logo
title

Khánh Hòa xây dựng điểm du lịch sinh thái, cộng đồng: Nhiều tiềm năng, thiếu chiến lược

Cập nhật ngày: 09/01/2023
Dù có rất nhiều tiềm năng nhưng đến nay, đa phần các điểm du lịch sinh thái, cộng đồng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa vẫn chưa được đầu tư trọn vẹn. Các địa phương cần chủ động, sáng tạo hơn trong việc xây dựng các mô hình du lịch sinh thái, cộng đồng.
Chưa được đầu tư trọn vẹn
 
Vừa qua, Sở Du lịch tổ chức đoàn khảo sát các mô hình, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh, chủ yếu là các điểm du lịch sinh thái, cộng đồng, làng nghề. Cụ thể, đoàn đã khảo sát tiềm năng du lịch sinh thái, cộng đồng ở đảo Bích Đầm (phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang); làng nghề trầm hương Vạn Thắng (huyện Vạn Ninh); nhà truyền thống, nông trại The Moshav Farm (thị xã Ninh Hòa); khu cắm trại, dã ngoại Làng nhỏ - hồ Láng Nhớt (huyện Diên Khánh); Khu Du lịch Tàu Ngầm, Vườn du lịch sinh thái Thanh Thảo (huyện Cam Lâm); Hợp tác xã du lịch canh nông Nha Trang - Đà Lạt (huyện Khánh Vĩnh); nhà dài xã Sơn Hiệp, tour du lịch Trekking Tà Giang (huyện Khánh Sơn)…
 
 
Khách du lịch đi thuyền thúng tham quan nuôi trồng thủy sản trên vịnh Nha Trang
 
Ông Phan Đình Phùng - Phó Giám đốc Sở Du lịch, Trưởng đoàn khảo sát đánh giá, các điểm ở trên có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng… nhưng hầu hết đều chưa trọn vẹn. Một số điểm bước đầu đã có khách du lịch nhưng mang tính tự phát, đường đến các điểm tham quan còn khó khăn, công tác truyền thông quảng bá còn hạn chế. Đơn cử như tour du lịch Trekking Tà Giang dù được quảng bá rất nhiều, thu hút sự quan tâm của khách du lịch ưa khám phá núi rừng nhưng đến nay vẫn mang tính tự phát, chưa có doanh nghiệp nào được cấp phép tour du lịch mạo hiểm này. Hay nông trại The Moshav Farm là điểm du lịch có cảnh quan đẹp, khách đến đây được tận hưởng bầu không khí thiên nhiên trong lành, tham quan mô hình nông nghiệp công nghệ cao, trải nghiệm cũng như mua sắm trái cây, các loại tinh dầu thiên nhiên. Tuy nhiên, đường giao thông vào nông trại còn khó khăn; công ty chưa có đề án cụ thể về kết nối tour tuyến du lịch để đưa khách đến trải nghiệm và mua sản phẩm. Tương tự, khu cắm trại, dã ngoại Làng nhỏ - hồ Láng Nhớt được đầu tư khá bài bản, tuy nhiên đường đi vào điểm du lịch còn rất hạn chế. Hồ Láng Nhớt vẫn chưa được cấp phép hoạt động du lịch trên mặt hồ nên chưa triển khai được các dịch vụ tham quan, vui chơi giải trí trên lòng hồ…
 
Cần sự quyết tâm, nỗ lực của địa phương
 
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch tỉnh ngày 05/01, nhiều lãnh đạo của các sở, ngành có ý kiến, việc phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng, du lịch làng nghề trên địa bàn tỉnh còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng. “Qua theo dõi, tôi nhận thấy, việc phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng của các địa phương còn khá thụ động. Mục tiêu một địa phương xây dựng một sản phẩm du lịch đã không đạt được trong năm 2022… Việc này không thể chỉ trông chờ vào Sở Du lịch, Hiệp hội Du lịch, các địa phương phải chủ động hơn trong việc xây dựng các mô hình du lịch cộng đồng, du lịch làng nghề”, ông Nguyễn Văn Minh - Phó Giám đốc Sở Nội vụ bày tỏ. Đồng quan điểm, ông Phan Đình Phùng cho rằng, các địa phương chưa thực sự tâm huyết với việc xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, bằng chứng là khi đoàn khảo sát đến làm việc, đa phần các địa phương giao phó hết cho Phòng Văn hóa - Thông tin nên rất nhiều ý kiến của đoàn đã không được tiếp thu đầy đủ, không có hướng giải quyết ngay.
 
Trước đó, cuối tháng 12/2022, Sở Du lịch đã có văn bản báo cáo kết quả khảo sát các khu, điểm du lịch ở địa phương. Trong đó, sở đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương tổ chức triển khai thực hiện các chính sách quy định một số nội dung và mức chi hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh theo nghị quyết của HĐND tỉnh; chỉ đạo các địa phương và đơn vị có liên quan quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng kết nối vào các khu, điểm du lịch; xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; nghiên cứu xây dựng phát triển sản phẩm du lịch tại địa phương phù hợp với tiềm năng phát triển du lịch, định hướng quy hoạch của tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm từng bước hình thành các sản phẩm, chương trình tour đưa vào khai thác trước mắt cũng như lâu dài.
 
Liên quan đến vấn đề phát triển du lịch ở các địa phương, ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch tỉnh yêu cầu các địa phương phải chủ động xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng; Sở Du lịch, Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa tư vấn, hỗ trợ các địa phương xây dựng các điểm du lịch sinh thái, cộng đồng đủ chuẩn; khảo sát, kết nối các điểm du lịch ở các địa phương để xây dựng thành các tour du lịch sinh thái, về nguồn. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh, Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ các địa phương xây dựng các sản phẩm OCOP để góp phần thúc đẩy du lịch nông thôn, miền núi.
 
Xuân Thành 
Báo Khánh Hòa điện tử - baokhanhhoa.vn