Bảo tồn cây di sản không chỉ góp phần giáo dục văn hóa, lịch sử cho cộng đồng, quan trọng hơn còn bảo vệ cảnh quan môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học. Thời gian qua, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường tỉnh Phú Thọ, các địa phương, cộng đồng dân cư đã phát huy tinh thần trách nhiệm, chung tay gìn giữ, bảo tồn, chăm sóc cây di sản trên địa bàn, xây dựng không gian sống xanh - sạch - đẹp.
Với sự nỗ lực của Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường tỉnh Phú Thọ, chính quyền, người dân địa phương, cây Táu Bạc 2.200 tuổi tại Đền Thiên Cổ Miếu, xã Trưng Vương, thành phố Việt Trì đã phục hồi, đâm chồi nhánh mới, tán lá xum xuê, tươi tốt
Cây di sản thuộc họ thân gỗ lớn, đang sống trên 100 năm tuổi đối với cây trồng và trên 200 năm tuổi đối với cây tự nhiên, có giá trị về cảnh quan, môi trường, khoa học, văn hóa, lịch sử... được cộng đồng đề xuất, chủ sở hữu cây đăng ký, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận, bảo tồn tốt nhất theo khả năng. Việc bảo tồn, chăm sóc cây di sản góp phần quan trọng bảo vệ môi trường tự nhiên và nguồn gen quý hiếm. Từ năm 2010 đến nay, thực hiện Chương trình “vinh danh cây di sản Việt Nam”, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường tỉnh đã xây dựng hồ sơ đề nghị tôn vinh, công nhận 75 cây và cụm cây di sản.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác bảo tồn cây di sản, các cấp, ngành, địa phương, cộng đồng dân cư đã tích cực vào cuộc, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Ông Bùi Phúc Khánh - Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường tỉnh cho biết: Dưới góc độ khoa học, bảo vệ cây di sản, cây xanh có vai trò đặc biệt quan trọng với môi trường sống, bảo tồn quỹ gen, bảo tồn sự đa dạng sinh học... Trên thực tế, địa bàn còn nhiều cây cổ thụ có giá trị cần được chăm sóc, bảo vệ, bảo tồn, vì vậy, Hội đã xây dựng, thực hiện công trình nghiên cứu “Điều tra khảo sát thực trạng, đề xuất giải pháp quản lý, chăm sóc, bảo tồn một số cây cổ thụ có giá trị trên địa bàn tỉnh”. Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường cũng đã phối hợp với UBND xã Trưng Vương, Ban quản lý Đền Thiên Cổ Miếu triển khai các giải pháp công nghệ để chăm sóc, bảo vệ, kéo dài tuổi thọ cây Táu Bạc có tuổi đời trên 2.200 năm. Song song với đó, Hội thông tin, tuyên truyền, vận động, khuyến khích các địa phương gắn hoạt động bảo tồn di sản văn hóa với chăm sóc, bảo vệ cây xanh, cây di sản. Nhờ đó, hoạt động bảo vệ cây xanh, cây di sản được thực hiện rộng khắp, mang lại hiệu quả tích cực.
Với người dân xã Dị Nậu, huyện Tam Nông, nơi có “lão thị” nghìn năm tuổi ở Miếu thờ Đức Thánh Tản Viên (Chòm Nam, khu 6); “cụ đại” 700 tuổi ở chùa Thiên Sinh Bà Nhan, cây si hơn trăm năm tuổi ở cổng Tây Đền Nam Căng, hai cây phượng vĩ tại ngã ba bến gò Chò, cây đa cổ thụ ở gò Quán Thánh... việc bảo vệ cây sẽ góp phần khơi dậy tinh thần bảo vệ môi trường, giáo dục truyền thống yêu nước và bảo vệ các di sản văn hóa của cha ông. “Thần cây” đã trở thành tổ tiên, người thân gắn bó như huyết nhục với dân làng. Những cây đại thụ đã mang theo hồn cốt, nét đẹp văn hóa, ý chí kiên cường của làng quê Dị Nậu.
Ông Tạ Đình Hạp - Phó trưởng Ban Di tích lịch sử văn hóa xã Dị Nậu chia sẻ: “Cây di sản đã gắn bó lâu đời với người dân trong làng. Việc gìn giữ, bảo tồn cây di sản là trách nhiệm của cả cộng đồng dân cư để giáo dục thế hệ sau nhớ về nguồn cội, tổ tiên cũng như bảo vệ môi trường sống, xây dựng không gian sinh hoạt văn hóa trong lành, sạch đẹp. Hàng năm, người dân trong làng vẫn thường tổ chức các buổi lao động công ích chăm sóc, bảo vệ cây di sản.
Cùng với người dân xã Dị Nậu, cộng đồng dân cư toàn tỉnh đã tích cực tham gia bảo tồn, gìn giữ cây di sản, đi đôi với đó là các hoạt động trồng cây xanh, vệ sinh khuôn viên khu di tích. Ở những địa phương có cây xanh được tôn vinh đã trở thành nơi vui chơi, sinh hoạt của cộng đồng, trở thành địa điểm tham quan, du lịch nghiên cứu như: Cây đa ở Đền thờ Bát Nàn Đại vương thuộc xã Phượng Lâu, thành phố Việt Trì; cây thị ở xã Sơn Thủy, huyện Thanh Thủy; cây muỗm ở xã Chí Đám, huyện Đoan Hùng; cây bồ đề, cây gạo ở xã Bản Nguyên và cụm cây si ở thị trấn Lâm Thao, huyện Lâm Thao…
Việc công nhận, chăm sóc, bảo tồn cây di sản thể hiện đạo lý nhân văn, bày tỏ lòng tri ân đối với các bậc tiền nhân, đồng thời giúp lưu giữ nguồn gen quý, lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường. Cây di sản gắn với các di tích nên nếu bảo tồn và phát huy tốt sẽ trở thành sản phẩm du lịch sinh thái, văn hóa, tâm linh độc đáo, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân các địa phương, tạo động lực bảo vệ môi trường sinh thái.
Khánh Duy