logo
title

Du lịch Thanh Hóa khẳng định chỗ đứng vững chắc trên bản đồ du lịch Việt Nam

Cập nhật ngày: 27/11/2023
Vượt qua khó khăn sau đại dịch Covid-19, du lịch Thanh Hóa đã và đang khẳng định được chỗ đứng vững chắc trên bản đồ du lịch Việt Nam, khi liên tiếp nằm trong top các địa phương là điểm đến hấp dẫn, thân thiện, thu hút khách du lịch nhiều nhất cả nước trong thời gian qua. Bên cạnh các điểm đến đã khẳng định thương hiệu, các điểm đến mới đang dần khẳng định vị trí và vai trò mạnh mẽ trên bản đồ du lịch Việt Nam.
 
Di sản thế giới Thành nhà Hồ - điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế
 
Xứ Thanh - điểm đến thân thiện, hấp dẫn
 
Là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, Thanh Hóa đang lưu giữ kho tàng văn hóa vật thể và phi vật thể đa dạng, phong phú, với 1.535 di tích và danh thắng. Bên cạnh đó là nhiều lễ hội văn hóa truyền thống đặc sắc, độc đáo; ẩm thực địa phương phong phú, hấp dẫn... Thanh Hóa với nhiều lợi thế về hệ thống giao thông đồng bộ, có đầy đủ các loại hình từ đường bộ (Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, đường cao tốc Bắc - Nam, đường ven biển); đường sắt Bắc - Nam; Cảng Hàng không (CHK) Thọ Xuân... Đây là những điều kiện hết sức thuận lợi để Thanh Hóa khai thác, phát huy giá trị, phục vụ phát triển du lịch.
 
Theo đó, kể từ sau đại dịch Covid-19 đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã nằm trong nhóm dẫn đầu trên bản đồ du lịch Việt Nam. Lượng tìm kiếm về du lịch Thanh Hoá tăng nhanh tốp đầu cả nước. Sự tăng trưởng của ngành Du lịch Thanh Hoá đã chứng minh cho niềm tin về sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ; cùng đó, đã và đang từng bước khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của Thanh Hoá. Theo báo cáo của Sở VHTTDL tỉnh Thanh Hóa cho biết, năm 2022, du lịch Thanh Hóa đón trên 11 triệu lượt khách, tăng gấp 3,2 lần so với năm 2021, đạt 110,1% kế hoạch năm 2022 và vươn lên đứng thứ tư cả nước về thu hút khách du lịch. Trong sáu tháng đầu năm 2023, Thanh Hóa đứng thứ tư trong chín tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về doanh thu du lịch. Với hơn 8,3 triệu lượt khách, tổng doanh thu từ du lịch của Thanh Hóa ước đạt 15.072 tỷ đồng, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 63,2% kế hoạch năm 2023.
 
Bên cạnh đó sản phẩm du lịch sinh thái, cộng đồng đang là một “hiện tượng” mới nổi trên bản đồ du lịch Thanh Hóa, góp phần không nhỏ vào sự thành công chung của du lịch Thanh Hóa. Các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đồng loạt thu hút lượng lớn khách du lịch như: Khu du lịch Bến En Thanh Hóa (H. Như Thanh) được mệnh danh là “Hạ Long trên cạn xứ Thanh”, suối cá Cẩm Lương (H. Cẩm thủy), Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh (H. Thọ Xuân), làng Văn hóa dân tộc xứ Thanh (TP. Thanh Hóa)... đều tăng hơn cùng kỳ năm 2022 từ 30% đến 40%, có những điểm du lịch đã đón đủ chỉ tiêu về lượt khách cho cả năm 2023. Dịp lễ 30/4 và 01/5 vừa qua, Thanh Hóa cũng đón được lượng du khách cao nhất cả nước với gần 1,2 triệu lượt.
 
Du lịch biển vẫn là sản phẩm du lịch thế mạnh của Thanh Hóa với lượng khách dẫn đầu trong tất cả các khu du lịch trong tỉnh. Trong đó phải kể đến là pha bứt tốc ngoạn mục của thành phố Sầm Sơn, trong giai đoạn 2021 - 2023, thành phố nhỏ nhất cả nước này đã đón được gần 14 triệu lượt khách du lịch, doanh thu ước đạt gần 25.000 tỷ đồng. Riêng sáu tháng đầu năm 2023, thành phố Sầm Sơn đã đón khoảng 5,3 triệu lượt du khách, doanh thu ước đạt hơn 9.160 tỉ đồng, đóng vai trò chính để Thanh Hóa vươn lên vị trí thứ tư cả nước về số lượng lượt khách và doanh thu từ du lịch. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá có 76 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành được cấp phép, trong đó có 16 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 56 doanh nghiệp lữ hành nội địa, bốn chi nhánh du lịch. Đối với hệ thống cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá, ngày càng được đầu tư đồng bộ, đáp ứng tốt các phân khúc khách hàng.
 
Hướng tới là trọng điểm phát triển du lịch của cả nước
 
Có được kết quả này là nhờ sự tích cực, chủ động của các doanh nghiệp, khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đã chuẩn bị tốt các điều kiện đón và phục vụ khách; đồng thời triển khai hiệu quả, sáng tạo các chương trình liên kết, kích cầu du lịch ngay sau khi du lịch được mở cửa trở lại. Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh tối đa các hoạt động liên kết, xúc tiến, quảng bá du lịch và đẩy mạnh thu hút đầu tư, liên kết phát triển du lịch với các trọng điểm du lịch cả nước. Trong đó, phải kể đến các hoạt động liên kết, hợp tác trong tuyên truyền, xúc tiến quảng bá và kêu gọi đầu tư giữa bốn tỉnh Bắc Trung bộ (gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình) và Bắc Trung bộ mở rộng; hợp tác phát triển khu vực Tây Bắc mở rộng; liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố như: Ninh Bình, Hà Nội, Quảng Nam, Đà Nẵng, Nha Trang - Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long… Nhiều sản phẩm dịch vụ du lịch biển mới vào khai thác như: Quảng trường biển, nhạc nước, phố đi bộ… Trong thời gian qua, Thanh Hoá không ngừng làm mới và hoàn thiện ba dòng sản phẩm chủ lực gồm du lịch biển; du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh và du lịch sinh thái cộng đồng. Đón nhiều đoàn famtrip của các doanh nghiệp, các cơ quan báo chí trong cả nước đến khảo sát, kết nối phát triển du lịch. Qua đó quảng bá sâu rộng hình ảnh “Hương sắc bốn mùa” của du lịch xứ Thanh đến gần hơn với du khách; nhiều tour, tuyến mới đã được hình thành và đưa vào khai thác hiệu quả, thu hút đông đảo khách du lịch từ các thị trường trọng điểm của cả nước đến tham quan, trải nghiệm.
 
Bà Vương Thị Hải Yến, Phó Giám đốc Sở VHTTDL khẳng định, để du lịch giữ đà tăng trưởng, tỉnh Thanh Hóa đã, đang tập trung triển khai đồng bộ, có hiệu quả các nhóm giải pháp trọng tâm. Thanh Hóa tập trung phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư du lịch có tiềm lực, thương hiệu mạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước về du lịch. Sự phục hồi mạnh mẽ của du lịch Thanh Hóa trong thời gian qua đã tạo đà cho các địa phương, các nhà đầu tư tiếp tục nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, tạo nên nhiều điểm đến hấp dẫn du khách, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, hướng tới mục tiêu là trọng điểm phát triển du lịch của cả nước.
 
Cũng theo bà Yến, Du lịch Thanh Hóa đang bước vào một giai đoạn phát triển mới, với nhiều khó khăn nội tại cần vượt qua và cả những thách thức khách quan phải đối mặt. Song, du lịch cũng đang đứng trước cơ hội mới để cất cánh. Đó là Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, đã xác định đến năm 2030, phấn đấu đưa du lịch Thanh Hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và là một trong những trung tâm của vùng Bắc Trung bộ và cả nước về du lịch. Đồng thời, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025, tiếp tục xác định Chương trình phát triển du lịch là một trong sáu chương trình trọng tâm; với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 đón 16 triệu khách du lịch, trong đó khách quốc tế 850 nghìn lượt, đưa du lịch trở thành một trong năm trụ cột tăng trưởng. Đây là cơ sở hết sức quan trọng để tỉnh Thanh Hoá đề ra các chính sách cụ thể, đột phá, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho ngành Du lịch.
 
Nguyễn Linh
Báo Văn hóa Điện tử - baovanhoa.com.vn