logo
title

Vĩnh Phúc: Đánh thức “mỏ vàng” sản phẩm lưu niệm, quà tặng du lịch

Cập nhật ngày: 10/11/2023
Sản phẩm lưu niệm, quà tặng là một trong những yếu tố góp phần tăng sức hấp dẫn cho điểm đến, tạo thêm nguồn thu cho du lịch. Thế nhưng, thị trường quà tặng du lịch của tỉnh Vĩnh Phúc hiện nay vẫn bị bỏ ngỏ, cần được quan tâm đầu tư đúng mức nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch, nâng cao thu nhập cho người dân, khẳng định bản sắc văn hóa.
Nhận thức được tầm quan trọng của sản phẩm lưu niệm, quà tặng trong phát triển, quảng bá du lịch, những năm qua, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã tập trung khai thác nét đặc sắc về văn hóa để phát triển, đa dạng hóa chủng loại, mẫu mã sản phẩm quà tặng du lịch. Năm 2019, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm lưu niệm, quà tặng du lịch với 11 mẫu, sản phẩm đã được trao giải thưởng. Tiếp đến, năm 2022, tỉnh đã công bố danh sách mẫu sản phẩm lưu niệm và quà tặng du lịch tỉnh Vĩnh Phúc, trong đó chủ yếu là các sản phẩm OCOP như bộ sản phẩm được sản xuất từ mật ong, trà hoa vàng, đông trùng hạ thảo Tam Đảo, rượu cỏ đĩ, gạo Phú Xuân, thanh long ruột đỏ, cao rắn gia truyền...
 
Để mở rộng thị trường tiêu thụ, nhiều mẫu, sản phẩm còn được hỗ trợ trưng bày tại các chương trình, ngày hội du lịch, hội chợ thương mại. Cùng với sự vào cuộc tích cực của các ngành chức năng, nhiều doanh nghiệp, người dân đã chủ động tìm tòi hướng đi; đầu tư trang thiết bị, nghiên cứu cho ra mắt nhiều bộ quà tặng du lịch để lan tỏa sản phẩm đặc trưng của địa phương đến mọi miền. Tiêu biểu phải kể đến Công ty cổ phần Ong Tam Đảo với hàng chục sản phẩm chế biến từ mật ong; HTX Nấm Tam Đảo với các sản phẩm từ nấm, đông trùng hạ thảo, được du khách đánh giá cao về chất lượng, tính thẩm mỹ.
 
 
Các bộ quà tặng tại Công ty Cổ phần Thương mại và Du lịch Quốc tế Tsubame góp phần lan tỏa hình ảnh về đất và người Vĩnh Phúc đến với đông đảo du khách
 
Ở góc độ doanh nghiệp, chị Trần Thị Thanh, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại và Du lịch quốc tế Tsubame khẳng định: Sản phẩm lưu niệm, quà tặng du lịch có ý nghĩa cả về kinh tế lẫn văn hóa tinh thần. Thông qua đó, không chỉ góp phần tăng doanh thu cho hoạt động du lịch mà còn tạo dấu ấn riêng, lan tỏa nhiều hơn hình ảnh về đất và người Vĩnh Phúc đến với đông đảo du khách trong và ngoài nước. Đối với Tsubame, dù mới đi vào kinh doanh chưa lâu, song, lĩnh vực dịch vụ quà tặng, sản phẩm lưu niệm du lịch đã đem lại doanh thu đáng kể cho công ty. Đặc biệt, trong các set quà của công ty có tới 60% là các sản phẩm OCOP Vĩnh Phúc như mật ong Tam Đảo, đông trùng hạ thảo, trà hoa vàng…
 
Những năm gần đây, sản phẩm lưu niệm, quà tặng du lịch của tỉnh tuy có sự gia tăng về số lượng, cải thiện về chất lượng, song, số lượng các đơn vị, doanh nghiệp tham gia sản xuất kinh doanh quà tặng, sản phẩm lưu niệm du lịch trên địa bàn tỉnh còn khá khiếm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của một vùng đất “Địa linh nhân kiệt”, “Đến với Phật về với Mẫu”. Mặt khác, sản phẩm lưu niệm, quà tặng du lịch mang nét đặc trưng của tỉnh còn đơn giản về mẫu mã, nghèo nàn về chủng loại, chưa tạo sức hấp dẫn. Đây cũng là môt trong những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng doanh thu từ du lịch của tỉnh còn ở mức thấp mặc dù lượng du khách đến tỉnh có sự tăng trưởng qua từng năm do mức chi tiêu của mỗi du khách mới chỉ dừng lại ở mức khoảng 500 nghìn đồng/ngày.
 
Tìm hiểu thực tế tại một số trạm dừng chân trên Quốc lộ 2B, tuyến đường dẫn tới nhiều điểm du lịch nổi tiếng của huyện Tam Đảo. Dù được coi là kênh tiêu thụ và quảng bá thương hiệu sản phẩm lưu niệm, quà tặng du lịch khá hữu hiệu, thế nhưng, các sản phẩm của tỉnh đang bị “lép vế” trên chính sân nhà. Trong số hàng trăm mặt hàng nông sản, đặc sản, quà tặng du lịch được bày bán, sản phẩm đặc trưng riêng có của Vĩnh Phúc không nhiều. Thậm chí, nhiều sản phẩm vẫn được sản xuất theo phương pháp thủ công; bao bì, mẫu mã, kiểu dáng sơ sài, kém hấp dẫn nên chưa thể đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.
 
Theo số liệu từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, toàn tỉnh có hơn 500 di tích được xếp hạng; 571 di sản văn hóa phi vật thể. Cùng với đó là nhiều danh lam, thắng cảnh; 28 làng nghề truyền thống và hơn 30 món ngon đặc sắc được Nhân dân địa phương duy trì và phát triển, tạo điểm nhấn trong hoạt động văn hóa, du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Về lượng khách và tổng doanh thu du lịch của tỉnh trong những năm gần đây luôn có sự tăng trưởng tốt. Nếu như năm 2018, tỉnh thu hút được 5,2 triệu lượt khách du lịch thì đến năm 2022, lượng khách lên tới 8,2 triệu lượt. Doanh thu từ hoạt động du lịch năm 2022 đạt 3.282 tỷ đồng, tăng 1.612 tỷ đồng so với năm 2018. 9 tháng năm 2023, toàn tỉnh đón gần 7,7 triệu lượt khách, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2022; doanh thu du lịch ước đạt gần 3.000 tỷ đồng. Để khuyến khích du khách chi tiêu, tạo “cú huých” thúc đẩy ngành du lịch, thời gian tới, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh tiếp tục có nhiều giải pháp hỗ trợ nhằm đẩy mạnh phát triển, nghiên cứu, kinh doanh, đa dạng hóa chủng loại, mẫu mã bộ quà tặng, sản phẩm lưu niệm du lịch từ các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của tỉnh.
 
Phùng Hải
Cổng TTĐT tỉnh Vĩnh Phúc - vinhphuc.gov.vn