Đơn Dương (Lâm Đồng) có nguồn tài nguyên du lịch khá là đa dạng, rất thuận lợi để phát triển những loại hình du lịch canh nông, sinh thái và mô hình trải nghiệm các giá trị văn hóa bản địa Churu...
Đơn Dương sở hữu nền văn hóa các dân tộc bản địa đặc sắc
Theo thống kê của Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đơn Dương, Đơn Dương hiện có khoảng 33 cơ sở lưu trú du lịch, trên 28 nhà hàng và hơn 30 điểm mua sắm, cùng nhiều thắng cảnh, những điểm văn hóa giàu bản sắc. Ngoài ra, ẩm thực độc đáo với nhiều món ăn đặc sắc của các dân tộc K’Ho, Churu... cũng là một trong những sản phẩm du lịch bổ trợ được nhiều khách du lịch nhớ tới trong hành trình khám phá miền rau Đơn Dương. Những năm gần đây, Đơn Dương đã kịp thời nắm bắt xu thế, hình thành và phát triển nhiều sản phẩm du lịch để giúp khách du lịch có thêm những trải nghiệm, khám phá tại nơi được mệnh danh là “đồng bằng trên núi”. Ông Nguyễn Văn Thanh - Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đơn Dương, chia sẻ: “Với lợi thế về cảnh quan, cùng tài nguyên nhân văn, Đơn Dương đang ưu tiên xây dựng các loại hình: du lịch canh nông kết hợp với quảng bá và tiêu thụ nông sản địa phương, du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa, du lịch thể thao mạo hiểm, du lịch tâm linh... Bên cạnh đó, du lịch cộng đồng là một sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương, rất nhiều thế mạnh để phát triển”.
Ông Lê Kim Phúc - Giám đốc Công ty Cổ phần We 4U - anh K’Ho tracking nhìn nhận: “Một trong những trở ngại về phát triển du lịch ở Đơn Dương chính là điều kiện cơ sở hạ tầng giao thông chưa thuận lợi nên mức độ thu hút đầu tư vào du lịch chưa cao. Thêm nữa, địa phương chưa có những chiến lược truyền thông và marketing đủ mạnh dẫn đến tình trạng nhu cầu của khách du lịch và năng lực cung ứng về dịch vụ du lịch của địa phương chưa gặp được nhau”. Anh Lã Duy Tân, hướng dẫn viên du lịch của Công ty Cổ phần We 4U - anh K’Ho tracking, cũng thừa nhận: “Nói đến du lịch ở Đơn Dương hầu hết khách du lịch đều khá là bỡ ngỡ. Rất ít người biết rằng, Đơn Dương là 1 trong 5 huyện của cả nước được Chính phủ chọn để xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao. Nơi đây có một nền nông nghiệp rất phát triển, là vựa rau, củ, quả lớn nhất nước. Đơn Dương còn có những tài nguyên du lịch khác, ví dụ hệ thống các suối thác, đập thủy điện, đồi thông Châu Sơn, hồ Próh, đường ray xe lửa, kiến trúc tôn giáo, văn hóa Churu...”.
Thời gian qua, Đơn Dương cũng đã hình thành một số điểm du lịch canh nông, điểm du lịch trải nghiệm ở thị trấn Thạnh Mỹ, thị trấn D’ran, xã Ka Đơn và xã Próh, xã Quảng Lập... Các điểm du lịch này đều dựa trên thế mạnh của địa phương về nông nghiệp. Bên cạnh việc giúp khách du lịch trải nghiệm cuộc sống nông thôn và nông dân, các điểm du lịch ở Đơn Dương còn thiết kế những tour du lịch đặc sắc như du lịch tái tạo, du lịch chữa lành... “Đấy chỉ là những nỗ lực cá nhân nên tính kết nối giữa các điểm du lịch trên địa bàn Đơn Dương còn nhiều hạn chế. Tính cạnh tranh và chất lượng dịch vụ du lịch ở đây vẫn còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng về du lịch của Đơn Dương. Để nâng cao vị thế du lịch Đơn Dương, giúp giải quyết việc làm cho lao động địa phương, tạo sự chuyển biến về cơ cấu kinh tế như nghị quyết đề ra: giai đoạn 2021-2025, tốc độ tăng trưởng ngành du lịch - dịch vụ của Đơn Dương chiếm trên 36% và số lượng khách lưu trú tăng bình quân từ 9-10%/năm, Đơn Dương mong muốn nhận được sự hỗ trợ của các nhà đầu tư du lịch, các công ty lữ hành liên kết với địa phương để phát triển du lịch, biến Đơn Dương thành điểm đến an toàn, thân thiện”, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đơn Dương Nguyễn Văn Thanh nói rõ.
Trịnh Chu