Huyện miền núi Hướng Hóa của tỉnh Quảng Trị là địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi về tự nhiên và xã hội để phát triển các loại hình du lịch, nhất là du lịch cộng đồng nhằm giải quyết việc làm và mang lại thu nhập cho đồng bào các dân tộc thiểu số.
Ðiểm du lịch trải nghiệm "Bungalows năm mùa" ở thôn Xary, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) thu hút du khách tham quan và trải nghiệm
Với đặc điểm tự nhiên của một huyện miền núi có rừng núi nguyên sơ, hệ thống thác, động, sông, suối, hồ nước... rất đa dạng, tạo ra cảnh quan đẹp, thời tiết khí hậu mát mẻ trong lành phù hợp cho việc du khách tham quan, khám phá và nghỉ dưỡng. Ðặc biệt là một số danh thắng vẫn mang vẻ đẹp nguyên sơ chưa có sự tác động của con người và một số hang động mới được phát hiện như: Ðộng Brai, động Kulum, Trỉa. Huyện Hướng Hóa cũng là địa bàn có gần 50% số dân là đồng bào Vân Kiều, Pa Kô sinh sống. Bản sắc văn hóa của người Vân Kiều, Pa Kô rất đa dạng và đặc sắc. Hơn nữa điều kiện đất đai lại màu mỡ phì nhiêu, vì thế Hướng Hóa có nhiều sản phẩm nông nghiệp mang tính đặc trưng vùng miền tạo ấn tượng cho khách du lịch, tiêu biểu như: Cà-phê, hồ tiêu, gừng, chuối mật mốc, chanh leo... Ðây chính là thế mạnh, điều kiện cần để Hướng Hóa khai thác phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương.
Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hướng Hóa Nguyễn Thị Huyền cho biết, trên cơ sở những tiềm năng cụ thể về phát triển du lịch cộng đồng của địa phương, huyện đã đề ra các nội dung cụ thể trong khai thác phát triển du lịch cộng đồng. Chú trọng tăng cường quảng bá tiềm năng lợi thế về du lịch của huyện trên các kênh truyền thông; đề xuất tỉnh đưa vào quy hoạch các điểm du lịch có tiềm năng; tăng cường xúc tiến, kêu gọi đầu tư; tổ chức hội nghị, hội thảo tìm giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch. Ðồng thời, huyện cũng đã xây dựng Ðề án “Bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa của dân tộc Vân Kiều, Pa Kô” nhằm cụ thể hóa, gắn các nhiệm vụ phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Ðến nay, ý thức tham gia làm du lịch cộng đồng của người dân được nâng lên rõ rệt. Một số hộ gia đình trên địa bàn huyện Hướng Hóa đã bắt đầu bắt tay vào xây dựng mô hình thí điểm. Các mô hình homestay, farmstay được hình thành thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài tỉnh đến tham quan, trải nghiệm. Gia đình anh chị Hồ Văn Quý và Hồ Thị Thắng ở thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa là một trong những hộ người Vân Kiều đầu tiên của thôn tiên phong đăng ký tham gia làm du lịch cộng đồng. Căn nhà sàn mới được xây dựng khang trang được anh chị dành căn gác bếp, phòng ngủ, phòng khách để đón khách lưu trú; đào hai ao cá phục vụ dịch vụ câu cá và dựng nhà sàn nhỏ để bày bán hàng nông sản, rượu cần phục vụ khách du lịch.
Tuy nhiên, theo Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hướng Hóa Nguyễn Thị Huyền, hiện tại nguồn kinh phí đầu tư cho phát triển du lịch của huyện Hướng Hóa còn hạn chế cho nên ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch. Thực tế các di tích lịch sử một số nơi đã xuống cấp, chưa được đầu tư tôn tạo. Văn hóa truyền thống của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô trên địa bàn đã có sự giao thoa văn hóa giữa các vùng miền trong cuộc sống đương đại, nhiều nét văn hóa truyền thống đã có sự thay đổi như kiến trúc, trang phục, phong tục tập quán, lễ hội, ẩm thực cho nên một số nét văn hóa truyền thống có nguy cơ bị mai một dần. Nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch còn khó khăn. Mặc dù ý thức làm du lịch của người dân đã được nâng lên, nhưng còn ở mức sơ khai bước đầu. Chất lượng các dịch vụ du lịch nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu của du khách, chưa có sự liên kết với các địa phương lân cận để xây dựng các tua, tuyến du lịch liên tỉnh.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hướng Hóa, Ðặng Trọng Vân cho biết, để khắc phục khó khăn, trước mắt huyện tiếp tục triển khai thực hiện chương trình hành động về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, của huyện và Ðề án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số huyện Hướng Hóa”. Ðồng thời, chú trọng quảng bá hình ảnh, cơ cấu lại sản phẩm du lịch, xây dựng mô hình và sản phẩm đặc thù, gắn với những tiềm năng, lợi thế tự nhiên, cũng như nét đặc sắc, riêng có về văn hóa, con người của từng địa phương trên địa bàn huyện.
Lâm Quang Huy