logo
title

Bình Định phát triển du lịch vùng cao

Cập nhật ngày: 14/11/2023
Thay vì lựa chọn những loại hình du lịch đơn thuần quen thuộc, khách du lịch ngày nay có xu hướng tìm kiếm những trải nghiệm mới và khám phá các giá trị văn hóa truyền thống bản địa. Khai thác xu hướng này, các huyện vùng miền núi đông đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Bình Định đã và đang nỗ lực phát triển sản phẩm du lịch có thế mạnh đặc trưng của địa phương.
 
Lễ hội mừng lúa mới của đồng bào Ba Na, thôn K8, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh
 
Huyện miền núi An Lão có khí hậu mát mẻ, lại sở hữu khu bảo tồn thiên nhiên với những thắng cảnh trời phú, như: Thác Đá Ghe; thác Long Vo (xã An Hưng); hồ Hưng Long (xã An Hòa); thác bốn tầng (xã An Quang); thác R’rê và thác Rông (xã An Vinh); hồ Đồng Mít (xã An Trung)... Vì thế, vùng đất này luôn tạo ấn tượng khó quên với bất cứ du khách nào từng đặt chân đến.
 
Cách trung tâm thành phố Quy Nhơn 120 km về hướng tây bắc, dù vẫn còn là huyện nghèo, nhưng An Lão được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và du lịch nghỉ dưỡng. Ngoài những lợi thế tự nhiên, An Lão cũng lưu giữ nhiều nét văn hóa đặc sắc của ba dân tộc chính: Kinh, H’rê và Ba Na. Mỗi dân tộc có một kho tàng văn hóa phong phú, đa dạng về lễ thức truyền thống, như: đám cưới; lễ cúng làng; lễ cúng con nước; hội hát Ta Lêu, Ka Choi,... với nhiều loại nhạc cụ đặc trưng truyền thống, nhất là cồng chiêng được sử dụng.
 
Hiện tại, An Lão đang triển khai đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, kết hợp chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, đồng thời tập trung phát triển các loại cây như cam, bưởi, bơ (xã An Toàn; xã An Hòa); mây tự nhiên (100 ha); chè tiến vua (hơn 600 gốc chè cổ thụ); chè dây, trà thảo mộc, cao dược liệu; sim An Quang (300 ha); rượu cần Hrê (xã An Hưng)... Nguồn ẩm thực đa dạng, phong phú cùng sự thân thiện, mến khách của người dân bản địa đã góp phần tạo ra các sản phẩm du lịch đặc trưng, khác biệt, cung cấp cho du khách những trải nghiệm độc đáo trong khung cảnh thiên nhiên gần như nguyên sơ tại địa phương hầu như chưa bị “cơn lốc” đô thị hóa tác động.
 
Bà Phạm Thị Kênh, chủ hộ kinh doanh dịch vụ homestay ở thôn 1 (xã An Toàn, huyện An Lão) - một trong những phụ nữ miền núi đi tiên phong làm du lịch cộng đồng-sinh thái tại đây, cho biết: “Tôi từng gặp không ít khó khăn do không nắm được kiến thức cơ bản để kinh doanh dịch vụ du lịch cộng đồng. Từ thực tế đón và phục vụ du khách, tôi nhận thức được ngoài cảnh sắc thiên nhiên, văn hóa bản địa còn phải có sự thân thiện để du khách ấn tượng mà quay trở lại”.
 
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện An Lão Đỗ Tùng Lâm nói: “Chúng tôi đang nỗ lực xây dựng thương hiệu du lịch mang bản sắc riêng của An Lão; xúc tiến quảng bá hình ảnh đến du khách trong và ngoài tỉnh; tập trung đầu tư cho du lịch một cách đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên huy động nguồn lực xã hội hóa là chính cùng nguồn ngân sách nhà nước, từ đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm và nâng cao đời sống người dân”.
 
Thời gian qua, Bình Định đã ưu tiên bố trí kế hoạch vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 để triển khai thực hiện nhiều dự án bảo tồn di tích văn hóa-lịch sử phục vụ phát triển du lịch tại các huyện miền núi. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tập trung bố trí vốn ngân sách Trung ương và vốn đối ứng ngân sách địa phương thực hiện các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia (như: Dự án tu bổ, tôn tạo di tích quốc gia Gộp Nước Ló, xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Thạnh; hỗ trợ đầu tư xây dựng điểm đến du lịch tiêu biểu thôn 1, xã An Toàn, huyện An Lão; xây dựng nhà văn hóa thôn T2, xã Bok Tới, huyện Hoài Ân; xây mới nhà văn hóa-khu thể thao làng Cát, xã Canh Liên, huyện Vân Canh...) nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch.
 
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Định, từ năm 2021 đến ngày 31/7/2023, tỉnh đã mời gọi, thu hút được 17 dự án đầu tư du lịch với tổng vốn đăng ký khoảng 49.747 tỷ đồng. Trong đó, năm 2021 thu hút chín dự án (tổng vốn đầu tư 39.540 tỷ đồng), năm 2022 thu hút năm dự án (tổng vốn đầu tư khoảng 4.918 tỷ đồng), và sáu tháng đầu năm 2023 thu hút ba dự án (tổng vốn đầu tư 5.289 tỷ đồng). Tuy vậy, các địa bàn huyện miền núi An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh, Hoài Ân và Tây Sơn vẫn chưa mời gọi được nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch.
 
Ông Lê Văn Vinh, Trưởng phòng Văn hóa huyện Vĩnh Thạnh, nhận định: Hiện nay, phần lớn du khách đến địa phương đều theo hình thức tham quan, du lịch tự do. Các sản phẩm du lịch của huyện chưa có điểm nhấn, thiếu đặc trưng văn hóa bản địa, chưa khai thác một cách hiệu quả sản phẩm du lịch dựa trên nền tảng bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số. Mặc dù hệ thống giao thông, cơ sở vật chất tại các điểm tham quan du lịch (cơ sở lưu trú, dịch vụ, điểm vui chơi, giải trí...) đã được quan tâm đầu tư, nhưng chưa tương xứng với tiềm năng của huyện; chưa có điểm lưu trú đạt chuẩn du lịch quốc gia. Bởi thế, chất lượng dịch vụ phục vụ du khách ở một số địa phương mới chỉ dừng ở mức sơ khai, tự phát.
 
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Định đã phối hợp các cơ quan liên quan và các doanh nghiệp du lịch, hãng hàng không như: Vietravel, Saigontourist, Hanoitourist, Bamboo Airways, Vietjet... xây dựng kế hoạch chi tiết mời gọi đầu tư vào du lịch cộng đồng tại các vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Trong đó, có mô hình quản lý kinh doanh du lịch; phát triển các dịch vụ du lịch; cơ chế phân chia lợi ích; đào tạo nguồn nhân lực du lịch tại mỗi địa phương… và tổ chức kết nối nguồn khách đến các điểm... Bước đầu, chính quyền xã, huyện sẽ làm đầu mối trung gian giữa cộng đồng với doanh nghiệp, sau đó chuyển giao lại cho ban quản lý hoặc những người, nhóm người đại diện của cộng đồng.
 
Bà Mai Thị Mỹ Lâm, Giám đốc Dịch vụ khách hàng và đối tác (Hợp tác xã Nông dược và Dịch vụ tổng hợp An Toàn) chia sẻ: “Hiện nay, chúng tôi phát triển mô hình trang trại nông dược kết hợp lưu trú và chuỗi dịch vụ trải nghiệm, đồng thời hỗ trợ kết nối nhiều đoàn khách tham quan ở lại tại nhà sàn của các hộ dân trong làng.
 
Để hỗ trợ người dân khởi nghiệp, chúng tôi cũng chuyển giao các mô hình trồng dược liệu như đương quy, kim chất..., đặc biệt là thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ và thanh niên trong vùng. Từ đó, tạo cơ hội cho du khách tham gia vào các hoạt động du lịch trải nghiệm và chăm sóc chữa lành thông qua dược liệu, thu hoạch nông sản đặc trưng bản địa như ngâm chân thảo dược, thưởng trà hoa thảo mộc, hỗ trợ tiêu thụ nông sản dứa, củ mì, bí ngô, rau rừng...
 
Thêm vào đó là tổ chức các buổi workshop pha chế món ăn, thức uống từ dược liệu và nông sản theo mùa. Ngoài ra, hợp tác xã đang tiếp tục có hướng nghiên cứu thêm dịch vụ ẩm thực đặc trưng từ các loại rau củ có dược tính của đồng bào dân tộc Ba Na và H’rê nhằm nâng cao chất lượng, làm phong phú thêm các trải nghiệm cho du khách”.
 
Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bình Định Huỳnh Thị Anh Thảo cho biết, từ năm 2022 đến nay, Sở đã chủ trì phối hợp các sở, ngành và chính quyền các huyện An Lão, Hoài Ân, Tây Sơn, Vân Canh, Vĩnh Thạnh triển khai kế hoạch thực hiện dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” (thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Bình Định giai đoạn 2021-2030).
 
Đây là chủ trương, chính sách hiệu quả để vừa bảo đảm mục tiêu phục hồi, bảo tồn, phát huy nhiều giá trị văn hóa đặc trưng của các dân tộc thiểu số trên địa bàn, vừa khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên du lịch để xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng hấp dẫn du khách. Và dự án luôn cần có sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương và cộng đồng để đạt kết quả như mong đợi.
 
Cát Hùng - Lương Tùng
Báo Nhân dân điện tử - nhandan.vn