logo
title

Độc đáo du lịch Sóc Trăng

Cập nhật ngày: 24/11/2023
Sóc Trăng có nhiều tiềm năng, thế mạnh và nét đặc trưng riêng để thúc đẩy phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Để thúc đẩy ngành du lịch tỉnh theo hướng bền vững, chuyên nghiệp, hiện đại và phấn đấu đến năm 2025, du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, đến năm 2030 trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Sóc Trăng tiếp tục phát huy thế mạnh du lịch tâm linh, văn hóa lễ hội, du lịch sinh thái; nâng cao tầm vóc của các sự kiện lễ hội độc đáo của 3 dân tộc Kinh - Hoa - Khmer…
 
 
Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng hàng năm thu hút hàng ngàn du khách, khán giả tham gia
 
Nhiều tiềm năng
 
Du lịch tâm linh là thế mạnh của tỉnh Sóc Trăng. Nhiều điểm du lịch tiêu biểu đã được quan tâm đầu tư, nâng cấp, mở rộng, nâng chất về cảnh quan, vệ sinh môi trường, an toàn trật tự và chất lượng các dịch vụ phục vụ cho du khách, như: chùa Sro Lôn (chùa Chén Kiểu), Bửu Sơn Tự (chùa Đất Sét), chùa Kh’leang, chùa Mahatup (chùa Dơi), Nhà trưng bày Văn hóa Khmer...
 
Nhiều điểm đến mới thu hút nhiều khách du lịch như Khu Văn hóa Tín ngưỡng tỉnh Sóc Trăng (Thiền viện Trúc Lâm), chùa Som Rong... Riêng lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo hàng năm đón khoảng 100.000 lượt khách xem trực tiếp, trên 400.000 lượt khách thông qua mạng xã hội, trong đó khách ngoài tỉnh và quốc tế trên 20.000 lượt. Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo tỉnh Sóc Trăng và Lễ hội Nghinh Ông cũng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
 
Hiện nay, Sóc Trăng có 93 chùa Khmer, với nét kiến trúc độc đáo và mang nét đặc trưng riêng biệt là những điểm đến hấp dẫn khách du lịch khi đến với Sóc Trăng. Nhiều di sản, di tích văn hóa, kiến trúc lịch sử của tỉnh được đưa vào danh mục di sản văn hóa, di tích lịch sử cấp tỉnh, cấp quốc gia, đã được các địa phương, điểm du lịch khai thác phục vụ khách du lịch, tạo nên nét độc đáo của tỉnh Sóc Trăng.
 
Ngoài ra, loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng cũng từng bước phát triển. Bên cạnh đó, Sóc Trăng đang thúc đẩy khai thác các điểm du lịch biển, như biển Mỏ Ó thuộc huyện Trần Đề và biển Hồ Bể thuộc thị xã Vĩnh Châu...
 
Ông Trần Minh Lý, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng cho biết, giai đoạn 2020 - 2023, có nhiều điểm du lịch mới của tỉnh cũng đã được hình thành và trở thành điểm đến trong các chương trình tour, tuyến kết nối với các đơn vị lữ hành ngoài tỉnh, như: Điểm du lịch Tân Huê Viên (huyện Châu Thành); chùa Som Rong, chùa Quan âm Linh Ứng (TP. Sóc Trăng); Du lịch chùa Chén Kiểu, Điểm dừng chân Minh Khải (huyện Mỹ Xuyên); chùa Sê Rây Ta Mơn (huyện Trần Đề); Nhà cổ họ Lai (thị xã Vĩnh Châu); Du lịch Sân Tiên (huyện Cù Lao Dung)…
 
Năm 2022, tổng lượt khách du lịch đến tỉnh Sóc Trăng đạt khoảng 2,8 triệu lượt, tổng doanh thu từ du lịch đạt 1.484 tỷ đồng. Riêng trong 10 tháng của năm nay, tổng lượt khách du lịch đến tỉnh đạt 2,4 triệu lượt khách, tổng doanh thu từ du lịch đạt 1.200 tỷ đồng, vượt 18% kế hoạch năm.
 
Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo tỉnh Sóc Trăng năm 2023 sẽ được tổ chức trong 3 ngày (từ 25-27/11/2023), tại thành phố Sóc Trăng, với các hoạt động chính gồm: Liên hoan tiếng hát Truyền hình tiếng Khmer khu vực Nam Bộ; Hội chợ xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền - Sóc Trăng năm 2023...
 
Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
 
Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, có vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch, BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 05 về phát triển du lịch tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, với quan điểm “du lịch là một ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Phát triển du lịch gắn với quảng bá hình ảnh địa phương, văn hóa, con người Sóc Trăng”.
 
Tại hội nghị trực tuyến chuyên đề về phát triển kinh tế du lịch mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu nhấn mạnh, thời gian tới, Sóc Trăng tập trung các nguồn lực triển khai thực hiện hoàn thành mục tiêu của Nghị quyết số 05 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, triển khai các Nghị quyết của HĐND về phát triển du lịch gắn với đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính. Đồng thời thực hiện chuyển đổi số trong du lịch, thúc đẩy ngành du lịch tỉnh theo hướng bền vững, chuyên nghiệp, hiện đại.
 
Tỉnh Sóc Trăng phấn đấu đến năm 2025, du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, đến năm 2030 trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Đề án tổng thể và phát triển du lịch. Do đó, tỉnh tiếp tục phát huy thế mạnh du lịch tâm linh, văn hóa lễ hội, du lịch sinh thái; nâng cao tầm vóc của các sự kiện lễ hội độc đáo của 3 dân tộc Kinh-Khmer-Hoa; đa dạng hóa, nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ du lịch gắn với kêu gọi đầu tư về du lịch để phát triển cơ sở hạ tầng trên cơ sở khai thác tiềm năng, thế mạnh về du lịch.
 
Theo ông Trần Văn Lâu, hướng tới bứt phá về kinh tế, tỉnh tập trung triển khai đầu tư các dự án giao thông huyết mạch, quan trọng của vùng như tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, tuyến động lực ven biển nối TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng ĐBSCL; dự án cầu Đại Ngãi kết nối tuyến Quốc lộ 60 đến các cửa khẩu quốc tế, cảng biển nước sâu, phát triển hành lang kinh tế ven biển gắn với dịch vụ logistics, các mô hình du lịch sinh thái, trải nghiệm, khám phá. Ngoài ra, tỉnh kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực du lịch như: dự án Sân golf tại xã Song Phụng, huyện Long Phú; khu du lịch văn hóa sông nước tại Cù lao Dung...; phát triển cơ sở hạ tầng trên cơ sở khai thác tiềm năng, thế mạnh về du lịch.
 
Thùy Linh
Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp - diendandoanhnghiep.vn