Năm 2022, tình hình dịch Covid-19 đã được kiểm soát, cuộc sống của người dân và các hoạt động sản xuất kinh doanh đã ổn định, du lịch Việt Nam mở cửa hoàn toàn với thị trường du lịch thế giới. Trong bối cảnh đó, với việc triển khai kịp thời và đồng bộ các giải pháp thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch Covid-19 vừa phục hồi, phát triển kinh tế xã hội cùng phương án mở cửa du lịch trong điều kiện bình thường mới, du lịch Quảng Bình đã có sự phục hồi và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Ảnh minh họa
Tổng lượng khách du lịch đến Quảng Bình năm 2022 đạt khoảng 2.010.720 lượt khách, gấp 3,53 lần so với cùng kỳ năm 2021 và đạt 100,5% so với kế hoạch năm, trong đó khách nội địa ước đạt 1.979.933 lượt khách, gấp 3,51 lần so với cùng kỳ năm 2021 và đạt 99,5% so với kế hoạch; khách quốc tế ước đạt 30.787 lượt khách, gấp 5,4 lần so với cùng kỳ năm 2021 và đạt 307,9% so với kế hoạch.
Kết quả tích cực đó phản ánh được sự quyết liệt, hiệu quả trong công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh và đặc biệt là sự nỗ lực không ngừng của Sở Du lịch trong triển khai các giải pháp đưa du lịch Quảng Bình phục hồi, phát triển. Theo đó, ngay từ đầu năm, Sở Du lịch đã phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt, triển khai hiệu quả Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND về phục hồi và tăng trưởng du lịch trong giai đoạn bình thường mới; đẩy mạnh truyền thông, quảng bá, giới thiệu về mảnh đất, con người Quảng Bình thông qua các kênh truyền thông, ấn phẩm, video clip nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng và người dân về vai trò của du lịch; phát động phong trào “người Quảng Bình đi du lịch Quảng Bình”, “mỗi người dân Quảng Bình là một hướng dẫn viên, một đại sứ du lịch”; khẳng định vai trò của du lịch đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Sở Du lịch cũng tích cực kêu gọi, huy động nguồn vốn từ ngân sách Trung ương, địa phương và đẩy mạnh công tác xã hội hóa, đa dạng các nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, đặc biệt là hệ thống hạ tầng giao thông, viễn thông, điện lực, ngân hàng tại các trung tâm du lịch của tỉnh, khu, điểm du lịch; chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch mới. Trong năm 2022, Sở Du lịch đã tiếp nhận, nghiên cứu, lấy ý kiến, thẩm định và đề xuất UBND tỉnh cho phép khai thác thử nghiệm nhiều sản phẩm du lịch mới như: "Khám phá thiên nhiên khe Kiều, hệ thống hang động Sơn Bồi và tìm hiểu văn hóa người Bru-Vân Kiều"; “Khám phá hang Ô Rô - hang Hoàn Mỹ”; Khám phá hung Thoòng; tiếp tục khai thác thử nghiệm chương trình tham quan 4 ngày 3 đêm của sản phẩm du lịch “Khám phá hang Đại Ả, hang Over, hang Pygmy”; “Du thuyền ngắm cảnh trên sông Nhật Lệ kết hợp tham quan danh thắng, di tích lịch sử”; khai thác thử nghiệm sản phẩm du lịch “Trải nghiệm cuộc sống mùa lụt” tại xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa; “Trải nghiệm thiên nhiên và tìm hiểu văn hóa cộng đồng người Rục ở xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa”; triển khai Đề án “Phát triển làng văn hóa, du lịch Cự Nẫm”. Đến nay, tổng sổ sản phẩm, khu, điểm tham quan du lịch đã được phê duyệt đề án hoặc cho phép khai thác thử nghiệm trên địa bàn tỉnh là 30 sản phẩm.
Bên cạnh đó, Sở Du lịch cũng đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến, liên kết du lịch và hỗ trợ du khách nhằm phục hồi, tăng trưởng du lịch trong giai đoạn bình thường mới. Nổi bật là một số hoạt động như: Giới thiệu hang Sơn Đoòng trên Trang chủ Google; đón đoàn làm phim của BBC Natural History Series đến thực hiện bộ phim về thiên nhiên tại Phong Nha - Kẻ Bàng, tổ chức trải nghiệm sản phẩm du lịch “Chinh phục Sơn Đoòng - hang động lớn nhất thế giới” cho các biên tập viên Đài Truyền hình Việt Nam và nhiếp ảnh gia; làm việc với các hãng truyền thông lớn trên thế giới để phối hợp triển khai chiến dịch marketing quảng bá du lịch Quảng Bình trên nền tảng số, trong chuỗi hoạt động SEA Games 31; quảng bá du lịch Quảng Bình tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tại Thành phố Hồ Chí Minh; truyền thông du lịch Quảng Bình qua Ngày hội Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh 2022, lễ hội du lịch Hà Nội 2022, hội chợ du lịch quốc tế VITM Hà Nội (4/2022); hội chợ du lịch quốc tế ITE Thành phố Hồ Chí Minh (9/2022); hội chợ Du lịch trực tuyến Danang FantastiCity; phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương truyền thông các sự kiện nổi bật đầu năm 2022, góp phần quảng bá hình ảnh, cảnh quan, giá trị văn hóa của du lịch Quảng Bình.
Mặt khác, Sở Du lịch cũng triển khai các hoạt động liên kết xúc tiến, quảng bá du lịch với các tỉnh, thành phố (Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Nam), khu vực Đông Bắc Bộ và Tây Nguyên, khối liên kết các tỉnh Bắc Trung Bộ và các tỉnh/thành phố là trung tâm du lịch lớn trong và ngoài nước; đẩy mạnh hợp tác đầu tư, xúc tiến du lịch, nghiên cứu sản phẩm du lịch thông qua các sự kiện như hội nghị liên kết quảng bá xúc tiến, ngày hội văn hóa, hội chợ du lịch, famtrip…; làm việc với các đơn vị lữ hành lớn trong nước và quốc tế để xúc tiến đưa khách du lịch từ các thị trường trong nước đến Quảng Bình.
Ngoài ra, Sở cũng đã tăng cường chỉ đạo các đơn vị hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ của các sản phẩm, khu, điểm tham quan du lịch, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động và đa dạng hóa loại hình sản phẩm du lịch; phối hợp với cơ sở đào tạo trên địa bàn tổ chức các khóa đào tạo du lịch về tiếng Anh, nghiệp vụ du lịch cộng đồng nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ du lịch cho đối tượng tham gia hoạt động du lịch, đáp ứng yêu cầu nhân lực trong giai đoạn phục hồi và phát triển du lịch; đẩy mạnh chuyển đổi số, hoàn thiện các nền tảng số du lịch Quảng Bình; nâng cao kỹ năng số đối với đội ngũ nhân lực trong ngành Du lịch đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách trong giai đoạn mới.
Phát huy những kết quả đạt đươc, năm 2023, với mục tiêu phấn đấu tổng số khách du lịch đến Quảng Bình đạt từ 3 - 3,5 triệu lượt khách, trong đó số lượng khách quốc tế 100.000 lượt, Sở Du lịch tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư, huy động nguồn lực để hoàn thiện, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật hỗ trợ cho phát triển du lịch; triển khai các chương trình, sự kiện văn hóa, du lịch của tỉnh tạo hiệu ứng quảng bá, truyền thông sâu rộng về “Quảng Bình - điểm đến thiên nhiên an toàn và khác biệt” đến các thị trường khách du lịch mục tiêu trong nước và quốc tế; tập trung phát triển các loại hình sản phẩm du lịch đặc trưng trên cơ sở lợi thế so sánh về tiềm năng du lịch và theo xu hướng, nhu cầu của khách du lịch như du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch nghỉ dưỡng, thể thao, giải trí cao cấp…; nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, triển khai Chương trình kích cầu du lịch năm 2023 để thu hút khách; xây dựng văn hóa du lịch Quảng Bình và tạo ấn tượng với khách du lịch về sự thân thiện, an toàn, trung thực; đồng thời đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19, phục hồi, tăng trưởng hoạt động du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ bình thường mới.
PV:NQ
Cổng TTĐT tỉnh Quảng Bình - dukhach.quangbinh.gov.vn