Với 1.350 làng nghề và hàng nghìn di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, Hà Nội có tiềm năng to lớn để phát triển du lịch cộng đồng. Nhiều làng cổ, làng nghề đang trở thành điểm du lịch hấp dẫn khi chính người dân tham gia vào chuỗi hoạt động kinh tế du lịch.
Những nét văn hóa của người dân làng cổ Đường Lâm là yếu tố giúp cho du lịch cộng đồng phát triển. (Ảnh NINA MAY)
Nhiều gia đình tại những làng cổ, làng nghề, hay vốn chuyên làm nông nghiệp, nay trở thành những nhà cung cấp dịch vụ, những hướng dẫn viên du lịch khi phát triển du lịch cộng đồng.
Khi nông dân “làm du lịch”
Hôm nay, gia đình ông Nguyễn Văn Vững (thôn Mông Phụ, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây) tất bật hơn mọi ngày vì phải làm năm mâm cơm cho khách. Mỗi khi khách đặt cơm trưa, trong mâm không thể thiếu mấy món: thịt quay đòn, gà Mía, thịt nướng và bát tương để chấm rau, bởi đó là những món đặc sản của ngôi làng cổ này. Trong khi bà “nội tướng” sắp xếp bếp núc thì ông Vững hăng say kể chuyện về nhà cổ, làng cổ. Ngôi nhà năm gian được gia đình ông xây dựng hơn trăm năm trước đã ngả màu theo thời gian từ mái ngói, đến từng chiếc cột nhà. Vốn yêu văn hóa truyền thống, ông Vững giữ nguyên trạng ngôi nhà cổ của gia đình.
Không gian ngôi nhà được sắp đặt đúng kiểu văn hóa làng quê Bắc Bộ với sập gụ, tủ chè, các chum tương đặt ngoài sân, giàn ngô phơi trước hiên nhà... Ông Vững bảo: “Gia đình tôi làm du lịch một phần vì lý do kinh tế, nhưng điều quan trọng là chúng tôi muốn giới thiệu, chia sẻ những nét văn hóa của Đường Lâm đến với mọi người. Trong cuộc sống hiện đại, những nét cổ kính như thế ngày càng quý. Gia đình chúng tôi còn sắp đặt thêm không gian để mọi người có thể trải nghiệm khi đến làng cổ”.
Làng cổ Đường Lâm từ lâu là địa chỉ du lịch nổi tiếng. Nhưng gần đây, người dân các thôn thuộc xã Đường Lâm tham gia ngày càng sâu hơn vào các hoạt động du lịch. Sôi nổi nhất là tại thôn Mông Phụ, nơi có nhiều nhà cổ có giá trị kiến trúc. Toàn xã có 12 gia đình có nhà cổ có tổ chức các hoạt động tham quan, đón khách. Trong đó có tám hộ tổ chức dịch vụ ăn uống và homestay. Ngoài ra hàng chục hộ gia đình khác tham gia vào chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch, từ trải nghiệm, cho thuê trang thiết bị, cung cấp thực phẩm, quà tặng du lịch…
Vào dịp cuối tuần, một số hộ gia đình đôi khi còn bị quá tải vì quá đông khách. Trưởng Ban quản lý Di tích Làng cổ Đường Lâm Nguyễn Đăng Thạo cho biết: “Đường Lâm được định hướng phát triển du lịch cộng đồng. Hằng năm chúng tôi đều tổ chức tập huấn cho người dân kỹ năng làm du lịch. Ngoài ra, thị xã Sơn Tây, Ban quản lý Làng cổ đều có hướng dẫn cho người dân xây dựng các sản phẩm du lịch.
Thí dụ dịp thu hoạch lúa thì có trải nghiệm liên quan đến ngày mùa, dịp cuối năm, đầu xuân có các hoạt động đón Tết, lễ hội. Nhìn chung ý thức làm du lịch của người dân được nâng lên, cộng đồng thấy được lợi ích từ du lịch nên có thái độ thân thiện với khách, cho dù không trực tiếp tham gia đón khách”.
Du lịch cộng đồng là việc khai thác những giá trị văn hóa của các cộng đồng dân cư để làm du lịch. Đối tượng tham gia làm du lịch, hưởng lợi từ du lịch chính là cộng đồng dân cư - chủ sở hữu những giá trị văn hóa. Các doanh nghiệp du lịch nếu tham gia thì chủ yếu ở việc liên kết với người dân trong cộng đồng xây dựng sản phẩm. Phó Giám đốc Sở Du lịch Trần Trung Hiếu cho biết: “Hà Nội là địa bàn có nhiều di sản văn hóa quý, với 1.350 làng nghề.
Chủ sở hữu của những giá trị văn hóa ấy là cộng đồng dân cư, cho nên có nhiều lợi thế để phát triển du lịch cộng đồng, giúp nâng cao đời sống kinh tế của người dân. Tuy nhiên, đối với khách du lịch thì cách gọi tên du lịch cộng đồng thường không tạo ra ấn tượng mạnh mẽ, nên thường được gọi theo tên những sản phẩm đặc trưng của từng địa phương, thí dụ như du lịch nông nghiệp - nông thôn, du lịch làng nghề, du lịch trang trại sinh thái, du lịch tâm linh… Nhưng bản chất đó là du lịch cộng đồng”.
Ngoài Đường Lâm, hiện nay nhiều địa phương khác ở Hà Nội phát triển du lịch cộng đồng hiệu quả. Điển hình như làng gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm), làng cây cảnh Hồng Vân (huyện Thường Tín), làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông), làng rối nước Đào Thục (huyện Đông Anh) hay cư dân tại xã Hương Sơn (huyện Mỹ Đức) nơi có Di tích quốc gia đặc biệt chùa Hương…
Tại những địa phương này, người dân tham gia vào nhiều hoạt động khác nhau của “chuỗi” cung ứng dịch vụ du lịch. Chỉ ít năm trước, chuyện làm du lịch với người dân xã Hồng Vân (huyện Thường Tín) rất xa vời. Người dân ở đây có nghề trồng cây cảnh truyền thống và vốn chỉ biết gắn bó với vườn tược, ruộng đồng. Nhưng bây giờ Hồng Vân trở thành địa chỉ du lịch sinh thái nổi tiếng. Toàn xã có 21 tuyến đường mỗi tuyến đường trồng một loại cây như: Hoàng yến, bằng lăng, hoa ban, phượng vĩ… để khách đến tham quan mùa nào cũng được ngắm hoa nở, thỏa sức “check-in”.
Các hộ gia đình cũng tổ chức lại việc trồng cây, kết hợp tạo dựng cảnh quan cho việc tham quan, tổ chức các dịch vụ ăn nghỉ, chụp ảnh... Một số cơ sở xây dựng mô hình giáo dục nông nghiệp. Theo Bí thư Đảng ủy xã Hồng Vân Nguyễn Hải Đăng, từ việc phát triển du lịch tự phát, Ủy ban nhân dân huyện Thường Tín đã kết hợp với Sở Du lịch tổ chức tập huấn cho người dân kỹ năng làm du lịch. Người dân kết hợp sản xuất với các hoạt động du lịch, nâng cao kỹ năng tổ chức hoạt động, đón tiếp khách du lịch. Năm 2022, dù giai đoạn đầu năm vẫn chịu ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng lượng khách đã hồi phục nhanh chóng, đạt khoảng 90 nghìn lượt (tính đến tháng 10).
“Tiếp sức” để phát triển bền vững
Sở Du lịch Hà Nội vừa phối hợp Ủy ban nhân dân huyện Mỹ Đức tổ chức Hội nghị triển khai về ứng xử văn minh du lịch và du lịch cộng đồng cho dân cư tại một số điểm du lịch trên địa bàn huyện Mỹ Đức. Trong đó, chú trọng chuẩn bị cho lễ hội chùa Hương năm 2023. Lễ hội chùa Hương thu hút hàng triệu lượt khách du lịch hằng năm, đem lại nguồn thu lớn cho người dân xã Hương Sơn và các xã lân cận thông qua các dịch vụ: Ăn uống, lưu trú, chèo đò, kinh doanh quà tặng…
Tuy nhiên, đây cũng là nơi diễn ra nhiều hoạt động “cò mồi”, “chặt chém” khi người đi lễ sử dụng các dịch vụ. Chị Lại Thị Hà, người dân địa phương tham gia lớp tập huấn chia sẻ: “Những lớp tập huấn được tổ chức hằng năm giúp người dân có thêm kỹ năng ứng xử, thái độ đón khách niềm nở hơn, hiệu quả đón khách cao hơn”. Để phát triển du lịch cộng đồng thì nhân lực là yếu tố then chốt nhất. Do đó, dưới góc độ cơ quan quản lý, Sở Du lịch đã kết hợp các địa phương có tiềm năng du lịch cộng đồng để tập huấn, hướng dẫn người dân.
Theo Phó Chánh Văn phòng Sở Du lịch Bùi Đức Thuận, từ năm 2018 đến nay, Sở Du lịch đã kết hợp với các quận, huyện, thị xã tổ chức được hơn 50 lớp tập huấn, với hàng nghìn lượt người tham gia. Việc tập huấn không chỉ những người trực tiếp tham gia du lịch mà cần nâng cao ý thức của cộng đồng để người dân có thái độ thân thiện với khách du lịch.
Để tiếp tục phát triển du lịch cộng đồng, từ tháng 3/2022, thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 73/KH-UBND về phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2022-2025. Theo kế hoạch này, thành phố đề ra mục tiêu đến năm 2025, mỗi huyện, thị xã có tiềm năng và thế mạnh về phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn triển khai ít nhất từ một đến ba sản phẩm “Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch”.
Thành phố phấn đấu mỗi huyện, thị xã có tiềm năng xây dựng ít nhất một mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc thù có sự tham gia của các chủ thể là nông dân, hợp tác xã, hộ kinh doanh và doanh nghiệp. Hiện nay, có sáu huyện, thị xã đã tham gia với sáu mô hình. Ngoài hai mô hình tại xã Đường Lâm (thị xã Sơn Tây), làng sinh vật cảnh Hồng Vân (huyện Thường Tín) còn có các mô hình: Du lịch nông nghiệp nông thôn gắn với nghề dệt truyền thống ở Mỹ Đức; mô hình du lịch trang trại nông nghiệp ở Đan Phượng, mô hình trang trại nông nghiệp ở Thanh Trì, trang trại du lịch hữu cơ ở Thạch Thất...
Các mô hình này đều đang hoạt động hiệu quả, được thành phố hỗ trợ tập huấn kỹ năng làm du lịch, xây dựng thương hiệu, xây dựng du lịch thông minh, thiết kế sản phẩm, xây dựng sản phẩm OCOP… Đây sẽ là “chất xúc tác” để du lịch cộng đồng tiếp tục phát triển. Mặc dù vậy, để hình thành những cộng đồng làm du lịch một cách chuyên nghiệp, vẫn còn một hành trình dài.
Phó Giám đốc Sở Du lịch Trần Trung Hiếu cho biết: “Để đào tạo nhân lực du lịch cần cả một quá trình. Các buổi tập huấn chỉ là những gợi mở bước đầu. Nhưng khi người dân nâng cao nhận thức thì người ta còn “tự đào tạo”. Đây là điều đã xảy ra ở một số địa phương, điển hình như ở làng gốm Bát Tràng, làng cây cảnh Hồng Vân. Người dân nhận thấy giá trị kinh tế gắn liền với thái độ, kỹ năng phục vụ khách du lịch họ sẽ thay đổi, sẽ tự đọc tài liệu, tìm hiểu thêm”.
Giang Nam