logo
title

Quảng Nam: Đánh thức tiềm năng du lịch miền núi

Cập nhật ngày: 27/12/2023
Nhờ các chủ trương, chính sách đầu tư hạ tầng, xúc tiến quảng bá, xây dựng sản phẩm du lịch miền núi, tỉnh Quảng Nam đã hình thành nhiều điểm đến mới. Không chỉ đa dạng hóa sản phẩm du lịch giúp du khách có những trải nghiệm mới, những điểm đến này còn góp phần tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tại địa phương.
 
Các khu điểm du lịch miền núi Quảng Nam có lợi thế cảnh quan thiên nhiên và đa dạng văn hóa. Ảnh: Phương Thảo
 
Vùng núi Quảng Nam là nơi sở hữu nhiều tài nguyên văn hóa và tự nhiên để phát triển du lịch. Đặc biệt, miền núi phía Tây còn là nơi lưu giữ nguyên vẹn các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể quý giá của đồng bào DTTS với các lễ hội đặc trưng, lối sống sinh hoạt hằng ngày, nhiều món ăn đặc sản, nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng... Đây là những chất liệu quan trọng để hình thành nên những sản phẩm du lịch riêng có, độc đáo, hấp dẫn du khách với các loại hình du lịch như du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, du lịch lịch sử...
 
Làng ĐhRôồng, xã Tà Lu, huyện miền núi Đông Giang chủ yếu là đồng bào Cơ Tu. Mô hình du lịch cộng đồng ĐhRôồng đi vào hoạt động năm 2019, có 35 hộ tham gia với hơn 82 lao động làm việc thường xuyên. Trước đây, cuộc sống của đồng bào Cơ Tu nơi đây chủ yếu nhờ vào làm rẫy, đời sống khó khăn. Từ khi tham gia làm du lịch cộng đồng, bà con có thêm thu nhập, cuộc sống ổn định hơn.
 
Chị Briu Thị Hạnh, thành viên Tổ dệt thổ cẩm, làng du lịch cộng đồng ĐhRôồng cho biết, ngày trước, thổ cẩm dệt ra chỉ để dùng trong gia đình, bây giờ phục vụ khách du lịch mua làm quà nên cuộc sống của bà con đã đổi thay. Theo chị Briu Thị Hạnh, một tấm khố dệt bán ra thị trường có giá từ 800 nghìn đến 1 triệu đồng, váy ngắn 500 nghìn đồng, tấm choàng đôi 1,2 triệu đồng. Ngoài tham gia tổ dệt thổ cẩm, chị Hạnh còn nằm trong đội ẩm thực và đội văn nghệ phục vụ khách du lịch.
 
Tỉnh Quảng Nam hiện có 35 điểm du lịch sinh thái, du lịch làng nghề truyền thống cộng đồng ở khu vực nông thôn, các huyện miền núi. Một số điểm đến đã bước đầu hình thành như làng du lịch cộng đồng Cơ Tu, làng dệt Zơra (Nam Giang), làng du lịch Bhờ Hôồng, làng cổ Lộc Yên (Tiên Phước), làng du lịch cộng đồng Đại Bình (Nông Sơn), làng văn hóa Cao Sơn, làng Mường (Bắc Trà My), khu du lịch bảo tồn văn hóa Bh’noong (Phước Sơn), khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang... Bên cạnh đó, thương hiệu sâm Ngọc Linh Nam Trà My cũng bắt đầu được nhiều công ty lữ hành và du khách chú ý.
 
Ông Văn Bá Sơn – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam cho biết, thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách đầu tư hạ tầng, xúc tiến quảng bá, xây dựng sản phẩm du lịch miền núi, du lịch xanh. Nhiều sản phẩm du lịch đã được đầu tư và được du khách trong nước, nước ngoài đón nhận, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch khu vực miền núi, mang đến trải nghiệm mới mẻ cho du khách khi đến Quảng Nam và giải quyết việc làm cho một lượng lớn lao động địa phương.
 
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh đón gần 4,6 triệu lượt khách, doanh thu ước tính đạt 4.600 tỉ đồng. Trong định hướng phát triển mở rộng không gian du lịch, Quảng Nam hướng tới khu vực miền núi phía tây. Trong đó, các địa phương miền núi Đông Giang, Tây Giang, Nam Trà My có nhiều thế mạnh như văn hóa bản địa độc đáo, nhiều danh lam thắng cảnh và ẩm thực phong phú.
 
 
Các nghệ nhân của Hợp tác xã dệt thổ cẩm truyền thống Za Ra trình diễn phục vụ du khách. Ảnh: Khánh Nguyên
 
Tỉnh Quảng Nam cũng có nhiều chính sách hỗ trợ các làng du lịch như: tăng cường liên kết với các doanh nghiêp, công ty lữ hành, hướng dẫn viên du lịch; Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến quảng bá trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội để thu hút khách tham quan.
 
Mặc dù có sự quan tâm của các cấp chính quyền, nhưng tình hình đầu tư vào khu vực miền núi của tỉnh, nhất là trong lĩnh vực du lịch vẫn còn khiêm tốn. Một số nguyên nhân có thể kể đến do: nhân lực tại các địa phương miền núi chủ yếu là lao động phổ thông không có tay nghề nên thiếu lao động chất lượng cao, nhất là các lao động trong lĩnh vực du lịch; các khu vực miền núi chịu ảnh hưởng nhiều bởi tình hình thời tiết như mưa bão, sạt lở gây ảnh hưởng lớn đến các dự án du lịch; thiếu các cơ sở dịch vụ phụ trợ phục vụ cho du lịch như các điểm mua sắm, các điểm tham quan,...
 
Nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư trong lĩnh vực du lịch ở các địa phương miền núi dựa trên các lợi thế của miền núi, Quảng Nam đang tiếp tục đưa ra một số giải pháp về phát triển kết cấu hạ tầng; phát triển, đa dạng hóa các điểm, tuyến du lịch. Đồng thời, tăng cường thực hiện và khuyến khích người dân bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc trưng của từng dân tộc kết hợp với các di tích lịch sử, văn hóa, các giá trị đặc trưng của các làng nghề truyền thống, khu bảo tồn thiên nhiên, lòng hồ thủy điện và rừng phòng hộ để phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn, du lịch sinh thái, thể thao mạo hiểm, khám phá, nghỉ dưỡng.
 
Hồng Phúc
Báo Dân tộc và Phát triển - baodantoc.vn