logo
title

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản ở Đại Hưng (Đại Lộc, Quảng Nam)

Cập nhật ngày: 20/07/2023
Sự kiện cây đa ở đình Trung thuộc thôn Trúc Hà, xã Đại Hưng (Đại Lộc, Quảng Nam) được công nhận là Cây di sản Việt Nam là tin vui lớn của cộng đồng, làng xã. Song, trách nhiệm, nghĩa vụ bảo tồn, phát huy các giá trị di sản là bài toán đặt ra.
 
Vẻ đẹp của cây đa di sản Đại Hưng. Ảnh: H.Liên 
 
Cộng đồng bảo tồn, gìn giữ
 
Theo các vị cao niên làng Trúc Hà, cây đa ở đình Trung (thôn Trúc Hà, xã Đại Hưng) có tuổi gần 200 năm, trồng cùng thời gian hoàn thành công trình đình Trung của làng.
 
Đình Trung được xây dựng vào thời Minh Mạng (1820 - 1841), đình lập ra để thờ Thần Hoàng, vị Phúc thần cấp Thượng đẳng, vị chủ thần bảo vệ sự bình an cho cư dân địa phương. Người dân làng Trúc Hà trồng và chăm sóc cây đa ở phía đông của ngôi đình.
 
Ông Phạm Thế Chất - Bí thư Đảng ủy xã Đại Hưng chia sẻ, tương truyền, cây đa làng Trúc Hà hay còn gọi là cây đa Đình Trung có từ năm 1820, thời Minh Mạng.
 
Cây đa có hình thái đẹp, tán lá xanh mát, gắn bó với đời sống người dân địa phương và được gìn giữ qua bao thế hệ. Chính quyền và nhân dân cam kết sẽ tích cực giữ gìn, bảo tồn tốt nhất cho cây di sản cũng như gìn giữ và phát huy truyền thống tốt đẹp của ông cha trên đất này.
 
Tại lễ trao bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam tại xã Đại Hưng mới đây, GS. Đặng Huy Huỳnh - Chủ tịch Hội đồng Cây Di sản Việt Nam đề nghị, chính quyền cùng cộng đồng người dân địa phương cần thực hiện tốt công tác chăm sóc, bảo vệ cây di sản.
 
Đồng thời tính toán đến việc khai thác giá trị kinh tế từ cây di sản bằng cách liên kết biến cây di sản thành điểm du lịch tham quan, tạo điều kiện cho du khách khám phá các giá trị văn hóa - bản địa. Được biết, hiện có 5.500 cây di sản trên khắp cả nước được vinh danh.
 
Phát huy giá trị di sản
 
Được biết, cây đa di sản làng Trúc Hà nằm trong một quần thể kiến trúc, di tích của làng gồm: miếu Bà xóm dưới (xây dựng thời Gia Long), còn có tên gọi là Ngũ Nương tự. Tương truyền, miếu Bà xóm dưới ở làng Trúc Hà là thờ năm người phụ nữ cấy lúa chỉ đường đánh lạc hướng quân Tây Sơn truy đuổi, cứu sống quân chúa Nguyễn, do đó 5 bà bị quân Tây Sơn giết chết.
 
Sau này, nhớ ơn, vua Gia Long sắc phong cho 5 bà là Ngũ Nương, cho xây miếu thờ Ngũ Nương Tự, lệnh dân làng hằng năm vào ngày 14 tháng Giêng tổ chức cúng tế, lệ ấy vẫn được lưu truyền tới nay. Trong 2 cuộc chiến tranh, miếu Bà xóm dưới bị tàn phá nghiêm trọng. Làng Trúc Hà còn có miếu Bạch Hổ, được xây dựng tại Hóc Lăng, nơi có bìa rừng, tục danh gọi là bằng Trầm Hương.
 
Lễ cúng miếu Bạch Hổ thường vào cuối năm âm lịch, ngày 26 tháng Chạp, nơi đây còn là địa điểm tổ chức Lễ hội Mục đồng. Theo quy định, vào ngày này các chủ hộ có trâu bò trong làng đều phải sắm lễ gồm: trầu, cau, rượu, mâm xôi, con gà trống luộc để cúng tế tại miếu.
 
Đình Trung - vị trí có cây đa di sản ngày nay - xưa kia từng là công trình to lớn, uy nghiêm của làng Trúc Hà. Theo các bô lão, đình có cấu trúc gỗ bằng lim, trính kèo thuộc hạng danh mộc được khắc chạm tinh xảo. Đình thờ 4 cấp: Thượng đẳng thần, Trung đẳng thần, Hạ đẳng thần và Nhân hiển thần.
 
Chính điện thờ Thần Hoàng; 2 gian thứ thờ các vị Tiền bối hữu công; 2 gian hè thờ những vị có công với làng, với dân. Đình làng là nơi diễn ra các hoạt tâm linh của nhân dân địa phương trong việc tế hằng năm, được tổ chức trọng thể linh đình.
 
Nơi đây từng diễn ra lễ Kỳ yên cầu Quốc thái Dân an (14, 15 tháng Ba âm lịch). Trải qua 2 cuộc kháng chiến, đình Trung đã bị bom đạn cày xới, không còn dấu vết. Nhưng điều kỳ lạ là cây đa đình Trung không bị hề hấn gì, vẫn xanh tốt quanh năm...
 
Theo ông Nguyễn Đình Phúc - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Trúc Hà, lâu nay nhiều lễ hội, tín ngưỡng dân gian của thôn Trúc Hà nói riêng, xã Đại Hưng nói chung đã bị mai một, chỉ có lễ Ngũ Hành tiên nương là còn được bảo tồn trong cộng đồng. Lễ hội gắn liền với đình Trung, song do nhiều khó khăn, đình Trung vẫn chưa được phục dựng.
 
Cùng với cây đa di sản, dân làng Trúc Hà mong muốn có điều kiện phục dựng mái đình xưa cùng một số thiết chế văn hóa để đáp ứng các nhu cầu tín ngưỡng, văn hóa của cư dân bản địa. Việc phục dựng, trùng tu và chung tay gìn giữ các di tích, các công trình tín ngưỡng văn hóa góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa bản địa và truyền thống tốt đẹp của quê hương.
 
 Liên Bích 
Báo Quảng Nam Online - baoquangnam.vn