logo
title

Hòa Bình: Huyện Mai Châu gắn bảo tồn với phát huy giá trị di tích khảo cổ

Cập nhật ngày: 17/07/2023
Huyện Mai Châu (tỉnh Hòa Bình) hiện có 5 di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh được Bộ VHTTDL công nhận gồm: Hang Khoài, xã Xăm Khòe; hang Mỏ Luông, hang Chiều, thị trấn Mai Châu; hang Láng, hang Piềng Kẻm, xã Chiềng Châu. Trong đó, hang Khoài, hang Láng là 2 trong 10 di tích khảo cổ về nền "Văn hoá Hoà Bình” tiêu biểu được xếp hạng di tích quốc gia. Để nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc bảo tồn, phát huy những di sản khảo cổ, huyện Mai Châu đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó quan tâm, gắn phát triển du lịch với các di tích khảo cổ.
 
Một số hiện vật bằng đá, hóa thạch động vật và di cốt người được khai quật tại mái đá Phứng Quyền, xã Mai Hịch (Mai Châu)
 
Mái đá Phứng Quyền thuộc xã Mai Hịch đã được các nhà khảo cổ học trong và ngoài nước công bố những kết quả khảo sát quan trọng. Mái đá Phứng Quyền được điều tra phát hiện và thăm dò từ năm 1976, thu thập được 22 công cụ đá, 13 mảnh đá cuội và 88 tiêu bản xương động vật đã được nghiên cứu, công bố cùng kết quả niên đại, đặc biệt có mảnh hàm trên có răng của gấu tre và răng voi cổ. Tháng 7/2021 tiếp tục mở hố thăm dò, trong quá trình thăm dò phát hiện 2 di tích mộ táng, ngoài ra khai quật được di cốt động vật, hiện vật đá...
 
Tháng 3/2023, đoàn nghiên cứu của Viện Khảo cổ học phối hợp các nhà khoa học từ Nhật Bản, Sở VHTTDL tỉnh Hòa Bình, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Mai Châu tiếp tục thực hiện công tác thăm dò, nghiên cứu mở rộng thêm các phần đã khai quật trước đó. Quá trình thực hiện khai quật từ ngày 06 - 23/3, đoàn nghiên cứu thu được 17 mẫu than trong địa tầng đáng tin cậy, ứng với các lớp địa tầng khác nhau. Viện Khảo cổ và chuyên gia Nhật Bản đánh giá đây là di chỉ còn nguyên vẹn về tầng văn hoá nhất Việt Nam được phát hiện từ trước đến nay, là điểm khảo cổ đặc biệt có giá trị để tiếp tục nghiên cứu. "Việc phát hiện và khai quật di tích mái đá Phứng Quyền trên địa bàn là một phát hiện đặc biệt quan trọng đối với xã. Tới đây, khi được công nhận là di tích quốc gia, xã sẽ khai thác di tích mái đá Phứng Quyền phục vụ du khách đến tham quan tìm hiểu văn hóa, lịch sử của địa phương” - đồng chí Vì Văn Việt, Phó Chủ tịch UBND xã Mai Hịch chia sẻ.
 
Trước đó, hang Khoài, xã Xăm Khòe cũng từng được các nhà khảo cổ khai quật và phát hiện có di cốt của người Việt cổ. Những kết quả nghiên cứu, khai quật khảo cổ ở các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Mai Châu đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của các nhà khoa học và đông đảo công chúng, đóng góp thêm dữ liệu lịch sử cho hoạt động giáo dục, làm sáng rõ quá trình hình thành, phát triển tự nhiên, xã hội của nền Văn hóa Hòa Bình. Những kết quả này đồng thời tạo cơ hội để Mai Châu xây dựng thêm sản phẩm du lịch văn hóa có giá trị, phục vụ đa dạng nhu cầu thăm quan, học tập, nghiên cứu của người dân và du khách.
 
Đồng chí Ngần Văn Tuấn, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Mai Châu cho biết: Từ nhận thức sâu sắc vấn đề này, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện đã phối hợp các cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di tích khảo cổ, đáp ứng yêu cầu vừa bảo toàn tính nguyên vẹn của các di tích để phục vụ nghiên cứu, học tập vừa trở thành điểm thăm quan hấp dẫn. Trong đó, các cơ quan chức năng huyện thường xuyên tuyên truyền đến người dân về giá trị văn hóa của các di tích trên địa bàn. Đặc biệt cần bảo vệ và phát huy giá trị di tích khảo cổ; xây dựng kế hoạch bảo vệ, bảo tồn bền vững những di tích khảo cổ. Phòng Văn hóa - thông tin đã tham mưu UBND huyện thành lập Ban quản lý di tích cấp huyện, cấp xã; quy hoạch, bảo tồn các di sản văn hóa để đảm bảo vững chắc cho sự phát triển du lịch; đầu tư cơ sở hạ tầng các khu du tích, kêu gọi xã hội hóa để cải tạo hệ thống giao thông khu di tích, tạo thuận lợi cho việc thăm quan du lịch; đẩy mạnh công tác quảng bá du lịch gắn với di sản văn hóa để khai thác tốt du lịch khảo cổ; phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích khảo cổ gắn với phát triển du lịch tại các khu di tích.
 
Nhờ đó, việc khai thác các di tích khảo cổ trong hoạt động du lịch vừa phát huy giá trị di tích hiệu quả, đồng thời góp phần vào phát triển kinh tế của huyện. Để phát triển du lịch dựa trên các giá trị văn hóa đặc biệt của di tích khảo cổ được bền vững, thời gian tới, huyện Mai Châu tiếp tục quan tâm, làm tốt công tác bảo tồn các di tích khảo cổ hiện có trên địa bàn.
 
Thanh Loan  
 
(Trung tâm VH-TT&TT huyện Mai Châu)
Báo Hòa Bình điện tử - baohoabinh.com.vn