logo
title

Hưng Yên: Xã hội hoá hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích

Cập nhật ngày: 04/08/2023
Thực hiện chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích, các cấp chính quyền trong tỉnh Hưng Yên đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân đóng góp kinh phí, ngày công…, cùng với đầu tư từ ngân sách nhà nước để bảo tồn và phát huy giá trị của di tích, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của Nhân dân.
 
Đình Hành Lạc, thị trấn Như Quỳnh (Văn Lâm) hoàn thành việc tu sửa năm 2019 nhờ xã hội hoá
 
Đầu năm 2023, Nhân dân thôn Dị Chế, xã Dị Chế (Tiên Lữ) phấn khởi khi di tích lịch sử cấp Quốc gia đền Dị Chế (Đền Già), thờ Đức vua Ngô Quyền hoàn thành việc trùng tu, tôn tạo. Trước đó, nhiều hạng mục của đền đã bị xuống cấp nghiêm trọng, chính quyền và người dân đã đề nghị cấp trên cho phép người dân góp công, sức, trùng tu, tôn tạo đình được khang trang hơn với tổng chi phí hơn 20 tỷ đồng. Trong đó hơn 19 tỷ là do anh Vũ Phi Hổ, người con xa quê ủng hộ, phần tiền còn lại và ngày công lao động do Nhân dân, nhà hảo tâm, doanh nghiệp… đóng góp. Ngôi đền sau khi được tu bổ, tôn tạo có diện mạo mới khang trang nhưng vẫn giữ được nét cổ kính. Đền Dị Chế luôn là điểm "về nguồn" của bao thế hệ con em trong làng.
 
Đồng chí Phạm Văn Phương, Chủ Tịch UBND xã Dị Chế cho biết: Việc tu bổ di tích tại địa phương rất thuận lợi. Quá trình tu bổ, tôn tạo được thực hiện theo đúng quy trình và hướng dẫn của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, bảo đảm gìn giữ những giá trị lịch sử, truyền thống…
 
Đình Hành Lạc, thôn Hành Lạc, thị trấn Như Quỳnh (Văn Lâm) thờ Ngũ vị đại thần, được xếp hạng là di tích cấp quốc gia năm 2011. Năm 2019 nhận thấy mái đình bị trũng, nền thấp, nhiều chi tiết của đình xuống cấp…Chính quyền và Nhân dân thị trấn Như Quỳnh đã có văn bản gửi các cấp có thẩm quyền về tu bổ, bảo vệ di tích. Được sự cho phép của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đền đã được trùng tu với tổng kinh phí hơn 1 tỷ đồng, trong đó phần lớn là kinh phí huy động từ nguồn xã hội hóa.
 
Không chỉ có đình Hành Lạc, công tác bảo vệ, tôn tạo nhằm phát huy các giá trị di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn thị trấn được quan tâm. Từ năm 2013 đến nay, nguồn vốn xã hội hoá để tu sửa các di tích lịch sử của thị trấn là  gần 7 tỷ đồng. Đồng chí Vũ Đức Đoàn, Phó chủ tịch UBND thị trấn Như Quỳnh cho biết: Những năm qua, nhận thức của các cấp ủy đảng chính quyền và Nhân dân đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích được tăng lên, nguồn xã hội hóa được huy động và sử dụng hiệu quả trong việc trung tu di tích. Quá trình tu bổ được đều diễn ra công khai, minh bạch, đúng quy định nên người dân rất phấn khởi.
 
Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 1.802 di tích, trong đó có 3 di tích, khu di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt; 175 di tích, cụm di tích xếp hạng cấp quốc gia; 271 di tích, cụm di tích xếp hạng cấp tỉnh… Trong đó, nhiều di tích là công trình kiến trúc tín ngưỡng, tôn giáo; hệ thống cổ vật, di vật và các giá trị văn hóa phi vật thể quý giá. Trải qua năm tháng, nhiều di tích bị xuống cấp cần được tu bổ để bảo đảm an toàn cho người dân cũng như các di vật, cổ vật. 
 
Với số lượng di tích lịch sử, văn hóa đứng thứ 3 cả nước, trong khi điều kiện ngân sách Nhà nước còn hạn chế, thời gian qua, các địa phương tích cực vận động, đẩy mạnh công tác xã hội hoá (XHH) nhằm huy động nguồn lực từ Nhân dân cho công tác trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, công tác XHH nguồn lực trong đầu từ, tu bổ, tôn tạo, phục hồi di tích những năm gần đây nhận được sự ủng hộ tích cực của người dân, sự quan tâm hỗ trợ của các ngành, các cấp, tổ chức…
 
Từ năm 2017 đến 2020, đã có nhiều di tích được trùng tu, tôn tạo bằng nguồn xã hội hoá như: chùa An Xá, xã Toàn Thắng (Kim Động); đình Nho Lâm, xã Ngọc Lâm (Mỹ Hào); đền Triều Dương, xã Hải Triều (Tiên Lữ)…Năm 2021 có thêm 14 di tích đã được đầu tư tu bổ bằng nguồn lực xã hội hoá.
 
Nhìn chung công tác tu bổ, chống xuống cấp di tích được thực hiện đúng theo các quy định của pháp luật, tập trung tu sửa các hạng mục chính, xuống cấp nặng, giữ gìn, bảo tồn tối đa yếu tố gốc của di tích. Các di tích sau khi được tu bổ, tôn tạo đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của Nhân dân địa phương; đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, đem lại lợi ích kinh tế, xã hội cho địa phương.
 
Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hường, Trưởng ban Quản lý di tích tỉnh cho biết: Để bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa, thời gian tới, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tiếp tục tham mưu với tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật trong thực hiện các chế độ chính sách, công tác quản lý, tu bổ tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn; đẩy mạnh tuyên truyền Luật Di sản văn hoá cho người dân; khuyến khích hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích từ nguồn kinh phí ngoài ngân sách Nhà nước; tạo sự gắn kết giữa bảo tồn phát huy di sản văn hóa với phát triển du lịch của tỉnh.
 
Kim Cúc
Báo Hưng Yên điện tử - baohungyen.vn