logo
title

Yên Bái nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch

Cập nhật ngày: 07/09/2023
Trước sự suy giảm nguồn nhân lực du lịch do tác động của dịch Covid-19, phục hồi và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch là một trong những giải pháp tỉnh Yên Bái đặc biệt quan tâm, coi đây là yếu tố then chốt giúp tăng khả năng cạnh tranh và xây dựng thương hiệu du lịch bền vững.
 
Anh Thào A Su ở Mù Cang Chải đã biết cách thu hút du khách đến homestay của gia đình sau khi tham gia đào tạo nghề
 
Trong thời gian đại dịch Covid-19 bùng phát, do thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch dẫn đến một số cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch hoạt động cầm chừng hoặc tạm dừng hoạt động, tác động mạnh mẽ đến tâm lý của người lao động trong ngành. Bởi vậy, toàn ngành đã có 149 lao động tạm nghỉ việc, 1.517 lao động làm việc cầm chừng bán thời gian… 
 
Để phát triển nguồn nhân lực trong giai đoạn phục hồi và phát triển, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể. Các lớp đào tạo nghề chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, tập trung vào ngành nghề dịch vụ, du lịch được tổ chức hàng năm, dựa trên cơ sở khảo sát học viên để đào tạo sát với nhu cầu thực tế song song với tổ chức các đoàn học tập kinh nghiệm phát triển du lịch cộng đồng đến nhiều tỉnh trong khu vực Tây Bắc và các tỉnh Tây Nguyên - đồng bằng sông Cửu Long. 
 
Nhờ đó, tỷ lệ người lao động được đào tạo nghề trình độ từ trung cấp trở lên đã đạt khoảng 30%. Đặc biệt, trong bối cảnh du lịch Yên Bái đang nỗ lực để thu hút nhiều du khách quốc tế, phân khúc du khách chi tiêu cao, nhiều địa phương có thế mạnh về du lịch đã từng bước hình thành và phát triển nguồn nhân lực đủ số lượng, cân đối cơ cấu ngành nghề, đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường và phù hợp với các định hướng phát triển sản phẩm du lịch. 
 
Là địa phương có mục tiêu trở thành huyện du lịch, một trong những nhiệm vụ được huyện Mù Cang Chải đặt ra là xây dựng lực lượng lao động chuyên nghiệp, đa ngành nghề. Nhiều giải pháp đã được huyện đẩy mạnh triển khai: tổ chức các lớp học nghề về làm du lịch; thành lập và duy trì các đội văn nghệ truyền thống; chuyên nghiệp hoá đội ngũ xe ôm, hướng dẫn viên bản địa, người vận chuyển, mở lớp truyền dạy văn hóa dân tộc… 
 
Từ đây, nhiều cơ sở du lịch đã được hình thành, đồng thời, tác động mạnh vào việc thay đổi tư duy, cách làm về du lịch cho đồng bào. 
 
Anh Giàng A Vềnh ở xã La Pán Tẩn tâm sự: "Sau khi học nghề, mình đã biết áp dụng nhiều kiến thức vào làm dịch vụ homestay như trang trí phòng đậm nét văn hóa dân tộc, tổ chức các chuỗi hoạt động trải nghiệm tại địa phương cho du khách hay sử dụng Internet để quảng bá du lịch. Ăn uống của dân tộc mình khá đơn giản nên mình cũng tham gia tập huấn ngắn hạn về nấu ăn, pha chế để biết cách kết hợp giữa các món ăn truyền thống với hiện đại, đáp ứng nhu cầu của du khách”. 
 
Không chỉ vậy, ở Mù Cang Chải còn có 1 mô hình mang tên "Trường học du lịch” nhằm mục tiêu bồi dưỡng, đào tạo lực lượng lao động chất lượng cao trong tương lai có nhận thức, kỹ năng cơ bản về du lịch. 7 đơn vị trường tham gia mô hình đã chủ động tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao bản sắc, các hoạt động trải nghiệm thực tiễn trong và ngoài khu vực nhà trường, nhất là tại các địa điểm du lịch nổi tiếng; tăng cường tổ chức các hoạt động rèn kỹ năng ứng xử, giao tiếp, thuyết trình, làm việc theo nhóm với mục tiêu tất cả học sinh được rèn kỹ năng, được định hướng, được bồi dưỡng để trở thành hướng dẫn viên du lịch. 
 
Cách làm ở Mù Cang Chải đang khá hiệu quả để hình thành một lực lượng lao động phục vụ du lịch có chất lượng ở cả hiện tại và tương lai. Cách làm tương tự này cũng đang được nhiều địa phương trên toàn tỉnh áp dụng, nhất là tại các địa phương có hoạt động du lịch phát triển mạnh như: xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn; thị xã Nghĩa Lộ…
 
Bằng nhiều giải pháp, hoạt động du lịch đang trên đà khởi sắc. Lượng du khách cùng doanh thu từ dịch vụ lưu trú, lữ hành, ẩm thực dần được phục hồi ở nhiều địa phương. Theo dự báo từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2030, nhu cầu sử dụng lao động du lịch sẽ cần khoảng 33.600 người, trong khi hiện tại, tỉnh mới chỉ có khoảng gần 8.000 lao động trong lĩnh vực này. Bởi vậy, xây dựng nguồn nhân lực đáp ứng đủ số lượng, coi trọng chất lượng, có kinh nghiệm, có trình độ ngoại ngữ, có khả năng quản trị, quản lý là mục tiêu và cũng là hướng đi mà tỉnh Yên Bái đã, đang và sẽ tiếp tục thực hiện.
 
Hoài Anh
Báo Yên Bái - baoyenbai.com.vn