Là địa phương có đồi Mâm Xôi và những thửa ruộng bậc thang làm say đắm bao du khách, được công nhận Di tích quốc gia đặc biệt, xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái đã và đang nỗ lực "biến di sản thành tài sản", mang lại lợi ích kinh tế cho bà con từ phát triển du lịch cộng đồng.
Đồi Mâm Xôi, địa điểm lý tưởng thu hút khách du lịch đến với Mù Cang Chải mỗi mùa lúa chín
Để thực hiện mục tiêu này, Đảng bộ xã đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về tôn tạo, bảo vệ di tích quốc gia đặc biệt ruộng bậc thang gắn với phát triển du lịch năm 2020 và giai đoạn 2021- 2025. Trên địa bàn xã hiện có 31 hộ dân làm homestay, tăng 28 hộ so với năm 2020.
Điển hình như homestay do anh Hảng A Dò, bản La Pán Tẩn, xã La Pán Tẩn thực hiện từ năm 2016, quy mô 11 phòng đơn, 1 phòng nghỉ cộng đồng, cho thu nhập bình quân 300 triệu đồng/năm.
Mô hình Homestay "Hello Mù Cang Chải” của anh Giàng A Dê, bản La Pán Tẩn, xã La Pán Tẩn, thực hiện từ năm 2017, đến năm 2020 thành lập Công ty TNHH Du lịch và Thương mại Hello Mù Cang Chải để mở rộng hợp tác đón khách du lịch nước ngoài, tạo việc làm ổn định cho 6 lao động địa phương, doanh thu mỗi năm đạt trên 500 triệu đồng.
Ngoài ra, xã còn thành lập Hợp tác xã du lịch đồi Mâm Xôi, 5 tổ xe ôm tự quản và 2 đội văn hóa văn nghệ quần chúng để phục vụ du khách. Các homestay ở La Pán Tẩn ngoài việc đón khách, phục vụ ăn, ở còn liên kết tạo thành các tour, tuyến, liên kết một số hộ gia đình làm các sản phẩm thổ cẩm, tổ chức cho khách du lịch trải nghiệm cuộc sống người Mông bản địa như: khai hoang ruộng bậc thang, cày ruộng, gặt lúa, vẽ hoa văn trên vải bằng sáp ong, giã bánh dày. Bên cạnh đó, họ còn lập trang fanpage, liên kết với các trang trên mạng xã hội quảng bá và đặt dịch vụ trực tuyến để du khách biết và đến với Mù Cang Chải nhiều hơn.
Ông Phạm Tiến Lâm - Bí thư Đảng ủy xã La Pán Tẩn cho biết: Việc phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn Di tích quốc gia đặc biệt ruộng bậc thang trên địa bàn xã La Pán Tẩn đã mang lại hiệu quả tích cực cả về mặt kinh tế và xã hội. Hàng năm, xã tổ chức tốt các hoạt động lễ hội văn hoá, du lịch trên địa bàn, thu hút trên 56.000 lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan và trải nghiệm. Năm 2023, doanh thu từ du lịch đạt trên 10 tỷ đồng.Lợi ích kinh tế từ phát triển du lịch cộng đồng khá rõ.
Đơn cử, tính trung bình một người xe ôm trong vòng 2 tháng cao điểm "Du lịch mùa vàng" (tháng 9 và tháng 10) có thu nhập trên 10 triệu đồng. Thu nhập bình quân của người dân đạt 25 triệu đồng/người/ năm, tăng 20 triệu đồng so với năm 2010, giải quyết nhiều việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn.
Để làm tốt công tác quản lý Di tích quốc gia đặc biệt ruộng bậc thang gắn với phát triển du lịch, biến di sản thành tài sản, tạo sinh kế bền vững và hướng tới mục tiêu xây dựng Mù Cang Chải trở thành huyện du lịch, Đảng ủy, chính quyền xã tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ và phát huy di sản. Đồng thời xử lý nghiêm các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có hình vi làm thay đổi hiện trạng, vẻ đẹp của ruộng bậc thang.
Xã cũng tiếp tục có chủ trương hỗ trợ, đầu tư tôn tạo, chỉnh trang điểm chụp ảnh đồi Mâm Xôi, thiết kế đường lên xuống điểm đồi phù hợp để thuận lợi cho du khách tham quan, chụp ảnh và mở rộng, quảng bá các điểm chụp ảnh; quản lý tốt các hoạt động dịch vụ bán hàng, cho thuê trang phục dân tộc Mông tại khu vực đồi Mâm Xôi để "vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”.
Địa phương cũng tiếp tục tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân phát triển nhà nghỉ cộng đồng (homestay) đúng với quy hoạch, kế hoạch, không làm ảnh hưởng đến cảnh quan ruộng bậc thang; tiếp tục nghiên cứu hình thành các tour, tuyến mới và củng cố nâng cấp các tour, tuyến du lịch đã có.
Xã cũng đề nghị tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư, nâng cấp công trình thuỷ lợi Háng Chua về khu sản xuất tại đồi Mâm Xôi để đảm bảo nguồn nước cho nhân dân sản xuất đúng thời vụ, cấy cùng một loại giống lúa chất lượng cao, vừa tạo cảnh quan đẹp vừa tạo ra sản phẩm gạo đặc sản mang thương hiệu đồi Mâm Xôi, đồng thời đầu tư; hỗ trợ phát triển các sản phẩm du lịch mang bản sắc văn hoá của dân tộc Mông, như rèn đúc, đan lát, thêu diệt thổ cẩm thủ công bằng cây lanh; tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến, giới thiệu, quảng bá về hình ảnh, nét đẹp của La Pán Tẩn trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên các nền tảng mạng xã hội, thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch.
Càng ngày, khách du lịch đến với La Pán Tẩn càng đông để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những thửa ruộng bậc thang do chính bàn tay lao động cần cù và óc sáng tạo của người Mông. Điều đó đã góp phần bảo tồn, truyền tải văn hóa truyền thống tới các thế hệ kế sau, người trẻ học hỏi người già về văn hóa, về cách làm nghề truyền thống… để tham gia vào hoạt động làm du lịch, biến "di sản thành tài sản” để đồng bào Mông có cuộc sống ấm no, hạnh phúc và xây dựng hình ảnh một La Pán Tẩn thơ mộng, tiếp tục làm say lòng du khách.
Mạnh Cường