logo
title

Hà Giang: Phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng Nông thôn mới

Cập nhật ngày: 15/05/2023
Ngày 17/02/2023 UBND tỉnh Hà Giang ban hành Kế hoạch số 65 về triển khai thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng Nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2023-2025. Ngay sau đó, các huyện, thành phố, ngành chuyên môn đã đẩy mạnh tuyên truyền về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM nói chung và Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM nói riêng. Từ đó thấy rõ được tầm quan trọng về phát triển du lịch nông thôn đối với giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
 
Các nghệ nhân xã Sính Lủng (Đồng Văn, Hà Giang) tái hiện nghề đan lát truyền thống trong Ngày hội văn hóa dân tộc Cờ Lao
 
Hà Giang có nguồn tài nguyên nông nghiệp, nông thôn phong phú, đậm đà bản sắc. Với diện tích vùng nông thôn rộng lớn, trải dài khắp các địa phương, điều kiện về khí hậu, thổ nhưỡng, phong cảnh, ẩm thực, văn hóa đa dạng. Bên cạnh đó còn có các giá trị văn hóa phi vật thể như lễ hội, nghệ thuật trình diễn dân gian, phong tục, tập quán, nghề thủ công truyền thống, văn hóa cộng đồng các dân tộc, người dân nông thôn luôn cởi mở, thân thiện. Đây là tiền đề quan trọng để phát triển sản phẩm du lịch gắn với nông thôn, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Phát triển sản phẩm du lịch nông thôn mang đặc trưng vùng, miền cũng chính là một trong những nhiệm vụ Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 được Chính phủ đề ra.
 
Theo đó, để thúc đẩy phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM, các huyện, thành phố và cơ quan chuyên môn đã tập trung giới thiệu các khu du lịch, điểm du lịch nông thôn đặc trưng, hấp dẫn, chất lượng trên địa bàn tỉnh, các tour, tuyến, các sản phẩm dịch vụ du lịch nông nghiệp, nông thôn, các chương trình, sự kiện tham quan, trải nghiệm nông nghiệp, tìm hiểu về bản sắc văn hóa; tuyên truyền, đưa thông tin về các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP, nghề truyền thống, đồ thủ công mĩ nghệ,… và các điểm bán uy tín đến người tiêu dùng và du khách. Từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ, bảo đảm an ninh, trật tự; nâng cao ý thức bảo vệ môi trường du lịch, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, ứng xử văn minh, các mô hình hay, hiệu quả để phát triển du lịch nông thôn. Nâng cấp, đầu tư điểm du lịch nông thôn gắn với việc thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM. Xây dựng và phát triển các điểm đến du lịch nông thôn và đặc trưng vùng, miền như: Điểm đến du lịch tham quan, trải nghiệm nông nghiệp; điểm đến du lịch sinh thái nông thôn; điểm đến du lịch tìm hiểu bản sắc văn hóa. Từ đó tạo ra các sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, khác biệt. Chú trọng bảo tồn, phát triển các làng nghề, ẩm thực, văn nghệ truyền thống; xây dựng và phát triển các sản phẩm OCOP. Xây dựng các mô hình theo chuỗi liên kết du lịch nông thôn đặc thù có sự tham gia của người dân là các chủ thể, tổ hợp tác, hợp tác xã.
 
Thực hiện các kế hoạch, đề án của tỉnh, 16 làng văn hóa du lịch cộng đồng đã và đang được đầu tư theo hướng vừa bảo tồn văn hóa, vừa nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch với các hạng mục như: Đầu tư mái nhà truyền thống, cải tạo cảnh quan, công trình vệ sinh, truyền dạy nghề và các làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc; tổ chức không gian trưng bày giới thiệu sản phẩm địa phương, đào tạo nguồn nhân lực du lịch… xây dựng các Làng văn hóa du lịch cộng đồng gắn với tiêu chuẩn OCOP; làng văn hóa du lịch cộng đồng theo tiêu chuẩn ASEAN đối với làng du lịch cộng đồng Nặm Đăm; đầu tư các khu du lịch nghỉ dưỡng theo kiến trúc làng văn hóa truyền thống như Làng văn hóa Pả Vi, khu nghỉ dưỡng H Mông vilage, Nậm Hồng…
 
Đồng chí Triệu Thị Tình, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang cho biết: Tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, để du lịch nông nghiệp, nông thôn “cất cánh”, phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế thì cần có lộ trình với những định hướng, giải pháp hiệu quả. Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục tham mưu cho tỉnh, chỉ đạo các huyện, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân về phát triển du lịch nông thôn, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng phát triển bền vững. Để du lịch nông thôn thật sự trở thành động lực trong xây dựng NTM.
 
Bài, ảnh: My Ly
Báo Hà Giang điện tử - baohagiang.vn