logo
title

Cần Thơ: Phát huy văn hóa bản địa thu hút khách quốc tế

Cập nhật ngày: 15/06/2023
Văn hóa bản địa là một trong những yếu tố định vị và tạo khác biệt cho thương hiệu địa phương trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế. Tại Cần Thơ, việc chú trọng phát huy văn hóa bản địa trong xây dựng sản phẩm du lịch luôn được nhiều doanh nghiệp, điểm đến quan tâm. Từ đó góp phần phát triển du lịch, hội nhập và bền vững.
 
Văn hóa sông nước là nét bản địa thu hút du khách quốc tế đến Cần Thơ. Ảnh: Chợ nổi Cái Răng
 
Xây dựng sản phẩm du lịch từ văn hóa sông nước
 
Tháng 5/2023, du lịch cộng đồng cồn Sơn, quận Bình Thủy, ra mắt sản phẩm mới chào hè: xiếc ếch. Ðàn ếch được huấn luyện để trở thành những “vận động viên” bay qua vòng, kêu theo tiếng nhạc. Anh Lê Văn Càng, chủ mô hình xiếc ếch, cho biết: “Miền Tây có những loài vật rất gần gũi đời sống sinh hoạt thường ngày. Chúng tôi hiểu tập tính của các loài vật trong môi trường tự nhiên và vận dụng đều đó vào việc xây dựng sản phẩm du lịch. Từ đó hình thành những sản phẩm rất đặc trưng của cồn Sơn, như: cá lóc bay, cá ăn trên cạn, hay xiếc ếch. Qua mỗi sản phẩm, chúng tôi mong muốn du khách tiếp cận và biết thêm về đời sống của người dân vùng sông nước”. Ðồng quan điểm, ông Lý Văn Bon, chủ bè cá Bảy Bon tại cồn Sơn, nói: “Mỗi một loài cá sẽ có những đặc tính riêng và chúng tôi quan sát, vận dụng sáng tạo để làm sản phẩm du lịch. Qua mỗi sản phẩm, chúng tôi sẽ kể những câu chuyện quen thuộc về tập quán, vòng đời của chúng đến du khách, như chuyện về cá tra bần, cá mang rổ… Ðiều này gắn bó trực tiếp đến nếp sinh hoạt của người dân vùng sông nước. Những câu chuyện như thế thường thu hút du khách”.
 
Là một đơn vị thường xuyên đưa khách quốc tế về Cần Thơ và vùng ÐBSCL, bà Cao Thiên Lý, Giám đốc Công ty Fabulous Mekong Eco-Tours, cho biết: “Nhiều người nói sản phẩm du lịch ở vùng ÐBSCL na ná nhau, đơn điệu. Tôi không cho là vậy, bởi mỗi vùng đất sẽ có những câu chuyện, con người khác nhau và điều đó làm nên những sản phẩm khác nhau. Quan trọng chính là phải biết cách xây dựng sản phẩm với những trải nghiệm sâu mới khơi gợi sự tò mò, tìm hiểu của du khách. Ví như những sản phẩm ở cồn Sơn đều có những câu chuyện đặc biệt, trong đó yếu tố văn hóa bản địa luôn được chú trọng”. Du khách Jurate Valskiene nói: “ÐBSCL là nơi chúng tôi chọn khám phá khi đến Việt Nam. Ở đây rất thú vị về văn hóa bản địa, con người. Vì thế, chúng tôi đã kéo dài thời gian ở lại so với dự kiến để khám phá thêm những điểm đến đặc biệt tại Cần Thơ, như chợ nổi Cái Răng, cồn Sơn. Chúng tôi cảm thấy vui vẻ với những trải nghiệm tham quan vườn cây, xem các loài cá, làm bánh… và sự thân thiện của người dân”.
 
Bà Huỳnh Thị Bích Tuyền, chủ Mekong Silt Ecolodge, nói: “Khách quốc tế rất thích tìm hiểu văn hóa bản địa. Ðôi khi chỉ là những điều rất thường nhật trong nếp sinh hoạt của cư dân, nhưng lại khơi gợi tò mò với họ. Do đó, chúng tôi xây dựng những workshop trải nghiệm về ẩm thực, làng nghề dệt chiếu, đan giỏ… Khách sẽ cùng nấu những món ăn giản dị miền Tây như canh chua, cá kho, làm bánh dân gian, hay đan những chiếc túi, hoa tai nho nhỏ. Những trải nghiệm này rất được khách quốc tế ưa chuộng. Thông qua những trải nghiệm như thế chúng tôi mong muốn giới thiệu những nét văn hóa đặc trưng trong nếp sống của người miền Tây”.
 
Phát huy văn hóa bản địa trong phát triển du lịch
 
Văn hóa khác biệt ở mỗi quốc gia và mỗi vùng đất, trở thành yếu tố đầy sức hút trong hoạt động du lịch. Phát huy các giá trị văn hóa bản địa sẽ góp phần tạo nên những sản phẩm khác biệt, tạo dấu ấn và điểm nhấn trong phát triển du lịch của mỗi địa phương. Trong Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, cũng xác định trong quá trình phát triển du lịch phải chú trọng bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa, giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 cũng nhấn mạnh: “Chú trọng phát triển sản phẩm du lịch văn hóa, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, lịch sử, truyền thống của dân tộc; tập trung khai thác thế mạnh ẩm thực đa dạng, đặc sắc của các vùng, miền để hình thành sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, có lợi thế cạnh tranh, góp phần tạo dựng thương hiệu nổi bật của du lịch Việt Nam”. Trên những cơ sở này, TP Cần Thơ xây dựng và triển khai nhiều Nghị quyết, Quy hoạch về phát triển du lịch, trong đó xác định phát triển du lịch theo định hướng xây dựng Cần Thơ là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc sông nước vùng ÐBSCL. Phát triển du lịch song hành cùng bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa theo hướng bền vững.
 
Ông Nguyễn Thành Tâm, chủ vườn Thành Tâm, nơi có nhiều mô hình cá độc lạ tại cồn Sơn, cho biết: “Những con cá sau thời gian huấn luyện và biểu diễn cho khách xem, chúng tôi sẽ thả chúng về môi trường tự nhiên”. Ðồng quan điểm, ông Lý Văn Bon, chủ bè cá Bảy Bon, chia sẻ: “Chúng tôi làm du lịch từ tài nguyên thiên nhiên song hành với việc gìn giữ và bảo tồn các giống cá trên sông Hậu. Bên cạnh việc sưu tầm, nghiên cứu để nhân giống cá, chúng tôi còn một khu vực riêng để cá tự nhiên vào sinh sống. Ngay cả hướng dẫn viên địa phương cũng được hướng dẫn luôn khuyến nghị du khách thả cá nhỏ về môi trường tự nhiên khi trải nghiệm các hoạt động tát mương bắt cá”. Trong khi đó, bà Huỳnh Thị Bích Tuyền, chủ Mekong Silt Ecolodge, cũng thông tin: “Văn hóa bản địa phải dựa trên cộng đồng dân cư. Vì thế khi làm du lịch, chúng tôi luôn tạo điều kiện để người dân địa phương có thể tham gia vào các hoạt động này. Như vậy vừa tạo được công ăn việc làm ổn định cho người dân, vừa là cách duy trì, bảo tồn được các làng nghề, văn hóa truyền thống”.
 
Văn hóa bản địa là yếu tố quan trọng trong phát triển du lịch, nhất là đối với thị trường khách quốc tế. Sự độc đáo, khác biệt của sản phẩm du lịch cũng do yếu tố văn hóa bản địa quyết định. Ðây là một trong những yếu tố góp phần định vị cho du lịch của mỗi địa phương. Trên tiến trình hội nhập, du lịch Cần Thơ cũng đã và đang từng bước đầu tư xây dựng những sản phẩm du lịch đặc trưng từ yếu tố này.
 
Bài, ảnh: Ái Lam 
Báo Cần Thơ Online - baocantho.com.vn