Năm 2023, huyện đảo Cồn Cỏ (tỉnh Quảng Trị) đặt mục tiêu thu hút khoảng 10.000 lượt du khách, doanh thu từ du lịch, dịch vụ đạt khoảng 13,5 tỉ đồng. Từ đầu năm đến ngày 30/7, đã có hơn 7.200 lượt khách đến với đảo, doanh thu từ dịch vụ, du lịch cũng tăng lên. Hiện tại có 2 tàu phục vụ du khách ra đảo mỗi ngày, đó là tàu “Cồn Cỏ Tourist” và tàu “Chín Nghĩa Quảng Trị”.
Du khách chụp hình lưu niệm tại cột cờ Tổ quốc trên đảo Cồn Cỏ - Ảnh: Tú Linh
Mỗi chuyến tàu từ đất liền ra đảo thường bắt đầu ở cảng Cửa Việt vào khoảng 7 đến 8 giờ sáng các ngày trong tuần. Thời gian ra đảo mất từ 45 phút đến 1 giờ, du khách ở lại đảo Cồn Cỏ một đêm rồi trở về đất liền vào ngày hôm sau.
Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Nguyễn Đức Tân cho biết, Cồn Cỏ là huyện đảo cách đất liền khoảng hơn 18 hải lý, có diện tích 2,3 km2 , dân số khoảng 400 người. Mặc dù diện tích không lớn nhưng Cồn Cỏ có vị trí chiến lược quan trọng án ngữ cửa ngõ phía Nam vịnh Bắc Bộ.
Cồn Cỏ có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển du lịch, đảo hoang sơ, chưa chịu sự tác động nhiều của con người. Cảnh quan của đảo như một bảo tàng thiên nhiên. Trên đảo có rừng bao phủ rộng khắp với những con đường đẹp để du khách đi bộ hoặc đạp xe ngắm rừng nguyên sinh hoa lá xanh tươi bốn mùa. Xung quanh đảo là Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ.
Đây là một trong những hệ sinh thái biển có tính đa dạng sinh học cao của Việt Nam, với các hệ sinh thái điển hình của vùng biển nhiệt đới như rạn san hô, rong cỏ biển và các loài cá. Hệ sinh vật biển của đảo thuộc loại phong phú nhất, đẹp nhất của Việt Nam. Kết quả điều tra của các nhà khoa học cho thấy, Cồn Cỏ có đến 109 loài san hô, nhiều loại quý hiếm, nhất là san hô đỏ và san hô đen, ngoài ra còn có hơn 50 loài rong biển có giá trị cao.
Du khách đến Cồn Cỏ được trải nghiệm từ rừng xuống biển, được đắm mình trong làn nước trong veo với những rặng san hô đủ sắc màu. Hấp dẫn hơn, Cồn Cỏ nằm trong hệ thống tam giác du lịch nổi tiếng Cồn Cỏ-Cửa Việt- Cửa Tùng nên đến Quảng Trị, du khách sẽ có dịp để khám phá không chỉ Cồn Cỏ mà còn các địa điểm ven biển có cảnh quan đẹp cũng như các di tích lịch sử quốc gia đặc biệt.
Ông Nguyễn Văn Dũng, một du khách từ Hà Nội vào thăm đảo cho biết: “Nếu đến Cồn Cỏ để thưởng ngoạn du lịch văn hóa-lịch sử thì vẫn chưa hiểu hết hòn đảo tiền tiêu có một không hai này. Ẩm thực ở Cồn Cỏ cũng có những nét đặc sắc riêng. Ốc biển ở đây thịt giòn, vị đậm và thơm đặc trưng. Các món ngon nữa là hàu, rong nho biển và thịt lợn được nuôi trên đảo. Đến một điểm du lịch chỉ cần thích và nhớ một món ngon là đã thành công, nhưng Cồn Cỏ đã cho tôi nhớ và thích nhiều điều. Du khách đến đảo Cồn Cỏ sẽ thích hợp nhất với tour du lịch 2 ngày 1 đêm”.
Theo Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện đảo Cồn Cỏ Võ Viết Cường, với những tiềm năng, lợi thế đó, ngay từ khi thành lập huyện theo Nghị định 174/2004/ NĐ-CP ngày 1/10/2004 và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 18/4/2005, Chính phủ đã có chủ trương đặc thù cho huyện đảo Cồn Cỏ là phát triển kinh tế kết hợp với củng cố, đảm bảo quốc phòng - an ninh, trong đó ưu tiên xây dựng Cồn Cỏ trở thành hòn đảo du lịch biển.
Trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH giai đoạn 2020- 2025, tầm nhìn đến năm 2030, huyện đảo Cồn Cỏ tiếp tục kêu gọi, thu hút đầu tư xây dựng các công trình đã được phê duyệt phục vụ phát triển KT-XH, trong đó tập trung vào hạ tầng du lịch.
Ông Võ Viết Cường thừa nhận, để phục vụ tốt hơn nữa cho du khách thì Cồn Cỏ cần hình thành các sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng, chuyên biệt không bị trùng lặp với những nơi khác như: du lịch lặn biển, du lịch câu cá, du lịch trải nghiệm gắn với xây dựng thương hiệu Cồn Cỏ.
Tăng cường sự phối hợp giữa các địa phương trong tỉnh, nhất là giữa các điểm du lịch nhằm tạo ra các chuỗi tham quan hấp dẫn kết hợp giữa du lịch trên đất liền với đảo Cồn Cỏ để nâng cao hiệu quả khai thác các tour, tuyến du lịch.
Đi tìm sự phát triển phù hợp cho đảo Cồn Cỏ, các nhà nghiên cứu kinh tế du lịch cho rằng, bên cạnh duy trì các sản phẩm du lịch đại trà, bình dân, tỉnh Quảng Trị cần xây dựng thương hiệu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, xây dựng các khách sạn kèm theo các dịch vụ chất lượng cao để đón lượng khách ít nhưng chi tiêu nhiều. Từ đó xây dựng được những sản phẩm du lịch khác biệt, có sức cạnh tranh với những trung tâm du lịch lớn trong nước.
Theo ông Nguyễn Đức Tân, để phát huy truyền thống văn hóa, lịch sử hòn đảo anh hùng trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, những ẩm thực độc đáo và khu bảo tồn biển đảo ít nơi có, nằm trong chương trình kích cầu phát triển du lịch, UBND tỉnh đang kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng cơ sở lưu trú đạt chuẩn tại huyện đảo Cồn Cỏ nhằm thúc đẩy du lịch Cồn Cỏ phát triển xứng đáng với tiềm năng, lợi thế sẵn có.
Tú Linh