Với nhiều tiềm năng, lợi thế, huyện Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị) đã quan tâm phát triển ngành du lịch, góp phần tích cực vào quá trình phát triển KT-XH tại địa phương. Trong thời gian tới, huyện Triệu Phong sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm đưa ngành du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Chú trọng khai thác tiềm năng, lợi thế
Bãi tắm Nhật Tân, xã Triệu Lăng trong mùa hè này thu hút khá đông du khách đến tắm biển và sử dụng các dịch vụ tại bãi tắm. Được sự quan tâm của huyện và sự chỉ đạo trực tiếp của chính quyền địa phương, đến nay, bãi tắm đã được quy hoạch, cơ bản hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu và đưa vào khai thác phục vụ khách du lịch trong và ngoài tỉnh.
Chủ tịch UBND xã Triệu Lăng Đặng Quang Hải cho biết: “Nằm cách trung tâm huyện Triệu Phong hơn 10 km, bãi tắm Nhật Tân được thiên nhiên ban tặng làn nước trong xanh với bãi cát mịn màng, trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, những năm trở lại đây, nhờ được huyện quan tâm quy hoạch, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng nên bãi tắm Nhật Tân được đưa vào khai thác du lịch với gần 20 lô quầy phục vụ du khách.
Theo thống kê của UBND xã Triệu Lăng, từ đầu năm đến nay, bãi tắm đã đón khoảng 1.500 du khách trên địa bàn tỉnh và những vùng lân cận đến tham quan, tắm biển. Nhằm chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để đón khách du lịch, chính quyền địa phương đã chỉ đạo các hộ kinh doanh tu sửa các lô quầy dịch vụ tại bãi tắm, thực hiện tốt vệ sinh môi trường, đảm bảo an toàn thực phẩm, an ninh trật tự, qua đó tạo điều kiện tốt nhất để đón du khách đến với bãi tắm Nhật Tân”.
Linh vật mèo tại quảng trường trung tâm huyện Triệu Phong thu hút đông đảo du khách đến tham quan vào dịp tết Nguyên đán Quý Mão - Ảnh: T.L
Để thúc đẩy ngành du lịch phát triển, huyện Triệu Phong đã chú trọng công tác xây dựng, bổ sung và điều chỉnh quy hoạch ngành, quan tâm xây dựng kết cấu hạ tầng du lịch. Nhờ vậy, kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển KT-XH của huyện nói chung, phát triển du lịch nói riêng được tăng cường đầu tư, nâng cấp. Hệ thống cơ sở lưu trú du lịch phát triển với 13 nhà nghỉ; 650 cơ sở ăn uống phục vụ du khách và 35 điểm phục vụ hoạt động vui chơi giải trí trên địa bàn huyện.
Cùng với đó, huyện Triệu Phong đã cơ bản hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu và đưa vào khai thác Khu dịch vụ du lịch bãi tắm Nhật Tân (xã Triệu Lăng); hoàn thành đường giao thông tuyến T1, T6 vào Khu du lịch sinh thái hồ Ái Tử... Hệ thống di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn cũng được địa phương quan tâm đầu tư, tôn tạo, nâng cấp. Huyện đã tiến hành cắm mốc khoanh vùng bảo vệ đối với 33 di tích cấp tỉnh trên địa bàn. Thực hiện quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt quần thể di tích Chúa Nguyễn với 10 điểm di tích thành phần…
Song song với đó, ngành du lịch cũng được huyện Triệu Phong cơ cấu lại theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững hơn. Địa phương đã triển khai thử nghiệm tour du lịch lịch sử, văn hóa, tâm linh; phối hợp liên kết xây dựng thử nghiệm tour du lịch đường sông…
Thời gian gần đây, một số hộ dân địa phương đã đầu tư xây dựng các vườn hoa, tạo thành các điểm tham quan, cắm trại, chụp hình lưu niệm thu hút khá đông du khách. Công tác xúc tiến quảng bá du lịch, thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển du lịch được tăng cường.
Địa phương cũng tạo điều kiện thuận lợi, quan tâm cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính để các doanh nghiệp đến tìm hiểu đầu tư vào huyện nói chung và phát triển du lịch nói riêng, nhất là các doanh nghiệp và cộng đồng tham gia phát triển du lịch. Quan tâm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển du lịch của trung ương, tỉnh; chú trọng bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực du lịch. Nhờ vậy, giai đoạn 2018- 2023, tổng lượng khách đến huyện Triệu Phong ước đạt 150.840 người.
Tiếp tục huy động tốt các nguồn lực để đầu tư phát triển du lịch
Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế cho thấy, ngành du lịch huyện Triệu Phong phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và chưa được khai thác xứng tầm, nhất là du lịch lịch sử - văn hóa, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái biển, hồ.
Hiện nay, nhiều di tích lịch sử văn hóa xuống cấp, hư hỏng, chưa được nâng cấp. Cơ sở hạ tầng điểm du lịch chưa được đầu tư có quy mô lớn, chất lượng còn thấp. Trên địa bàn còn thiếu các cơ sở lưu trú, khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi giải trí, mua sắm, trạm dừng chân và các dịch vụ khác phục vụ nhu cầu của khách du lịch. Bên cạnh đó, các sản phẩm du lịch còn thiếu, đơn điệu, chưa đủ sức hấp dẫn, chất lượng chưa cao…
Nguyên nhân chủ yếu là do quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của huyện Triệu Phong chưa được bài bản, đầy đủ. Cơ sở hạ tầng phát triển KT-XH nói chung, phát triển du lịch nói riêng chưa được đầu tư đồng bộ, tương xứng. Nguồn lực đầu tư cho phát triển du lịch còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển du lịch. Các chính sách khuyến khích phát triển du lịch và thu hút đầu tư chưa thực sự hấp dẫn.
Công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch chưa được duy trì thường xuyên. Chưa có các doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển du lịch; việc thu hút các nhà đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn huyện còn gặp khó khăn. Việc liên kết các địa phương trong xây dựng các tour, tuyến du lịch chưa được quan tâm đúng mức…
Trong thời gian tới, huyện Triệu Phong tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển du lịch trên địa bàn. Đồng thời, nâng cao nhận thức trong cấp ủy, chính quyền địa phương, đội ngũ cán bộ, đảng viên, Nhân dân và cộng đồng xã hội đối với phát triển du lịch. Tiếp tục huy động tốt các nguồn lực đầu tư phát triển du lịch, nhất là các nguồn lực để đầu tư tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, danh thắng; bảo tồn các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể để khai thác tốt giá trị văn hóa trong phát triển du lịch.
Cùng với đó là tăng cường công tác truyền thông, xúc tiến đầu tư du lịch, quảng bá tiềm năng du lịch của địa phương. Chú trọng liên kết với các địa phương trong phát triển du lịch, hình thành các sản phẩm, các tour, tuyến du lịch đặc trưng, mới lạ, hấp dẫn, nhất là du lịch văn hóa tâm linh, du lịch lịch sử cách mạng, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa cộng đồng, du lịch ẩm thực...
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch theo hướng nền nếp, chất lượng, chuyên nghiệp, bền vững. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động du lịch tại các khu, điểm du lịch, các cơ sở lưu trú, dịch vụ ăn uống,.. đảm bảo an toàn, an ninh trật tự, văn minh lịch sự.
Để hiện thực hóa mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong thời gian tới, bên cạnh sự nỗ lực của chính quyền địa phương rất cần sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và người dân theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng và hiệu quả hơn.
Thanh Lê