là ngành kinh tế mũi nhọn của Huế, trong đó có du lịch xanh.
Một góc thành phố Huế
Định hướng phát triển du lịch xanh của ngành du lịch Thừa Thiên Huế được xác định bám sát với mục tiêu của Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045: “Xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh”. Du lịch xanh được định hướng phát triển theo hướng bền vững trên cơ sở bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, di sản gắn với bảo vệ cảnh quan, môi trường, phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường, đồng thời có sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương.
Du lịch xanh là tất yếu
Trong những năm qua, lĩnh vực du lịch liên tục tăng trưởng trên tất cả mọi chỉ tiêu. Số lượt khách đến Thừa Thiên Huế tăng từ 81.500 lượt năm 1990 lên hơn 4,8 triệu lượt năm 2019; doanh thu từ du lịch vốn chỉ đạt 154 tỷ (1990) cũng đã có bước nhảy vượt bậc lên hơn 12.000 tỷ (2019), đóng góp hơn 12% trong GRDP của tỉnh.
Thừa Thiên Huế đã từng bước xây dựng địa phương theo hướng đô thị di sản, văn hóa sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh; với thành phố Huế là đô thị trung tâm. Đây là lợi thế rất lớn đã góp phần giúp cho Thừa Thiên Huế có một nền tảng vững chắc để phát triển "Du lịch xanh" trong những năm gần đây, đồng thời phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Theo Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phúc: Ngành du lịch Thừa Thiên Huế đã xây dựng các gói sản phẩm du lịch hấp dẫn và phù hợp với nhu cầu, xu hướng du lịch hiện nay, nhất là tập trung vào chủ đề "Du lịch xanh" như: nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe, du lịch kết hợp khám chữa bệnh, thưởng thức ẩm thực, sáng tạo các sản phẩm/điểm check-in du lịch sinh thái gắn với sông hồ, suối thác và đầm phá; hình thành các điểm vui chơi giải trí mới, các điểm dịch vụ về đêm… Hiện nay, đã có 7 trạm xe đạp chia sẻ thông minh trên địa bàn thành phố; nhiều điểm du lịch cộng đồng được hình thành như: khám phá nhà vườn truyền thống ở Kim Long, làng cổ Phước Tích, khu vực cầu ngói Thanh Toàn, khám phá các làng chài ở khu vực đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, các ngôi làng truyền thống của đồng bào dọc tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua huyện A Lưới...
Bên cạnh đó, ở Huế, người dân không phải lo lắng nhiều bởi tiêu chuẩn không khí luôn được đảm bảo. Đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp du lịch cũng như các tổ chức du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp thị hiệu quả hoạt động kinh doanh du lịch và góp phần quảng bá thương hiệu du lịch quốc gia, nhất là các sản phẩm "Du lịch xanh" là chủ đề của năm du lịch quốc gia Việt Nam 2022.
Tỉnh Thừa Thiên Huế đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng và ban hành “Bộ tiêu chí Du lịch xanh” cho các mảng: khách sạn, homestay, khu nghỉ dưỡng, dịch vụ lữ hành, điểm du lịch áp dụng trên toàn quốc. Trên cơ sở đó các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp du lịch vận dụng trong quá trình đầu tư, quy hoạch và kinh doanh. Đồng thời đó cũng là căn cứ để công nhận sản phẩm du lịch xanh như: “Tour xanh”, “Khách sạn xanh”, “Nhà hàng xanh”, “Khu nghỉ dưỡng xanh”… để du khách dễ dàng nhận diện và đăng ký sử dụng. Điều này khẳng định được Huế xứng đáng là thành phố xanh của Việt Nam, khẳng định được thương hiệu của một thành phố du lịch xanh hàng đầu cả nước, ông Nguyễn Văn Phúc chia sẻ.
Để du lịch thật sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương cho biết, Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nhấn mạnh mục tiêu: “Xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn”. Trong bối cảnh toàn tỉnh Thừa Thiên Huế đang tập trung cao độ vào việc tổ chức nhiều chương trình, kế hoạch hành động, dự án đầu tư… để thực hiện mục tiêu đã đề ra trong Nghị quyết số 54-NQ/TW, với vai trò là đô thị trung tâm - phần lõi của đô thị di sản đặc thù - thành phố Huế có nhiều cơ hội để phát triển du lịch một cách mạnh mẽ, đột phá.
Theo ông Nguyễn Văn Phương để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn cần tập trung vào những vấn đề, nhiệm vụ cơ bản sau:
Thứ nhất, tiếp tục tuyên truyền, quán triệt sâu rộng và tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương về phát triển du lịch thông qua các cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch cụ thể. Tiến hành lập và triển khai phương án phát triển ngành du lịch, đặc biệt chú trọng phát triển sản phẩm du lịch, thị trường du lịch; kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển du lịch, các khu, điểm du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được đề xuất đưa vào quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế;... Xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách quy định, hướng dẫn để thực hiện chủ trương phát triển kinh tế đêm trong lĩnh vực du lịch.
Thứ hai, tập trung huy động nguồn lực để giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống và di sản một cách nguyên bản, đồng bộ. Trong đó, ưu tiên bảo tồn, trùng tu các di tích thuộc Quần thể di tích cố đô Huế; di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh; bảo tồn phố cổ, làng cổ. Bảo vệ và phát huy giá trị cảnh quan thiên nhiên, vịnh biển Lăng Cô, hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, Vườn quốc gia Bạch Mã... Đồng thời, chủ động phối hợp các bộ, ngành Trung ương xây dựng cơ chế, chính sách, hỗ trợ nguồn lực trong công tác bảo tồn, mở rộng quan hệ với các tổ chức trong nước và quốc tế trong lĩnh vực di sản. Triển khai có hiệu quả Đề án Festival 4 mùa. Phát huy lợi thế của thành phố Festival, các loại hình hoạt động Festival, xem các kỳ Festival là sản phẩm du lịch chủ lực của Thừa Thiên Huế…
Thứ ba, tập trung thực hiện chuyển đổi số trong phát triển du lịch với quan điểm xuyên suốt là xây dựng chính quyền số, xã hội số và kinh tế số, ưu tiên phát triển theo hướng quản lý, trải nghiệm và quảng bá thông minh. Thứ tư, nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ văn hóa, du lịch. Xây dựng cơ chế khuyến khích nhân tài, nhất là chế độ đãi ngộ thỏa đáng để thu hút nguồn nhân lực cao trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, du lịch. Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước ở các địa phương, đơn vị đối với hoạt động văn hóa, du lịch dịch vụ; hoàn thiện môi trường du lịch và liên kết, hợp tác phát triển du lịch;...
Anh Văn