logo
title

Bình Định: Nghiên cứu, đầu tư điểm du lịch tháp Hòn Chuông

Cập nhật ngày: 14/04/2023
Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Bình Định, mới đây, Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan, chính quyền địa phương mở cuộc khảo sát khu vực di tích tháp Hòn Chuông ở thôn Chánh Danh, xã Cát Tài (huyện Phù Cát) để tham mưu UBND tỉnh định hướng đầu tư, xây dựng khu vực tháp Hòn Chuông thành điểm đến du lịch văn hóa, lịch sử mang nét độc lạ ở Bình Ðịnh.
Năm 1991, người dân địa phương cung cấp cho cán bộ khoa học của Bảo tàng tỉnh - đang khảo sát nghiên cứu tư liệu để lập hồ sơ xếp hạng di tích lịch sử Núi Bà - thông tin về một kiến trúc nằm trên một tảng đá to, cao sừng sững có tục danh Hòn Chuông cao khoảng 800 m so với mực nước biển. Đối chiếu với tất cả tài liệu có trong tay và nhiều nguồn tư liệu tham chiếu khác, nhưng không thấy tư liệu nào đề cập đến kiến trúc này, Bảo tàng tỉnh đã tổ chức một số đợt điền dã, khảo sát khu vực Hòn Chuông và phát hiện rất nhiều mảnh gạch Chăm, ngói mũi lá, ngói hình sừng bò. Sơ bộ xác định, đây là một kiến trúc tháp Chăm và đặt tên tháp Hòn Chuông. Ngay sau đó, tỉnh Bình Định tiến hành chấm điểm bổ sung vào di tích Núi Bà, thêm số lượng tháp Chăm tại Bình Định lên 8 cụm tháp. Đến năm 1994, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) xếp hạng Khu di tích quốc gia Núi Bà; trong đó, tháp Hòn Chuông là 1 trong 22 điểm di tích nằm trên dãy Núi Bà.
 
 
Tỉnh Bình Định sẽ tiến tới xây dựng di tích tháp Hòn Chuông trở thành điểm đến du lịch với những trải nghiệm độc lạ. Ảnh: Bảo tàng tỉnh cung cấp
 
Ông Bùi Tĩnh, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bình Định, cho biết: Năm 2020, Bảo tàng tỉnh tiến hành đợt khảo sát, nghiên cứu tháp Hòn Chuông bằng flycam khảo sát, kết quả xác định tháp Hòn Chuông có bình đồ vuông, mỗi cạnh dài 8,5 m, cao chừng 7 m; tháp xây không có hệ thống cửa giả và hoàn toàn không trang trí hoa văn như các tháp Chăm khác ở Bình Định. Phần mái của tháp đã bị sụp, mặt phía Tây tháp bị đổ khá nhiều, mặt phía Nam và phía Bắc bị mất một phần lớp gạch bên ngoài, mặt phía Đông còn tương đối nguyên vẹn phần tường, chính giữa là cửa ra vào ngôi tháp. Tuy nhiên, những giá trị văn hóa, lịch sử của tháp Hòn Chuông đến nay vẫn còn nhiều bí ẩn chưa được nghiên cứu sâu để làm sáng tỏ.
 
Là người dành nhiều thời gian nghiên cứu hệ thống tháp Chăm ở Bình Định và trực tiếp tham gia chuyến khảo sát khu vực tháp Hòn Chuông vừa qua, nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Quang nhận định: Có nhiều ý kiến cho rằng tháp Hòn Chuông được xây dựng ở giai đoạn sớm, nhưng theo tôi ngôi tháp có thể xây dựng ở thời kỳ Champa muộn. Tháp nằm ở vị trí rất khó tiếp cận nên chưa thể trực tiếp sờ tận tay, nhìn tận mắt, tiến hành các bước nghiên cứu tháp Hòn Chuông, nhưng qua những hình ảnh khảo sát bằng flycam, tôi cho rằng việc xây tháp Hòn Chuông nằm trong giai đoạn cực thịnh thời Vijaya (phong cách tháp Mẫm hay còn gọi phong cách Bình Định) từ thế kỷ XI - XIII. Tháp Hòn Chuông tọa lạc trên tảng đá lớn, đường lên bây giờ đã khó, ngày xưa chắc còn gian nan hơn; hơn nữa vùng này quanh năm mây mù bao phủ… kiến trúc vì thế sẽ đơn giản, không cầu kỳ, nhiều chi tiết như các tháp Chăm còn lại ở Bình Định. Về chức năng của ngôi tháp này đến nay vẫn chỉ là những giả thuyết quen thuộc là một tháp canh hoặc một công trình tâm linh, nhưng chưa có những nghiên cứu khoa học chứng minh một cách thuyết phục.
 
Trong nhiều năm qua, hệ thống di tích các tháp Chăm ở tỉnh Bình Định được quan tâm đầu tư trùng tu, tôn tạo, tu bổ để bảo tồn, gìn giữ giá trị di sản văn hóa, lịch sử, hướng đến mục tiêu phát triển du lịch văn hóa. Riêng tháp Hòn Chuông vì nhiều lý do nên gần như chưa thể làm được gì. Ông Tạ Xuân Chánh, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Bình Định, cho biết: Sau chuyến khảo sát khu vực tháp Hòn Chuông, ngành văn hóa đang xây dựng báo cáo để trình UBND tỉnh đề xuất các bước đầu tư bảo vệ, trùng tu tháp Hòn Chuông; xây dựng đường dẫn vào tháp, các công trình phục vụ du lịch tâm linh, du lịch văn hóa nhằm đưa khu vực tháp Hòn Chuông trở thành điểm đến độc lạ ở Bình Định kết nối Khu di tích quốc gia Núi Bà với những trải nghiệm du lịch leo núi, check-in hệ sinh thái Núi Bà… Cùng với đó, ngành văn hóa cũng đang thiết kế xây dựng ý tưởng để đề xuất UBND tỉnh thực hiện mô hình du lịch đối với các cụm tháp Chăm còn lại trên địa bàn tỉnh Bình Định theo chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh.    
 
Đoàn Ngọc Nhuận
Báo Bình Định - baobinhdinh.vn